1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công lý đã được bảo vệ như thế nào (Kỳ 2):

Cuộc “trường chinh” kêu oan

Ở trong trại giam, Nguyễn Thanh Chấn vẫn bền bỉ viết đơn kêu oan. Và một lần, khi nghe vợ cho biết gia đình túng quẫn, đơn từ gửi khắp nơi mà chẳng thấy ai trả lời cả, Nguyễn Thanh Chấn trong cơn tuyệt vọng đã tìm đến cái chết!

Nguyễn Thanh Chấn kháng án kêu oan. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm do Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa. Tại phiên tòa này, đại diện Văn phòng Luật sư Thủy Nguyên tham gia bào chữa cho bị cáo đã đưa ra nhiều chứng cứ quan trọng, đặc biệt là thời gian gây án.

 

Luật sư đã chứng minh được là trong thời gian xảy ra vụ án thì qua các cuộc gọi điện thoại của bị cáo Chấn cho thấy, Chấn đang ở chỗ khác chứ không phải ở khu vực gây án. Mà cụ thể là Chấn ở chính tại nhà của mình, chứ không phải tại nhà chị Hoan. Luật sư cũng đã vạch ra nhiều mâu thuẫn và khẳng định việc không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ để kết tội.

 

Chánh văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trao Quyết định trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn

Chánh văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trao Quyết định trả tự do cho Nguyễn Thanh Chấn

 

Chưa hết, luật sư còn có thêm những phân tích sau: “Về hiện trường: Án sơ thẩm nhận định bị cáo không vào nhà chị Hoan nhưng qua lời khai nhận thì bị cáo đã biết rõ, mô tả chi tiết từ cổng hậu sau nhà ra vào đến tủ đựng quần áo, công tắc điện đã tắt, nồi cơm điện còn đèn báo đỏ. Sau khi giết bị cáo còn lấy chiếc gối đậy lên mặt chị Hoan. Hiện trường phù hợp với lời khai bị cáo.

 

- Thực tế thì nhà Chấn và nhà chị Hoan cách nhau 100m, cùng xóm, cùng bán hàng, Chấn thừa nhận có sang nhà chị Hoan vài lần. Do vậy, việc Chấn mô tả các đồ dùng, vật chứng trong nhà chị Hoan chắc hẳn sẽ không có gì khó khăn.

 

- Theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án thì có rất nhiều dấu vết như: nhiều dấu vết chân dưới sàn nhà, dấu tay có vết máu trên cửa và sẽ có vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan, vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên bàn công tắc điện. Nhưng vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo không được đánh giá và kết luận.

 

Về giám định pháp y: Án sơ thẩm nêu thương tích trên người nạn nhân cơ bản phù hợp với lời khai bị cáo là: Sau khi quật ngã chị Hoan, Chấn rút dao bấm trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào mặt, vào người chị Hoan, sau khi dao gãy, y đút chuôi dao vào túi quần. Khi nhận diện lưỡi dao là tang vật, bị cáo xác nhận là đúng. Chuôi dao Chấn đã rửa sạch máu cất vào tủ. Đến ngày 31/8/2003, Chấn lên nhà anh Phương, chị Thúy chơi rồi vứt chuôi dao vào đống sắt vụn, sắt vụn đã bán nên không thu được chuôi dao.

 

- Chúng tôi thấy con dao thu ở hiện trường bị cáo nhận dạng là hung khí gây án. Nhưng dấu vết trên dao đâm nạn nhân không được xác định là của ai? Mà chỉ có lời khai nhận của Chấn sau hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ án. Ở phiên tòa bị cáo lại không nhận như đã khai trước đó. Chuôi dao nhựa vứt ở đống sắt vụn nhà anh Phương, chị Thúy nhưng cũng không ai biết cụ thể việc Chấn vứt chuôi dao, chuôi dao lại không thu được.

 

- Những tang vật và đồ dùng thu được trong nhà Chấn có liên quan đến vụ án như xe đạp, thùng nhựa đựng nước, dép nhựa thì lại để ở ngoài nhà chị Hoan. Quần, áo của Chấn thì đã được giặt sạch, thu ở nhà Chấn do chị Chiến vợ Chấn nộp. Do đó, những đồ vật trên không có ý nghĩa quan trọng về pháp lý để buộc tội Chấn.

 

Về thực nghiệm điều tra: Án sơ thẩm nêu bị cáo đã thực hành tự giác một cách thuần thục với những hành vi đã làm của mình. Vẽ lại chính xác sơ đồ hiện trường nhà chị Hoan cũng như con dao bấm (hung khí gây án). Bị cáo nhận thức được giết người thì phải chịu hình phạt cao nhất.

 

- Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo khai việc thực nghiệm các hành vi giết chị Hoan là do cán bộ điều tra hướng dẫn và bố trí. Vấn đề này chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và đánh giá một cách khách quan và toàn diện.

 

- Song chúng tôi thấy vụ án xảy ra ngày 15/8/2003. Việc khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y được tiến hành ngày 16/8/2003. Cơ quan Công an đã lấy lời khai của Chấn nhiều lần từ 30/8 đến 27/9. Ngày 28/9/2003, Chấn có bản tự thú, sau đó y bị tạm giữ, tạm giam và được lấy lời khai liên tục. Nhưng đến ngày 30/10/2003 Cơ quan Điều tra mới cho thực nghiệm (tức là sau hơn 1 tháng kể từ ngày Chấn tự thú).

 

Theo chúng tôi, việc thực nghiệm được tiến hành quá muộn. Lẽ ra cần cho bị cáo thực nghiệm điều tra sớm hơn vì các tình tiết của vụ án và điều kiện để thực nghiệm đã có đủ. Nếu thực nghiệm sớm hơn thì việc đánh giá sẽ rất khách quan và sẽ có cơ sở để kết luận chính xác lời khai của bị cáo ở phiên tòa về việc tổ chức và tiến hành thực nghiệm.

 

Một lý do khác án sơ thẩm nêu: Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời nại của bị cáo tại phiên tòa chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.

 

Chúng tôi thấy lý do trên là không đúng vì: Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Ai là người phạm tội?... Như vậy, nghĩa vụ chứng minh không thuộc về bị cáo mà là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Tóm lại, với những tình tiết và cơ sở pháp lý, thực tế nêu trên, chúng tôi thấy quyết định của bản án sơ thẩm: Đối với Nguyễn Thanh Chấn về tội giết chị Nguyễn Thị Hoan là chưa có căn cứ vững chắc và chưa có cơ sở thuyết phục. Vì vậy, việc kêu oan của bị cáo cần được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, quyết định có căn cứ và chính xác”.

 

Ngoài ra, luật sư cũng đưa ra nhiều chứng lý khác thể hiện rõ quá trình điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra là “có vấn đề” và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử sơ thẩm lại. Nhưng phiên tòa phúc thẩm đã bác tất cả những lời bào chữa của luật sư, bác tất cả những lời kêu oan của Chấn và kể cả những lời anh tố cáo là đã bị bức cung, bị đánh đâp… và vẫn tuyên y án Nguyễn Thanh Chấn phạt tù chung thân, thời điểm chấp hành thời hạn phạt tù được tính từ 28/9/2003.

 

***

 

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã giáng xuống gia đình Nguyễn Thanh Chấn một đòn nặng nề.

 

Ròng rã cả năm trời, một số người thân của gia đình chị Hoan cứ nhè vào lúc gia đình nhà Chấn chuẩn bị ăn cơm là chửi… rằng “con mày ăn gì mà độc ác…!”. Nhưng đâu chỉ có thế, bà con xóm giềng, những người từng bảo vệ Chấn từ phiên tòa sơ thẩm, nay thấy tòa phúc thẩm y án, thì không còn hồ nghi gì nữa, mà chắc chắn Chấn là kẻ phạm tội ác tày trời. Vì thế, mọi người xa lánh, thậm chí họ không ngồi uống nước chung.

 

Nhà nghèo, biết lấy gì ra để đi khiếu kiện, kêu oan bây giờ. Các con của Nguyễn Thanh Chấn đều ở tuổi mới lớn, chưa hiểu biết gì, vợ là chị Nguyễn Thị Chiến cũng là người hiền lành, trình độ văn hóa thì có hạn... Trong bối cảnh ấy, thật may mắn cho Nguyễn Thanh Chấn lại còn có hai người, đó là chị Thân Thị Hải và anh Thân Ngọc Hoạt.

 

Thân Ngọc Hoạt là anh em đồng hao với Nguyễn Thanh Chấn. Còn chị Hải thì là người dưng nước lã, nhưng có quan hệ thân thiết với gia đình.

 

Trong thời kỳ Chấn bị bắt tạm giam, không hiểu có một linh tính gì đó mách bảo với chị Hải rằng, Nguyễn Thanh Chấn không thể là kẻ giết người. Và chị đã nói những uẩn khúc của mình với chồng là anh Nguyễn Văn Ngọc. Niềm tin nội tâm của chị về việc Chấn không phải kẻ gây án cũng rất mơ hồ bởi chị biết Chấn là người rất hiền lành, nhút nhát, thậm chí còn không dám cắt tiết con gà thì làm sao mà có gan cầm dao đâm một người phụ nữ hàng xóm cả chục nhát như thế. Đành rằng con người ta bình thường là người tử tế, nhưng cũng biết đâu vì một phút nông nổi mà thú tính trỗi dậy, dẫn đến những hành động man rợ.

 

Chị bàn với chồng và tìm cách đưa vợ Nguyễn Thanh Chấn là Nguyễn Thị Chiến và con trai lớn Nguyễn Chí Quyết vào trại giam thăm Chấn.

 

Cũng phải nói rằng, đây là một việc hết sức khó khăn bởi thời gian này Chấn đang bị tạm giam chưa xét xử nên không được phép gặp người thân. Nhưng rồi nể tình cùng là cán bộ công an với nhau nên một đồng chí trong Ban Chỉ huy trại giam đã đặc cách cho Nguyễn Thanh Chấn được gặp vợ, con.

 

Chờ cho Chấn gặp vợ và con được một lúc, chị Hải bảo hai người lui ra rồi nói chuyện riêng với Chấn. Chị bảo: “Em ạ, nếu em đã trót dại giết cái Hoan thì em cứ nhận đi, thế nào Tòa cũng cho được hưởng lượng khoan hồng, rồi sau này còn có cơ hội trở lại làm lại cuộc đời”. Nghe chị nói thế, Nguyễn Thanh Chấn quỳ sụp xuống lạy chị và khóc: “Chị ơi, em như thế này mà sao em có thể giết người. Chị hãy cứu em, chứ em ở trong trại thế này, em chết mất”. Chị Hải lại hỏi: “Thế tại sao em lại viết bản tự thú”. Chấn vừa nói vừa khóc: “Em mà không viết thì cán bộ công an cho đầu gấu đánh chết em”. Rồi Chấn kể cho chị nghe những lần bị dựng dậy hỏi cung lúc nửa đêm, bị bọn đầu gấu hành hạ, bị cán bộ hỏi cung dọa nạt...

 

Chị Nguyễn Thị Chiến, vợ anh Chấn ngất lên ngất xuống khi tới đón chồng về
Chị Nguyễn Thị Chiến, vợ anh Chấn ngất lên ngất xuống khi tới đón chồng về

 

Sau lần gặp ấy, trở về nhà, chị Hải càng có niềm tin là Nguyễn Thanh Chấn không giết người.

 

Anh Nguyễn Văn Ngọc là chồng chị cũng nói với chị rằng, nhà Chấn không có người hiểu biết về luật pháp, chẳng quen biết ai để mà nhờ vả, cho nên phải giúp. Cùng niềm tin với chị Hải, anh Ngọc là người anh em đồng hao với Chấn là Thân Ngọc Hoạt.

 

Và thế là chị Hải cùng những người thân trong gia đình Nguyễn Thanh Chấn là mẹ đẻ Phạm Thị Vì, vợ là Nguyễn Thị Chiến và những người con làm đơn gửi đi khắp nơi, khắp chốn kêu oan.

 

Đến bây giờ chị Hải không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần cùng bà Vì, chị Chiến, với ông chú ruột của Nguyễn Thanh Chấn là thương binh cụt một chân, cụt một tay đi gửi đơn kêu oan ở bao nhiêu nơi nữa.

 

Nói đến nỗi nhục nhã khi gửi đơn kêu oan, chị Hải ứa nước mắt: “Có những nơi nhân viên tiếp đơn đuổi thẳng bà Vì về và mắng xơi xơi rằng bà đừng cậy là thân nhân liệt sĩ mà cứ gửi đơn như thế này”. Rồi lại có những nơi khi thấy chị Hải và bà Vì họ lấy cớ bận không tiếp. Có nơi họ bắt chờ hàng tiếng đồng hồ không tiếp. Hàng trăm lá đơn được gửi đi khắp nơi nhưng kết quả đều là vô vọng. Nơi nào tử tế lắm thì có một văn bản thông báo gửi về rằng, đã nhận được đơn và đã chuyển cho cơ quan này, cơ quan kia xem xét nhưng hầu hết là bặt vô âm tín”. Rồi chị bảo rằng, chị giúp ra đình đi gửi đơn từ lúc vé xe buýt Bắc Giang - Hà Nội 10.000 đến nay đã lên 40.000 đồng và cho đến nay chị cũng không biết đã đi bao nhiêu chuyến nữa. Đơn của họ gửi đi khắp nơi... nhưng tuyệt không có hồi âm. Trong những năm tháng này, ở trong tù Nguyễn Thanh Chấn cũng bền bỉ viết đơn kêu oan, hầu như tháng nào cũng có đơn và những lá đơn của Chấn đều được Ban Chỉ huy trại Vĩnh Quang gửi đến đúng địa chỉ nhưng cũng bặt vô âm tín.

 

Để có tiền làm đơn đi khiếu kiện, anh Thân Đức Hoạt đã phải mang sổ đỏ của gia đình đi vay ngân hàng được 30 triệu đồng, đi vay nặng lãi của một số người với lãi suất 18%, rồi lại mang cái tiền đó đi gửi ngân hàng lấy lãi suất 10%, rồi dùng số tiền đó để mua giấy viết đơn, thuê photo copy, tiền đi xe.

 

Còn bà Phạm Thị Vì thì không biết đã nắm bao nhiêu nắm cơm, giã bao nhiêu cối muối vừng để cho con dâu và chị Hải lấy cái ăn đường đi nộp đơn kêu oan. Nỗi khổ vật chất một thì nỗi khổ về tinh thần còn gấp cả ngàn lần. Những đứa con của anh Chấn lần lượt bỏ học vì không chịu nổi khi bị bạn bè dè bỉu, chế giễu là “con của thằng hiếp dâm, giết người”.

 

Bà Vì không dám đi đến bất kỳ đám cưới hỏi, ma chay nào của hàng xóm, láng giềng bởi khi thấy bà, người làng lại bỏ ra chỗ khác.

 

Hoàn cảnh gia đình túng quẫn đến cùng cực, người con gái thứ ba của Nguyễn Thanh Chấn trong khi đi làm thợ may ở Bắc Giang đã chắt bóp từng đồng đi học tiếng Trung Quốc. Cô đi học chỉ với một quyết tâm cháy bỏng là đi sang Đài Loan làm “ôsin” để kiếm tiền đi kêu oan cho bố. Và rồi cô sang Đài Loan, làm ôsin cho một gia đình ở đây. Thật may mắn cô đã gặp được một gia đình tốt bụng. Khi biết được hoàn cảnh của gia đình cô, ông bà người Đài Loan đã cho cô sử dụng điện thoại của gia đình gọi về Việt Nam bất kỳ lúc nào mà cô muốn, bao lâu cũng được.

 

Còn ở trong trại giam, Nguyễn Thanh Chấn vẫn bền bỉ viết đơn kêu oan. Và một lần, khi nghe vợ cho biết gia đình túng quẫn, đơn từ gửi khắp nơi mà chẳng thấy ai trả lời cả, Nguyễn Thanh Chấn trong cơn tuyệt vọng đã tìm đến cái chết! May cho anh là các phạm nhân cùng phòng cứu kịp.

 

Những lá đơn của Chấn đều nói về việc anh bị cán bộ công an hành hạ, bị bức cung, mớm cung, bị công an dùng đầu gấu tra tấn... nhưng chẳng thấy ai trả lời. Và để cứu cho gia đình khỏi vì mình mà tốn kém và cũng là quá tuyệt vọng, Chấn đã một lần cắt mạch máu tự tử, một lần tự thắt cổ nhưng không chết. Và cũng thật là may mắn cho Chấn trong lúc tuyệt vọng, Chấn được những cán bộ quản giáo của trại động viên, an ủi và họ đều nói rằng, sớm muộn thế nào cũng có ngày Chấn sẽ được minh oan nếu Chấn oan thật. Ở bên ngoài, cũng có nhiều người môi giới cho chị Hải, chị Chiến là phải chạy cửa nọ, cửa kia thì mới hy vọng Chấn được giảm án tù nhưng họ đều ra những cái giá với số tiền khổng lồ, nếu có bán cơ nghiệp của mấy gia đình đi cũng chẳng thể nào có đủ số tiền đó được. Cho đến đầu năm 2012, tia hy vọng của gia đình trong việc kêu oan cho Chấn hoàn toàn bị dập tắt bởi bao nhiêu đơn thư mà họ gửi đi, chẳng có ai trả lời và cũng chẳng có ai đến gặp gỡ gia đình để điều tra lại. Đến nước này thì chị Hải chỉ còn mỗi một cách động viên chị Chiến, bà Vì là hy vọng một ngày nào đó kẻ sát nhân do ăn năn hối lỗi, do bị lương tâm cắn rứt... mà tự thú và để mong cho kẻ sát nhân tự thú thì phải đi đến cửa đền, cửa chùa cầu khấn. Thứ nhất, mong trời phật, các vị thần thánh phù hộ cho người ngay và thứ hai, xin thần thánh đánh thức lương tâm kẻ giết người.

 

Nghe câu chuyện đẫm nước mắt mà chị Hải kể, tôi thấy bàng hoàng và không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có thể thờ ơ với một gia đình liệt sĩ đến như vậy. Một bà mẹ là vợ liệt sĩ, suốt ngần ấy năm cùng con dâu, cháu nội… đội đơn đi kêu oan, nhưng tuyệt nhiên không ai giải quyết?

 

Tại sao lại có chuyện quái gở như vậy?

 

Tôi đọc một số lá đơn của Chấn, của bà Vì, của chị Chiến… thì phát hiện ra những nguyên nhân quan trọng khiến những lá đơn gửi đi đều rơi tõm vào sự “im lặng đáng sợ” đó.

 

Trước hết, vụ án đã được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Án văn nào cũng nói rằng: “Bị cáo sau khi phạm tội qua đấu tranh đã tự thú khai ra những hành vi phạm tội của mình trước cơ quan điều tra”. Còn bản thân Chấn, vì là con liệt sĩ chống Mỹ, lại chưa có tiền án tiền sự nên: “Xét thấy không cần thiết phải loại bỏ bị cáo ra khỏi cuộc sống xã hội, mà cũng tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội trở về với gia đình và cộng đồng xã hội”.

 

Một vụ án đã qua hai cấp xét xử, bị cáo lại được thoát án tử hình chỉ nhờ có bố là liệt sĩ, trong quá trình điều tra thì bị cáo “thành khẩn nhận tội”, rồi tự thú… thì còn oan ức nỗi gì?

