1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cống hóa sông Tô Lịch: "Mất nhiều hơn được"?

(Dân trí) - GS.TS. Nhà giáo nhân dân (NGND) Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, cho rằng, nếu cống hóa sông Tô Lịch thì sẽ "mất nhiều hơn được".

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra ngày 9/7, Bí thư quận Hoàn Kiếm - ông Dương Đức Tuấn đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững bảo đảm đa mục tiêu. “Có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông"- ông Tuấn nói.

Về đề nghị trên của ông Tuấn, GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam kiêm Trưởng ban cộng đồng và Phát triển bền vững cho biết, nếu chúng ta cống hóa sông Tô Lịch sẽ "mất nhiều hơn được".

GS Nhuệ phân tích, sông Tô Lịch về mặt lịch sử đã gắn bó lâu đời với người dân Thủ đô và đã đi vào thơ ca của nhiều giới nghệ sĩ. 

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, GS Nhuệ đọc lại câu thơ viết về sông Tô Lịch.

"Cống hóa sông Tô Lịch chỉ được chút xíu mặt được là tạo thêm không gian để giảm áp lực hơn cho giao thông. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là mất nhiều hơn, vì nhiều quốc gia trên thế giới họ rất trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố. Vì thế, theo tôi chúng ta phải giữ bằng được dòng sông Tô Lịch và tìm mọi giải pháp để làm sạch, giúp dòng sông hồi sinh, trở về đúng nghĩa với dòng sông Tô Lịch lịch sử cách đây nhiều năm" - GS Nhuệ nói.

Cống hóa sông Tô Lịch: Mất nhiều hơn được? - 1

GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ trao đổi với phóng viên Dân trí.

Nói thêm về vai trò của các dòng sông, GS Nhuệ phân tích, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên đã tạo cho khu vực này có nền nông nghiệp trù phú, cung cấp nguồn lương thực quan trọng cho đất nước. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi dày đặc còn là lợi thế về giao thông thủy cho ĐBSCL.

Đồng quan điểm với GS Nhuệ, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa 14 cũng cho rằng, Hà Nội không nên cống hóa sông Tô Lịch vì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề cân bằng môi trường của Thủ đô Hà Nội.

Cống hóa sông Tô Lịch: Mất nhiều hơn được? - 2

Sáng 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa.

"Thành phố nào có nhiều công viên, hồ nước và dòng sông thì rất tốt. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới họ rất trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố và họ ít khi tính đến câu chuyện cống hóa sông. Nếu sông Tô Lịch ô nhiễm thì Hà Nội cần tìm nhiều giải pháp để xử lý để dòng sông xanh, sạch hơn" - TSKH Nghiêm Vũ Khải cho biết.

Trước đó, chiều ngày 9/7, giải trình thêm cho các thành viên UBND TP Hà Nội tại phiên chất vấn HĐND, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện các đơn vị liên quan đang thí điểm nhiều công nghệ mới để “hồi sinh” sông Tô Lịch và các ao hồ.

“Với công nghệ mới, chúng ta đã xử lý rất hiệu quả tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ. Nếu chất này (chế phẩm Redoxy3C) đưa xuống sông Tô Lịch mà nước “đứng” thì xử lý được như các hồ ngay”, ông Chung nói.

Tuy nhiên, GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, dùng chế phẩm Redoxy3C chỉ xử lý được nguồn nước và ở phạm vi rất hẹp chứ không xử lý vấn đề bùn của sông Tô Lịch. Bởi, theo GS Tuấn, xử lý nước sông Tô Lịch cần giải quyết vấn đề mùi, nguồn nước và lượng bùn.

"Dùng chế phẩm Redoxy3C chỉ làm sạch được nguồn nước ở phạm vi hẹp, còn chúng ta vẫn phải nạo vét bùn. Mà dòng sông thường chảy, nên theo tôi là khó hiệu quả" - GS Tuấn nhận định.

Đánh giá việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, mùi hôi dòng sông đã giảm, lượng bùn giảm và nước đã trong hơn.

Nguyễn Dương

Dòng sự kiện: Làm sạch sông Tô Lịch