1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Công an phải "máu" lên, nghe báo có tội phạm mà chần chừ là không được!"

Quốc Anh

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM nói: "Anh nào thiếu bản lĩnh, đam mê, hoặc chùn bước thì đi làm việc khác. Phòng chống tội phạm phải "máu", nghe báo tội phạm đang gây án mà chần chừ sợ tới sớm là không được".

Ngày 25/12, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 48 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

Công an phải máu lên, nghe báo có tội phạm mà chần chừ là không được! - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng làm công tác phòng chống tội phạm thì phải có bản lĩnh, đam mê

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, tiêu chí đầu tiên cho nơi đáng sống là sự bình yên và an toàn. Thành phố đang ra sức tập trung xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và quyết tâm giữ gìn thành phố thật sự bình yên, an toàn. 

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của Công an TP trong phòng chống tội phạm 10 năm qua.

"Đặc biệt, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những cán bộ, chiến sĩ, hiệp sĩ đã góp sức, kể cả hy sinh tính mạng vì sự bình yên của nhân dân và an toàn xã hội", Bí thư Nên nói.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, bên cạnh thành tích đạt được cũng còn mặt hạn chế như: sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc thiếu chủ động, quyết liệt; chưa thường xuyên đôn đốc, có nơi còn hình thức; tuyên truyền thiếu chiều sâu, chiều rộng, đặc biệt là thiếu trọng điểm... 

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, số vụ phạm tội cao; tính chất, thủ đoạn, hành vi còn tinh vi, phức tạp rất đáng lo ngại. Trong khi đó, đối tượng có mầm mống phát sinh tội phạm là người nghiện lại tăng, 10 năm tăng 15.000 đối tượng. Tội phạm bị truy nã còn ngoài xã hội gần 3.000. Đó là những câu hỏi cần sớm có lời giải.

"Đối tượng gây án, phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong khi đó chưa có số liệu thống kê để theo dõi, kèm cặp uốn nắn... Do vậy, mục tiêu bảo vệ bình yên, an toàn cho thành phố là thách thức lớn", Bí thư Thành ủy nói.

Nói về phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, Bí thư Nên cho rằng phải đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia công tác này.

"Đừng để người dân ra tay một mình mà không có lực lượng chức năng, phải làm cách nào cho người dân mọi lúc, mọi nơi thật sự là tai mắt của lực lượng chức năng", ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát nội bộ trong xây dựng lực lượng công an thành phố và các cấp để phòng chống, hạn chế sự sai, làm cho đội ngũ trong sạch, liêm khiết... 

Ông cho rằng cảnh sát hình sự là lực lượng chủ công trong phòng chống tội phạm và ví von là hàng tiền đạo.

"Anh nào mà thiếu bản lĩnh, đam mê, hoặc có gì đó chùn bước thì đi làm việc khác. Phòng chống tội phạm phải "máu", nghe báo tội phạm đang gây án mà cứ chần chừ sợ tới sớm... là không thể được. Phải "máu" lên, nghe là phải có mặt, có như thế thì mới làm người dân tin tưởng mình hơn", ông Nên nhấn mạnh.

Công an phải máu lên, nghe báo có tội phạm mà chần chừ là không được! - 2

Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, trong 10 năm qua Công an TP đã bắt 5.284 đối tượng truy nã

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội có xu hướng ngày càng trẻ và khuynh hướng sử dụng bạo lực, liều lĩnh, vụ lợi.

Xuất hiện nhiều băng nhóm, đối tượng hình sự từ các tỉnh vào thành phố, cấu kết với tội phạm ở thành phố để hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động núp bóng dưới vỏ bọc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoạt động "tín dụng đen".

Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự (chiếm 76,7% tổng số vụ). Tội phạm này rất manh động, nguy hiểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hoạt động mua bán người tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong 10 năm qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra hơn 51.000 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 16.000 vụ, tức giảm 24% so với thời gian liền kề). Điều tra khám phá 35.669 vụ và bắt 43.901 người, triệt phá 9.525 băng nhóm tội phạm, bắt 5.284 đối tượng truy nã; số đối tượng truy nã phát sinh đang tập trung truy bắt là 2.870 người.