 

Thứ nữa là, những lá đơn gửi đi thì nội dung hầu hết giống nhau là kêu oan cho con, cho chồng, cho bố… Rằng bị công an bức cung, dùng nhục hình, nên sợ chết mà phải nhận tội bừa…

 

Chuyện công an nơi này, nơi khác dùng nhục hình bức cung, mớm cung phạm nhân là có, đặc biệt là với những người phạm tội hình sự hoặc đám lưu manh chuyên nghiệp, đám trộm cướp… Chả thế mà đã có câu “phi đả bất… thành cung!”. Cũng đã có những vụ án mà chính cán bộ điều tra phải ngồi tù vì tội “tẩn” bị can. Nhưng để có được chứng cứ rằng bị công an dùng nhục hình hoặc sử dụng đầu gấu, đại bàng trong trại “ra tay” hộ công an… thì rất không đơn giản. Mà phải thừa nhận rằng, khi cảnh sát điều tra đã “giở võ” với phạm nhân thì họ đủ tài nghệ để che giấu. Hơn nữa, khi bị can, bị cáo kêu rằng “tôi bị đánh đập” thì chả mấy khi “quý Viện, quý Tòa” nghe, bởi lẽ trong thâm tâm của nhiều cán bộ làm công tác xét xử, tố tụng, thì đám tội phạm “đứa nào mà chả kêu oan?”, “đứa nào chả nói bị đánh đập?”. Nói nôm na là họ ít khi tin vào những lời kêu xin, đặc biệt là những lời kêu xin đó, nếu điều tra lại, hoặc xem xét kỹ, có khi làm thay đổi bản chất vụ án.

 

Nói chuyện công an “giở võ” với bị can, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện mà chả hiểu là bịa hay thật.

 

Số là ở một đơn vị cảnh sát hình sự của công an một thành phố nọ, có một sĩ quan đánh án hình sự vào loại biệt tài và anh rất giỏi trong việc bắt bọn đầu trộm đuôi cướp khai ra sự thật. Một “ngón võ” rất có hiệu quả của anh là không thuyết phục được bị can thì “hành tiếu pháp”… nghĩa là cù! “Vũ khí” chỉ là vài cái lông gà và… ngón tay trỏ. Bị can thì cứ cười sằng sặc, cười chảy nước mắt nước mũi, cười tưởng như đứt hơi, cười lộn ruột… Rồi chịu không nổi vì… phải cười, nên đành khai nhận. Khi ra tòa, bị cáo tố cáo với Hội đồng xét xử rằng bị cáo bị công an tra tấn nên phải khai nhận cho xong. Thẩm phán hỏi: “Anh bị tra tấn như thế nào?”. Bị cáo khai là do bị cán bộ điều tra… áp dụng võ “hành tiếu pháp”?! Thẩm phán cũng bật cười rồi đập bàn, cố nghiêm giọng: “Đây không phải là nơi anh làm trò cười?!”.

 

Cho nên, với những lá đơn kêu oan của Chấn và gia đình Chấn nội dung thì quanh quẩn cũng giống nhau và chẳng có tình tiết gì mới, nên các cơ quan có trách nhiệm xem xét đơn thư khiếu tố, khiếu nại, chẳng “mặn mà” gì. Và chắc chắn cũng chẳng ai động lòng trắc ẩn tự hỏi rằng: “Sao gia đình này gửi lắm đơn thế và… dai dẳng thế? Hẳn nội tình phải có uẩn khúc chi đây”. Vì vậy mà “tít mù nó lại vòng quanh”, những lá đơn gửi lên cao, rồi cao chuyển xuống thấp; thấp chuyển xuống… thấp tịt và cuối cùng là xếp kho hoặc vào sọt rác.

 

Trong lúc hy vọng cứu Nguyễn Thanh Chấn chỉ còn là “một phần nghìn tia hy vọng” thì có một sự việc bất ngờ xảy ra…

 

Theo Nguyễn Như Phong
 Năng lượng mới