Con voi cuối cùng bên bờ suối Ia Tul

Đó là chú voi nhà cuối cùng của người quản tượng cuối cùng ở vùng đất Ayun - Chư Mố (Gia Lai) này. Bên bờ suối Ia Tul, chú voi Yẵ Tao mấy chục năm tuổi không còn vui với nắng gió đại ngàn nữa.

Bên bờ suối Ia Tul

"Lũ làng ơi! Cứu! Yẵ Tao bệnh rồi! Cứu!". Tiếng gọi thảng thốt của anh Siu Kiêm (làng Pleipa Kdranh, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai vang vang trong tiếng ầm ì của cơn dông miền cao nguyên giữa mùa khô. Nghe tiếng thảng thốt của Siu Kiêm, người làng lũ lượt đổ ra.

Cứu voi! Cứu Yẵ Tao thôi! Tiếng gọi nhau khản đặc của lũ làng Chư Mố vang lên rầm rĩ. Tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kêu than kinh động cả Yang trời, Yang đất. Mấy trăm mấy chục con người, già có, trẻ có, người nam có, có cả người nữ chạy như con hoẵng bị mãnh thú dồn đuổi. Họ chạy mải miết về phía bờ suối Ia Tul. Bóng người thảng thốt chao nghiêng như cánh lá dưới mặt nước. Nhưng rồi, những bước chân chậm dần, chậm dần, sít bên nhau, đứng sát bên bờ suối.

Con voi cuối cùng bên bờ suối Ia Tul - 1

Voi Yă Tao, đã già, một chân sau đã từng bị gãy vì trượt chân trong một lần cố nhón chân, rướn vòi kiếm cái ăn trên vách núi cao. Con voi khỏe mạnh, lực lưỡng khi xưa từng giúp dân làng dựng bao ngôi nhà khang trang, kéo bao nhiêu cột điện thắp sáng đường quê nay nằm đó, im lìm, cô độc. Trông đến xót xa!

Yẵ Tao bệnh rồi, Yẵ Tao nằm đó, bên bờ suối Ia Tul. Vợ chồng Siu Kiêm đứng bên cạnh, nước mắt lưng tròng, tay vuốt ve vào đầu Yẵ Tao. Nhưng con voi cái cuối cùng của vùng Chư Mố này vẫn nằm im không nhúc nhích. Những lời cầu nguyện, những tiếng gọi Yẵ Tao vang lên trong sự bất lực của con người. Người làng chỉ biết đứng lặng nhìn.

Vợ chồng Siu Kiêm, lũ làng, cả những chú chó theo chủ chạy về suối Ia Tul cũng đứng lặng. Một người, hai người, rồi cả chục người cùng khóc. "Yẵ Tao bệnh rồi, Yẵ Tao nằm đó, Yẵ Tao không đứng dậy được nữa rồi. Còn gì của cha ông nữa!", Siu Kiêm lẩn thẩn một mình nói, một mình nghe. Lũ làng Jrai ở Chư Mố này khụyu xuống, thảng thốt. Cơn dông không trút mưa xuống mà trên mặt ai cũng đầy nước. Siu Kiêm đau đáu nhìn từng phần của Yẵ Tao đang nằm im bất động. Nỗi đau cuộn lên từ bên trong, ông không còn sức để nói.

Con voi cuối cùng bên bờ suối Ia Tul - 2
Đó là con voi nhà duy nhất còn lại của làng voi vang bóng một thời, từng được coi là đẹp nhất Tây Nguyên. Trong ký ức Siu Kiêm, trong nỗi nhớ của người làng ở vùng Ayun này thì Yẵ Tao là biểu tượng của làng.

Ngày trước, trên cao nguyên Gia Lai và vùng thung lũng Ayun này có làng voi Chư Mố (huyện Ia Pa) gồm các buôn: Kdranh, Ama Đá là địa danh nổi tiếng vì nhiều voi. Và ở đó, có ông Ksor Chăm, người nổi danh thuần dưỡng voi từ mấy chục năm qua, là người đã tự nguyện làm "kẻ dở người" khi bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn để một mình suốt ngày rong ruổi theo những con voi của mình.

Ông Ksor Chăm, cha vợ của anh Siu Kiêm trước kia có tới 3 con voi đực là Thoong Khăm, Thoong Xa và Bạk Xom. Nhưng hầu hết đàn voi của buôn làng đều đã chết vì bom đạn, số ít còn lại cũng ngã xuống vì bệnh tật hoặc thiếu thức ăn. Những người quản tượng ở vùng đất này vì thế cũng bỏ đi nơi khác, số ít chuyển sang làm nông. Năm 1990, ông Ksor Chăm mang 5 cây vàng qua Đắk Lắk tìm đến huyện Lạc Thiện mua 1 con voi cái 3 tuổi mang về, đặt tên là Yẵ Tao để kết duyên cùng voi đực Đak Xom. Nhưng duyên chưa mặn nồng thì Bạk Xom đột ngột chết, để lại Yẵ Tao đơn độc một mình. Từ ngày Bạk Xom chết, cả vùng Chư Mố này chỉ còn lại một con voi con Yẵ Tao. Và Ksor Chăm trở thành người quản tượng cuối cùng của vùng đất này. Ông mang voi Yẵ Tao của gia đình vào tận rừng sâu tìm thức ăn để duy trì sự sống cho nó, còn xung quanh ông và khắp cả tỉnh Gia Lai người ta đã lần lượt bán đi những con voi nhà cuối cùng vì nhiều lí do khác nhau.

