1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Công nhân TPHCM thể hiện tình yêu nước đúng pháp luật

(Dân trí) - Cần phân biệt giữa nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lấn vùng biển nước ta với nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Phân biệt giữa công ty dầu khí Trung Quốc hành động sai trái với những doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn chân chính ở Việt Nam để ứng xử cho phù hợp.

Chiều 14/5, tại UBND phường Linh Trung, Q.Thủ Đức (gồm công nhân KCX Linh Trung 1 và Khu Công nghệ cao) và UBND phường Bình Chiểu (gồm KCX Linh Trung 2 và KCN Bình Chiểu), Liên Đoàn lao động TPHCM phối hợp cùng Đảng ủy các KCX- KCN TP tổ chức buổi thông tin, tuyên truyền vụ việc giàn khoan Hải Dương - 981 (HD-981) và nhiều tàu Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Buổi nói chuyện thu hút đông đảo các Đảng viên, đoàn viên, cán bộ công đoàn và công nhân lao động trên địa bàn các KCX- KCN.

Buổi nói chuyện thu hút đông đảo công nhân tham dự
Buổi nói chuyện thu hút đông đảo công nhân tham dự

Theo ông Ngô Thanh Sơn - Trưởng phòng tuyên truyền (Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM): Việc giàn khoan HD- 981 và các tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam và hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Ông Sơn nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước LHP về luật biển 1982. Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002, luật biển Việt Nam. Phương châm chung là vận dụng tổng hợp các biện pháp chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý, quân sự trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên trì nguyên tắc, đồng thời xử lý các tình huống các vấn đề cụ thể một cách bình tĩnh, chủ động. Yêu cầu chiến lược của ta là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc và các nước liên quan… Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, chúng ta kiên quyết không cho Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Nhiều công nhân tham gia buổi nói chuyện, thông tin về thời sự Biển Đông
Nhiều công nhân tham gia buổi nói chuyện, thông tin về thời sự Biển Đông

Ông Vương Phước Thiện - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM khẳng định: “Chúng tôi biết việc tuần hành của công nhân là nhằm biểu thị lòng yêu nước. Nhưng đã có một số phần tử xấu len lỏi vào đội ngũ tuần hành kích động, lôi kéo công nhân làm ảnh hưởng an ninh trật tự, gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN)”. Ông Thiện đưa ra quan điểm: Chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lấn vùng biển của nước ta với nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình hoàn toàn khác nhau. Đồng thời chúng ta cũng cần phân biệt giữa Công ty dầu khí Trung Quốc hành động sai trái trên lãnh thổ nước ta với những DN Trung Quốc khác làm ăn chân chính ở Việt Nam. Việc đập phá, gây rối không chỉ đi ngược lại phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân mà còn là việc làm vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm. “Chúng ta cần yêu nước bằng những hành động cụ thể bằng cách đóng góp tinh thần, vật chất, cùng Đảng, cùng nhân dân cả nước chung tay đấu tranh bảo vệ đất nước” - ông Thiện đề nghị.

Trao đổi với PV Dân Trí, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh - công nhân Công ty DaiKon cho biết: “Tôi nghĩ việc xâm lấn chủ quyền nước ta là việc làm sai trái của chính quyền Trung Quốc, đâu phải của doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu chúng ta đập phá DN Trung Quốc khiến họ không hoạt động được nữa thì lại trở thành “lợi bất cập hại”.   

Còn nhận định về hành động đập phá của một số công nhân quá khích, chị Trần Thị Thu - công nhân Công ty Freetrend (thuộc Khu Chế xuất Linh Trung) nói: “Tôi thấy hành động trên chẳng mang đến lợi ích gì cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Nếu yêu nước mỗi người, tùy vị trí của mình, hãy thể hiện từ những việc nho nhỏ như đóng góp một phần ngày công lao động của mình, để chung tay với các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ hải phận của mình, như thế sẽ thiết thực hơn”.

Việt Khuê - Phạm Thọ