1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công lý đã được bảo vệ như thế nào (Kỳ cuối): Hành trình phá án

Trong lúc hy vọng cứu Nguyễn Thanh Chấn chỉ còn là “một phần nghìn tia hy vọng” thì có một sự việc bất ngờ xảy ra…

Vào một ngày đầu tháng 7 năm 2013, lãnh đạo Phòng 1 của Cục Điều tra Hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Viện KSNDTC) do Phó cục trưởng Lại Viết Quang chuyển xuống và yêu cầu chỉ đạo nghiên cứu, điều tra, xử lý.

 

Cục Điều tra Hình sự (Viện KSNDTC) có 5 phòng.

 

Phòng 1 là phòng tiếp nhận thông tin và xử lý phân loại, xác minh thông tin.

 

Phòng 2 là phòng tổ chức hành chính.

 

Phòng 3 là phòng điều tra án các tỉnh phía bắc (từ Quảng Bình trở ra).

 

Phòng 4 là phòng điều tra án ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

 

Phòng 5 là phòng điều tra án phía nam.

 

Nhận được đơn từ lãnh đạo Cục gửi xuống, lãnh đạo Phòng 1 xem xét và thấy đây đúng là một lá đơn kỳ lạ và cũng là điều hiếm thấy, bởi bây giờ đơn thư thường được đánh máy với nội dung rất ngắn gọn (khoảng hơn 200 chữ) rằng chị Nguyễn Thị Chiến có người chồng đã bị Tòa án Nhân dân Tối cao xử phúc thẩm và y án chung thân hiện đang ở Trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc). Dòng thông tin duy nhất có giá trị trong lá đơn này là: "Hiện nay, tháng 6/2013, gia đình tôi có biết thêm chứng cứ mới cực kỳ quan trọng liên quan đến vụ án. Do vậy, tôi làm đơn này khẩn cấp kêu cứu cho chồng tôi…".

 

Đọc xong lá đơn, tự nhiên các cán bộ của Phòng 1 cảm thấy có điều gì đó rất không bình thường. Tại thời điểm đó, trong tay các anh không có một tài liệu nào liên quan đến bản án sơ thẩm ngày 26/3/2004 và bản án phúc thẩm ngày 27/4/2004. Theo nội dung của lá đơn thì rõ ràng vụ án này có uẩn khúc gì đó và những chứng cứ mà gia đình mới có được rất quan trọng, vì sợ lộ nên họ không dám viết trong đơn.

 

Công lý đã được bảo vệ như thế nào (Kỳ cuối): Hành trình phá án

Tác giả trao đổi với một số điều tra viên của Cục điều tra (Viện KSNDTC) đã trực tiếp điều tra vụ án oan (Ảnh Thanh Ngọc)

 

Lãnh đạo Phòng 1 đã mời chị Chiến lên gặp.

 

Vào một ngày cuối tháng 7, chị Chiến được chị Thân Thị Hải đưa lên gặp lãnh đạo Phòng 1, đồng thời mang theo tất cả các tài liệu có liên quan, gồm: Án văn sơ thẩm và phúc thẩm, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang và một số lá đơn đã viết trước đây.

 

Nhìn người phụ nữ ốm yếu, nói năng lủng củng và cứ khóc, anh em điều tra của Phòng 1 không khỏi xúc động. Người trình bày lại một cách tường tận nhất là chị Thân Thị Hải. Sau khi nghe chị Hải, chị Chiến trình bày và nhận lại số tài liệu đó, lãnh đạo Phòng 1 động viên gia đình và hứa sẽ xác minh, làm rõ trong thời gian sớm nhất.

 

Ra khỏi cổng Cục Điều tra Viện KSNDTC ở phố Ngô Tất Tố, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chị Thân Thị Hải và Nguyễn Thị Chiến thấy như từ trong đường hầm bước ra ngoài trời sáng. Mười năm nay, họ đã mang đơn đi khắp nơi nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng, thậm chí còn bị xua đuổi, ruồng rẫy. Nay đến một cơ quan điều tra, được mọi người tiếp đón, giải thích, động viên và quan trọng nhất là lời hứa sẽ điều tra, xác minh, trả lời gia đình trong thời gian ngắn nhất. Lúc này, chị Thân Thị Hải mới thầm cảm ơn “ông gu... gồ”.

 

Số là thế này, trong lúc tuyệt vọng, chị vào công cụ tìm kiếm Google trên máy tính và gõ chữ "oan sai" thì hiện ra một địa chỉ mà bao năm nay chị chưa biết, ấy là Cục Điều tra Hình sự Viện KSNDTC - đây là một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ điều tra lại việc thực hiện các quy trình tố tụng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và thế là chị bàn với gia đình viết đơn gửi lên Cục.