Khi ông Ksor Chăm đã không còn đủ sức để rong ruổi theo con voi vào rừng kiếm cái ăn cho nó, và khi ông mất đi, công việc quản tượng giờ được ông truyền lại cho người con rể Siu Kiêm. Hàng ngày, Siu Kiêm gùi gạo, muối vào rừng sâu thay cha vợ mình, rong ruổi theo con voi để kiếm cái ăn cho nó và cũng để nó kiếm cây thuốc tự chữa bệnh có khi cả tháng anh mới về nhà một lần. Đã có nhiều người đến "gạ" mua voi Yẵ Tao với giá cao, thậm chí có người còn đánh ngay một chiếc ô tô Santafe đời mới trị giá gần tỉ bạc đến nhà đòi đổi ngang con voi, nhưng cha vợ Siu Kiêm đã một mực chối từ.

Với người dân Chư Mố, voi không chỉ là một tài sản lớn mà là con vật linh thiêng, là niềm kiêu hãnh của dòng họ, buôn làng và hơn hết nghề nuôi, thuần dưỡng voi là bản sắc văn hóa của cha ông truyền lại, phải giữ gìn cho con cháu mai sau. Đó là tâm nguyện của người quản tượng cuối cùng ở vùng đất này, và được truyền cho người con rể Siu Kiêm.

Nỗi cô đơn của Yẵ Tao

Mấy mươi năm qua, từ ngày bạn tình Bạk Xom chết, voi Yẵ Tao cô độc suốt từ đó đến nay, trở thành con voi cuối cùng của Bắc Tây Nguyên này. Những ngày khi ông Ksor Chăm còn sống, voi Yẵ Tao vẫn được đưa vào bên hông nhà. Quần tụ quanh nhà ông Ksor Chăm vẫn là những ngôi nhà sàn của người Jrai không kém phần bề thế. Và voi Yẵ Tao được ông Ksor Chăm cùng người làng yêu thương như chính người thân trong gia đình mình. Vậy mà...

Con voi cuối cùng bên bờ suối Ia Tul - 3

Tin voi Yẵ Tao chết làm rúng động cả một vùng thung lũng Ayun rộng lớn trong nhiều ngày. Người từ các làng đưa tiễn voi Yẵ Tao về với Yang. Người con rể Siu Kiêm dẫn đám trẻ, dẫn lũ làng đi đào hố, mang lễ vật để cùng đưa Yẵ Tao đến với anh Ksor Chăm ở ngôi làng linh thiêng của người Jrai. Nhiều đêm qua, anh không về nhà mà ở lại bên mộ Yẵ Tao. Siu Kiêm nhổ những sợi lông đuôi của Yẵ Tao gói vào một túi nhỏ, đặt trên ngực áo mình, Đó là những gì là dấu tích cuối cùng của Yẵ Tao, để rồi lặng nhìn mãi.

Trong ký ức, những trải nghiệm đầu đời là thứ rất khó quên, huống gì Yẵ Tao này là con voi không chỉ của ông Ksor Chăm, mà của tất cả lũ làng với hàng trăm con người, và hàng nghìn người làng ở các vùng khác. Nhiều người cũng loay hoay nhặt nhạnh trong ký ức đổ nát của mình một cái gì đó gần gũi nhất với Yẵ Tao mà xót xa.

Con voi cuối cùng bên bờ suối Ia Tul - 4

Trong đám người làng đưa tiễn Yẵ Tao về với Yang, những người con trai, những người con gái, cả những bà mẹ bồng con cũng lặng lẽ. Tất cả đều lặng im, lặng im đến nao lòng. Lũ làng cần mẫn như con kiến, tìm chút gì của ký ức đặng tha về tổ, chút ký ức loang lổ như đám cháy. Làng chỉ có mấy trăm con người, nhưng có đến cả ngàn nỗi nhớ, sự khắc khoải đến tê tái của lớp trước, của lớp bây giờ, của cả lớp trẻ sau này nữa với Yẵ Tao. Nhiều người hỏi Siu Kiêm, Siu Kiêm lặng im không nói. Rồi Siu Kiêm chỉ vào ngực mình, bảo đau, đau lắm. Đau đúng chỗ này!

Tôi đã từng nhiều lần đến thăm những ngôi làng ở vùng đất cao nguyên này, biết cái bụng của người Jrai thương voi lắm. Không chