1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Công nhân "cắn răng" vay tín dụng đen tiêu Tết

(Dân trí) - Để có tiền về quê ăn Tết cùng gia đình, nhiều công nhân chấp nhận vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ". Nhiều người cầm cố xe máy, điện thoại... để lấy vài triệu gửi về quê cho gia đình chuẩn bị Tết.

Qua Tết là... nợ ngập đầu!

Càng cận Tết, tín dụng đen tại các khu công nghiệp lại càng sôi động. Nhiều công ty cho hẳn một đội ngũ nhân viên tư vấn vay tiền nhanh túc trực 24/24 tại các khu công nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp đang "khát" tiền về quê ăn Tết. Dù tình trạng này diễn ra hàng năm và nhiều hệ lụy đã xảy đến với công nhân sau Tết nhưng họ vẫn "cắn răng" chịu đựng vì "không lẽ Tết không có đồng nào gửi về quê"!

Công nhân cắn răng vay tín dụng đen tiêu Tết - 1
Nhiều công nhân "cắn răng" vay lãi suất cắt cổ để có tiền tiêu Tết.

Trong căn phòng trọ nhỏ tại quận Bình Tân, gia đình chị Hồ Ngọc D. (công nhân công ty may B.P) than thở không biết Tết này sẽ ra sao. Hai vợ chồng chị đều làm công nhân với mức lương từ 6 - 8 triệu. Chồng chị ngoài làm công nhân còn tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm. Tuy vậy, số tiền đó chẳng thấm vào đâu để anh chị nuôi hai đứa con ăn học và hai bố mẹ già ở quê.

"Mình quê ở An Giang, làm công nhân cũng hơn chục năm rồi, năm nào cứ đến Tết là sợ như sợ cọp. Buồn lắm! Mọi năm thì cũng dành dụm được hơn chục triệu về quê nhưng năm nay chi phí nhiều quá, đành phải vay thôi. Thấy người ta phát tờ rơi ở trước cửa công ty, mình cũng đang kẹt tiền nên tìm hiểu và vay. Mình vay 20 triệu, lãi suất mỗi ngày 10 ngàn/triệu/ngày. Tiền này để gửi về quê cho ba mẹ sắm sửa chút ít để đón Tết. Mình và vợ cố gắng làm tăng ca từ nay đến 29 Tết trả trước một nửa, còn lại một nửa sau Tết đi làm trả tiếp. Công nhân ai cũng nghèo nên không vay ai được, đành vay nóng thôi", chị D. ngậm ngùi chia sẻ. 

Công nhân cắn răng vay tín dụng đen tiêu Tết - 2
Chị D. cho biết dù phải vay lãi suất cao nhưng vẫn mong gia đình có một cái tết vui vẻ

Cùng giống như chị D., chị T. (ngụ Nghệ An) cũng phải vay nóng 10 triệu đồng với lãi suất hơn 500%/năm để chuẩn bị Tết cho nhà chồng. "Chồng tôi thất nghiệp mấy tháng nay nên toàn bộ chi phí trong gia đình chỉ có mình tôi xoay sở. Làm tăng ca ngày đêm mà không đủ nuôi gia đình. Gần Tết, ba mẹ chồng gọi điện xin ít tiền gửi về quê để mua sắm và chuẩn bị Tết. Hỏi vay không ai có nên đành tìm đến vay lãi suất cao. Thấy lãi suất cũng cao nhưng không lẽ đi làm cả năm không lo được cho gia đình cái Tết".

Còn về tính toán trả nợ, chị T. chia sẻ: "Thôi cứ để qua Tết đã rồi tính. Công nhân mà, cứ Tết là phải gồng gánh đủ thứ rồi qua Tết lãnh nợ. Ai cũng vậy chứ có phải mình tôi đâu. Cũng thấy công ty có một số người phải bỏ việc vì bị đòi nợ nhưng giờ đi làm cả năm rồi không lẽ không có đồng nào gửi về quê".

Công nhân cắn răng vay tín dụng đen tiêu Tết - 3

Tờ rơi cho vay trả góp xuất hiện đầy các cổng xí nghiệp có đông công nhân ở TPHCM.

Giải pháp nào cho công nhân tránh tín dụng đen?

Không thể vay bạn bè, ngân hàng hay thậm chí cả tín dụng đen, nhiều công nhân đành phải ngậm ngùi cầm cố tài sản để "lặn lưng" ít tiền về quê tiêu Tết. Họ đều lường trước được những khó khăn phải đối diện sau Tết nhưng cả năm đi làm cũng mong một lần được về thăm cha mẹ.

Để có tiền về quê sum họp với gia đình, anh B. (công nhân giày da) phải đi cầm cố chiếc xe máy của mình lấy 15 triệu đồng. Anh chấp nhận đi nhờ bạn từ nay đến Tết để có ít tiền gửi về trước cho cha mẹ và mua ít quà Tết cho gia đình. 

"Mình quê tận ngoài Bắc, năm nào đi làm cũng chỉ mong đến ngày Tết để về quê cho đỡ nhớ. Tết ngoài quê linh thiêng và tình cảm lắm. Đó là dịp để đoàn viên với gia đình, với bạn bè và người thân. Năm nào không về là buồn lắm. Cả năm đi làm nhớ cha nhớ mẹ mà không dám về, Tết phải cố gắng về một lần không cha mẹ mong. Cha mẹ già rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa, không về sợ sau này muốn về cũng không có ai để về", anh B. chia sẻ.

Trước tình trạng trên, nhiều công ty cũng đã triển khai những chương trình từ thiện, nhằm hỗ trợ một phần nào cho công nhân. Tuy không đủ lo hết cho toàn công nhân trong công ty nhưng đây cũng là một giải pháp giúp công nhân tránh xa tín dụng đen.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn công ty Taekwang Vina chia sẻ: "Hiện công ty đang triển khai nguồn quỹ mang tên "Vòng tay yêu thương 1 ngàn đồng". Quỹ này do chính công nhân hàng tháng tự nguyện đóng góp 1 ngàn đồng. Số này tưởng chừng nhỏ nhưng với vài chục ngàn công nhân thì sẽ rất lớn. Cứ dịp lễ Tết, những công nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hỗ trợ từ nguồn quỹ này. Năm nay, quỹ này cũng góp phần hỗ trợ hàng trăm công nhân có hoàn cảnh khó khăn từ vài triệu đến vài chục triệu để có thể an tâm về quê ăn Tết".

Công nhân cắn răng vay tín dụng đen tiêu Tết - 4
Hiện một số công ty đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho công nhân vay tiền tiêu Tết tránh việc tiếp cận với tín dụng đen.

Ngoài các nguồn quỹ như trên, nhiều công ty cũng đã chấp nhận cho công nhân vay số tiền lên đến 10 triệu đồng. Đây được xem là việc làm hiệu quả nhằm giữ chân công nhân và ngăn chặn công nhân tiếp cận với tín dụng đen. 

"Công đoàn công ty Pou Yuen đã liên kết nhiều kênh tiếp cận vốn. Với công nhân có thâm niên từ 2 năm trở lên ở công ty gần như đạt điều kiện vay mỗi lần khoảng 10 triệu đồng. Còn đối với công nhân ở cấp quản lý thì sẽ vay được nhiều tiền hơn. Từ khi thực hiện đến nay, đã có khoảng 2000 hồ sơ xin vay vốn của công nhân ở đây được giải ngân. Dịp Tết này công ty cũng xử lý hồ sơ cho vay với hàng ngàn hồ sơ giúp công nhân trang trải Tết", ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam trao đổi.

Xuân Hinh