Công bố thanh tra quản lý về đê điều, phòng chống thiên tai
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ thanh tra quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2018 đến 31/12/2023.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy vừa chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời hạn 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2023, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Đoàn thanh tra có 10 thành viên, do ông Vũ Quốc Công, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ I) làm trưởng đoàn.
Ông Lê Sỹ Bảy cho biết cuộc thanh tra được tiến hành theo kế hoạch, đã được Thanh tra Chính phủ tiến hành khảo sát kỹ trước khi tiến hành thanh tra.
Ông Bảy yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện bài bản khoa học, có nội dung chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể, trọng tâm, trọng điểm. Các thành viên trong đoàn thanh tra nghiêm chỉnh thực hiện quy chế phát ngôn, bảo mật thông tin.
Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phản ánh những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế để đoàn thanh tra nắm bắt. Quá trình thực hiện thanh tra, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh nội dung thanh tra thì kiến nghị với đoàn để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phù hợp.
Ông Bảy cũng yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ tài liệu, cử đầu mối làm việc với đoàn thanh tra theo đúng kế hoạch đã xây dựng; lưu ý quy chế phát ngôn, chấp hành nghiêm quy định bảo vệ bí mật nhà nước.
Tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Bộ này chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thanh tra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có trách nhiệm cao nhất để phục vụ đoàn thanh tra. Ông Hiệp cũng giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ chủ động cung cấp các hồ sơ tài liệu khi có yêu cầu của đoàn thanh tra.
Theo Nghị định 105/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 15/1/2023, cơ cấu tổ chức mới của Bộ này có 28 đơn vị, không còn 4 tổng cục (Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai).
Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Tổng cục Thủy sản được tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Tổng cục Thủy lợi được tổ chức lại thành Cục Thủy lợi. Tổng cục Phòng, chống thiên tai được tổ chức lại thành Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai…
Vụ I có chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam; có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi phụ trách.