1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công an xã, phường sẽ được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ?

(Dân trí) - Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Công an xã, phường, thị trấn có thể được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

Lực lượng công an xã sẽ đang trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ (Ảnh minh hoạ).
Lực lượng công an xã sẽ đang trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ (Ảnh minh hoạ).

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận. Thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Theo đó, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm:

- Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an;

- Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh;

- Trại giam, trại tạm giam;

- Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;

- Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Công an xã, phường, thị trấn.

Các loại vũ khí quân dụng được trang bị bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, xe thiết giáp, mìn, lựu đạn và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Theo dự thảo thông tư, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được quy định tại khoản 4 và khoản 11 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cụ thể, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm: Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Bộ trưởng Công an quyết định trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ

Điều 6 dự thảo thông tư nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho toàn lực lượng Công an nhân dân; quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương mới được thành lập.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quyết định trang bị bổ sung vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

Các Tổng cục trưởng; Tư lệnh; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Trường hợp Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu trang bị bổ sung vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương thì Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định trang bị và báo cáo về Bộ Công an qua Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.

Đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ do Công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận, thu gom còn giá trị sử dụng thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định đưa vào sử dụng theo quy định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an phải lập kế hoạch trang bị, tổ chức tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, điều động các loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra trong công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Thế Kha