1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công nhân Việt Nam đình công tại Thụy Điển đã đi làm trở lại

(Dân trí) - Số công nhân tham gia đình công ngày 11/8 tại Thụy Điển đã trở lại làm việc. Cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết nhằm đưa 6 người bị cảnh sát bắt giữ (trong số người đã tham gia đình công) về nước.

Theo tin từ một số báo nước ngoài, ngày 11/8, một nhóm khoảng 70 lao động Việt Nam tại tỉnh Dalarna, miền trung Thụy Điển đã tổ chức đình công. Cảnh sát đã bắt giữ 6 người có vi hành vi tấn công và nhốt giữ những người giám sát.

Đây là số lao động Việt Nam đang hái dâu tại Thụy Điển được công ty xuất khẩu lao động thương mại và dịch vụ TTLC (thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam), ký hợp đồng thời vụ đưa đi hàng năm. Theo đó, người lao động ký hợp đồng hái dâu và nhận lương trên sản phẩm, với điều khoản là hái được lượng dâu nhất định sẽ được trả lương từ 2.000 USD/tháng trở lên.

Tuy nhiên, năm nay tuyết tan muộn nên lượng dâu trong rừng khan hiếm và chưa kịp chín, nên rất ít việc làm. Công nhân Việt Nam do lo ngại việc nếu không đảm bảo đủ mức dâu hái theo quy định sẽ ảnh hưởng số tiền lương tháng như trong hợp đồng, lại bị trừ thêm vào các loại chi phí như:  ăn, ở, vé máy bay… sẽ không thể dành dụm được tiền gửi về cho gia đình nên nảy sinh bức xúc. 
 
Ông Nguyễn Gia Liêm- Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, người của Đại sứ Quán Việt Nam tại Thụy Điển đã làm việc với cảnh sát địa phương và nhắc nhở người lao động Việt tuân thủ luật pháp nước sở tại.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Lực, Tổng giám đốc TTLC  cho biết, đơn vị này cũng đã cử cán bộ chuyên trách sang  nước bạn để giải quyết tình hình. Theo thông tin mới nhất báo về, hiện số công nhân tham gia đình công đã bắt đầu làm việc trở lại.
 
Về số người đang bị cảnh sát Thụy Điển bắt giữ, ông Liêm thông báo: hiện cán bộ của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết để sớm đưa họ trở về Việt Nam.

 Phạm Thanh