 

Quả thật, với một lá đơn viết nguệch ngoạc, ngôn từ mộc mạc, nếu như không phải là những người có trách nhiệm cao thì có lẽ những lá đơn kiểu này sẽ được xếp vào một chỗ nào đó.

 

Nhận tập hồ sơ từ chị Chiến, các điều tra viên của Phòng 1 nghiên cứu và không khó khăn lắm đã phát hiện ra những sai lầm chết người trong khâu tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, Viện KSND tỉnh và trong cả quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

 

Bản bào chữa của luật sư cũng nói về những thiếu sót trong quá trình điều tra và điều dễ nhận thấy ngay là đối chiếu với kết luận điều tra, cáo trạng của Viện KSND tỉnh, án văn của tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì rõ ràng là luật sư đã phát hiện ra những vi phạm trong quá trình tố tụng… Tiếc rằng, có lẽ lời bào chữa của luật sư chẳng được Tòa và Viện coi trọng.

 

Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng 1 đã báo cáo lãnh đạo và với tinh thần khẩn trương, Cục Điều tra Hình sự đã cử ngay 3 tổ đi xác minh lại vụ án này: một tổ lên Bắc Giang bí mật gặp gia đình Nguyễn Thanh Chấn, gặp những người biết được thông tin hung thủ chính của vụ án; một tổ nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và một tổ vào gặp Nguyễn Thanh Chấn ở Trại giam Vĩnh Quang.

 

Nhưng lúc này, Cục Điều tra lại không hề biết có một thông tin rất quan trọng là từ tháng 6, gia đình cũng đã gửi một lá đơn tương tự lên Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã gửi về Công an Bắc Giang yêu cầu xác minh lại, làm rõ và báo cáo Thủ tướng. Công an Bắc Giang cũng đã cử một tổ điều tra đi xác minh vụ án này.

 

Sau 10 năm anh Chấn đã được mặc lại bộ quần áo bình thường
Sau 10 năm anh Chấn đã được mặc lại bộ quần áo bình thường

 

Vậy tình tiết mới của vụ án là như thế nào?

 

Đó là vào cuối năm 2012, có một lần, chị Nguyễn Thị Chiến nghe loáng thoáng có người nói rằng: "Thằng Chấn bị oan. Người giết chị Hoan là thằng Chung, con ông Chúc, chứ không phải là thằng Chấn". Người này đồn qua người khác thì chị Chiến thấy rằng, có một người có thể biết rõ sự việc này là bà Nguyễn Thị Lành - vợ lẽ của ông Lý Văn Chúc. Bà Lành là người thật thà, tốt bụng và cũng hay sang chơi với chị Chiến. Bà Lành có một người em tên là Hiền. Ông Hiền có mấy lần sang chơi và nói: "Thương cho thằng Chấn bị oan".

 

Lờ mờ cảm thấy có điều gì đó trong những lời nói của bà Lành và ông Hiền, chị Chiến kể lại với chị Thân Thị Hải và anh Thân Ngọc Hoạt.

 

Bằng những biện pháp thuyết phục khéo léo, cuối cùng thì chị Hải và anh Hoạt cũng lấy được những thông tin quan trọng từ những người thân gia đình ông Lý Văn Chúc.

 

Những thông tin đó là sau khi Lý Nguyễn Chung (năm đó mới hơn 14 tuổi) giết chị Hoan, lấy được ít tiền và hai chiếc nhẫn đã về nhà. Hắn ngâm bộ quần áo máu me bê bết trong chậu và nói với bố là ông Lý Văn Chúc về việc đã giết chị Hoan. Ngày hôm sau, ông Chúc cho Lý Nguyễn Chung chuồn ngay về Lạng Sơn, rồi sau đó trốn biệt vào Đắk Lắk. Bây giờ Chung đang làm nghề buôn mít để chế biến mít sấy khô ở Đắk Lắk.

 

Các cán bộ điều tra của Phòng 1 đã khéo léo lấy được lời khai của bà Lành, rồi một số người là anh em, họ mạc với ông Lý Văn Chúc và đều xác nhận là Lý Nguyễn Chung là kẻ giết chị Hoan, ông Chúc cho con đi trốn. Các cán bộ điều tra đã gặp ông Chúc.

 

Biết sự việc sẽ vỡ lở, bởi trước đó Công an Bắc Giang đã đến hỏi về việc này, ông Chúc giở thái độ cùn và tuyên bố sẽ tự tử nếu Cơ quan Điều tra bắt Lý Nguyễn Chung.

 

Ông ta cho đào một huyệt ở quả đồi phía sau nhà và tuyên bố với mọi người là sẽ chết khi thằng Chung bị bắt.

 

Trong buổi gặp với các điều tra viên của Cục Điều tra Hình sự, ông vác rượu ra mời anh em uống và tuyên bố chén này là “chén cuối cùng”. Nhưng sau khoảng mười lần “chén cuối cùng”, ông cũng nói ra sự thật.

 

Như vậy là, kết quả xác minh đã rõ. Việc bây giờ là phải lùng bắt được Lý Nguyễn Chung.

 

Ông Thân Ngọc Hoạt (bên trái) người có công rất lớn trong việc giúp minh oan cho anh Chấn
Ông Thân Ngọc Hoạt (bên trái) người có công rất lớn trong việc giúp minh oan cho anh Chấn

 

Sau khi nhận được thông báo và yêu cầu phối hợp của Viện KSNDTC, Cục Điều tra Hình sự (C45) Bộ Công an đã cử một cán bộ điều tra thuộc hàng cao thủ của Cục là Thượng tá Bích đi cùng với tổ truy lùng của Cục Điều tra Viện KSNDTC vào Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum để truy bắt Lý Nguyễn Chung. Công an Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum tung gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát hình sự để truy lùng Lý Nguyễn Chung và họ đã gần như "lục tung" tất cả các nhà nghỉ, khách sạn và những nơi nghi Chung ẩn náu.

 

Họ đã đến được nơi Chung đang ở là thôn Đoàn Kết, xã Eakamut, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk. Vợ của Chung là Nguyễn Thị Ái Vũ. Gặp vợ của Chung, anh em điều tra rất cám cảnh trước cảnh nhà nghèo, vất vả. Chị Vũ cho biết, bấy lâu nay chồng đi đâu bặt tăm bặt tích, việc buôn mít bỏ bê, trong nhà không còn tiền mua thuốc cho con. Thế là anh em điều tra dồn hết số tiền ít ỏi của mình lại cho chị Vũ.

 

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã xác định được Chung không còn ở Đắk Lắk, trong suốt 2 tháng qua, hắn di chuyển liên tục, lúc ở Đắk Lắk, lúc ở Gia Lai, lúc về TP Hồ Chí Minh, lúc lại lên Lạng Sơn… Nhưng có một điều quan trọng là hắn thường xuyên liên lạc với chị gái là Lý Thị Nghiến ở Lạng Sơn. Thông qua chị Lý Thị Nghiến, các điều tra viên được biết rằng, ngay sau khi gây án, bản thân Lý Nguyễn Chung muốn ra đầu thú, nhưng Lý Nguyễn Chung có một người anh tên là Phúc, là đối tượng bất hảo, dứt khoát không cho ra đầu thú, bắt Chung phải đi trốn. Hai năm sau, Phúc đã bị một nhóm tội phạm khác chém chết ngay trước cửa nhà.

 

Sau khi được chị gái phân tích và được các cán bộ điều tra giáo dục, thuyết phục qua điện thoại, Lý Nguyễn Chung xin ra đầu thú, nhưng với điều kiện là không được đưa về trại giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Cục Điều tra đồng ý với nguyện vọng của Lý Nguyễn Chung.

 

Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, rồi khai nhận hành vi của mình như sau:

 

Khi đi từ nhà đến quán nhà chị Hoan để mua dầu gội đầu, Chung nhìn thấy trong tủ hàng tạp phẩm của chị Hoan để tiền bán hàng. Chung đã rút con dao bấm của Trung Quốc sản xuất (mang đi từ trước để trong túi quần phía sau) đâm chị Hoan 1 nhát về phía trước người. Bị đâm, chị Hoan chửi và quay người bỏ chạy vào trong nhà. Chung đuổi theo dùng tay trái ghì vào cổ chị Hoan từ phía sau, dùng tay phải cầm dao đâm nhiều nhát vào người chị Hoan (từ phần ngực trở lên). Đâm bao nhiêu nhát và vào đâu, Chung không nhớ rõ.

 

Do chị Hoan vùng vẫy nên Chung đã đâm trúng vào cánh tay trái của mình 2 nhát gây thương tích đến nay vẫn để lại 2 vết sẹo. Giữa chị Hoan và Chung có sự giằng co, vật lộn ở khu vực sát giường, tủ quần áo và cửa hậu. Chung tiếp tục dùng dao đâm vào người chị Hoan, làm gãy lưỡi dao rơi xuống đất; Chung đã dùng tay túm tóc chị Hoan đập vào tường (gần cửa hậu). Khi chị Hoan bị đau nằm ngửa, Chung dùng 2 tay túm vào người, đập đầu chị Hoan xuống đất; dùng chân đá và đạp vào mặt chị Hoan; dùng chiếc gối chặn vào mặt chị Hoan cho chị Hoan tắt thở.

 

Sau khi chị Hoan chết, Chung ra ngoài tủ kính bán hàng lấy tiền cho vào túi quần (về nhà đếm được 59.000 đồng), rồi quay lại chỗ chị Hoan nằm, thấy ở tay chị Hoan có 2 chiếc nhẫn vàng (không nhớ tay nào), Chung tháo 2 chiếc nhẫn của chị Hoan cho vào túi quần, sau đó ra tắt điện, đóng cửa đi về nhà. Từ chỗ nạn nhân đi ra, Chung đi chân đất (hiện trường có vết chân trên nền nhà). Chuôi dao bấm sau khi gây án, trên đường đi về nhà, Chung vứt ở mương nước trước cửa nhà ông Vui (cách nhà chị Hoan khoảng 60m). Khi về nhà, Chung tắm rửa, ăn cơm, rồi đi ngủ. Sáng sớm hôm sau bà Lành (mẹ kế của Chung) dậy sớm, phát hiện quần áo của Chung ngâm ở chậu có màu hồng như màu máu đã hỏi: "Có phải mày làm việc đó không?" (ý nói đã giết chị Hoan) thì Chung nói: "Phải". Bà Lành gọi ông Chúc (bố của Chung) dậy, 2 người nói chuyện, sau đó bảo Chung đi lên Lạng Sơn.

 

Chung đi lên Lạng Sơn, kể lại chuyện giết chị Hoan cho anh trai là Lý Văn Phúc biết và đưa 2 chiếc nhẫn cho Phúc, sau đó Phúc vay tiền cho Chung đi vào Đắk Lắk. Đặc điểm của 2 chiếc nhẫn cướp được của chị Hoan là 1 chiếc hình tròn, 1 chiếc hình tròn trên có gắn vật gì đó. Lý Văn Phúc đã chết (khoảng năm 2005)…

 

Lời kết

 

Bây giờ thì sự việc đã ba năm rõ mười, kẻ gây án đã nhận tội, các cơ quan tố tụng đang tiến hành những thủ tục cần thiết để sớm minh oan và phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Thanh Chấn.

 

Có được chứng kiến những giây phút gặp gỡ đẫm nước mắt giữa Nguyễn Thanh Chấn và người thân tại Trại giam Vĩnh Quang và cả những giọt nước mắt xúc động của một số cán bộ điều tra, cán bộ Viện KSNDTC, các cán bộ của Trại giam Vĩnh Quang thì mới thấy nỗi oan sai, khổ nhục mà anh Chấn và những người thân trong gia đình phải chịu đựng suốt 10 năm nay khủng khiếp đến mức nào.

 

Chúng ta phải cảm ơn Cục Điều tra Viện KSNDTC, chỉ trong một khoảng thời gian cực ngắn là 25 ngày đã điều tra xong một vụ trọng án xảy ra từ 10 năm trước. Điều đó thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, điều tra viên Cục Điều tra trước sinh mệnh của người dân.

 

Chúng tôi rất thấm thía câu nói của ông Lê Hữu Thể, Phó viện trưởng Viện KSNDTC phát biểu tại buổi công bố quyết định trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn: "Chúng tôi thấu hiểu sự đau đớn, tủi nhục mà anh Chấn, cũng như gia đình đã phải chịu đựng. Trách nhiệm của chúng tôi là trong bảo vệ pháp luật thì không được bỏ lọt kẻ gian, không làm oan người ngay. Trong quá trình thực hiện tố tụng vụ án này, tới đây, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, những ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dù có muộn, nhưng cuối cùng công lý cũng đã được bảo vệ".

 

Sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó chắc chắn rằng Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Giang sẽ phải tổ chức tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc điều tra, xét xử vụ án này.

 

Đây quả là một bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng và đặc biệt là bài học đắt giá cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang và Viện KSND tỉnh Bắc Giang. Một cán bộ Viện KSNDTC nói với tôi rằng: "Tội đồ trong vụ oan sai này là kiểm sát viên, bởi anh ta là người tham gia khám nghiệm hiện trường, tham gia quá trình điều tra từ lúc ban đầu, trực tiếp hỏi cung, phúc cung. Để Cơ quan Điều tra làm sai như vậy thì rõ ràng trách nhiệm chính là của kiểm sát viên".

 

Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm gần đây, lãnh đạo Bộ Công an đã có nhiều chỉ thị, biện pháp nhằm chấm dứt việc một số điều tra viên có hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình biến tướng với bị can… Tuy nhiên, nơi này, nơi khác vẫn còn có những vụ việc đau lòng xảy ra. Cơ quan Điều tra của Công an Bắc Giang từ nhiều năm nay đã có tiếng không hay về chuyện dùng nhục hình biến tướng đối với bị can. Mong rằng những vụ việc như thế này sẽ không bao giờ có nữa trong lịch sử tư pháp Việt Nam.

 

Và cũng phải nói thêm một điều rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, những nơi nhận đơn thư khiếu tố, khiếu nại của người dân hãy chịu khó đọc và đừng có thái độ vô cảm đối với những nỗi oan khuất của dân.

 

Theo Nguyễn Như Phong
 Năng lượng mới

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau