1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công dân có thể đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm

(Dân trí) - Công dân có thể đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm (quan điểm ​​chính trị; tình trạng sức khỏe; dữ liệu sinh trắc học; đời sống tình dục); đăng ký chuyển giao dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.

Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới.

Số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số, xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân.

Công dân có thể đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm - 1

(Ảnh minh hoạ).

Tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Thách thức trước những dịch vụ mới, sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng, như: thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp qua mạng... đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng.

Bộ Công an dẫn chứng một số vụ việc điển hình như: việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng; tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; tình trạng để lộ thông tin khách hàng để các công ty môi giới dịch vụ taxi của Việt Nam sử dụng để mời chào khách hàng qua tin nhắn SMS...

Dưới góc độ an ninh, yêu cầu đặt ra đối với dữ liệu cá nhân được lưu trữ trong hệ thống của Chính phủ không chỉ là dữ liệu hoạt động thông suốt, bình thường mà phải đảm bảo an ninh dữ liệu, hạn chế tới mức tối đa hoặc không để xảy ra tình trạng tấn công, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an khẳng định, mọi sự cố xảy ra đối với “Trung tâm dữ liệu cá nhân” đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Công dân có thể đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm - 2

Không được phép tiết lộ trong trường hợp dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Chuyển giao dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài

Theo dự thảo của Bộ Công an, dữ liệu cá nhân là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự thuộc về cá nhân.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: Quan điểm ​​chính trị, tôn giáo; dân tộc hoặc chủng tộc; tình trạng sức khỏe; thông tin di truyền; dữ liệu sinh trắc học; giới tính, đời sống tình dục; dữ liệu tội phạm.

Dữ liệu cá nhân có thể được tiết lộ trên phương tiện truyền thông cho mục đích báo chí mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, nếu có lợi ích công cộng lớn và điều này phù hợp với các nguyên tắc đạo đức báo chí. Việc tiết lộ dữ liệu sẽ không gây ra thiệt hại quá lớn đối với quyền của chủ thể dữ liệu.

Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu người tiết lộ dữ liệu cá nhân của mình chấm dứt tiết lộ, trừ khi việc tiết lộ đó được thực hiện dựa trên luật.

Người tiết lộ dữ liệu cá nhân sẽ không phải thực hiện yêu cầu chấm dứt tiết lộ dữ liệu cá nhân nếu người đó không kiểm soát được thiết bị mang dữ liệu cá nhân. 

Bất kì lúc nào, chủ thể dữ liệu luôn có quyền yêu cầu người xử lý dữ liệu cá nhân ngừng tiết lộ trừ khi có quy định khác của pháp luật và việc này phù hợp về mặt kỹ thật và không gây ra phí tổn cao bất hợp lý.    

Dự thảo do Bộ Công an xây dựng cũng quy định không được phép tiết lộ trong trường hợp: Dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm; làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu...

Đáng chú ý, công dân có thể đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm; đăng ký chuyển giao dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Bộ Công an dự kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong năm 2020.

Thế Kha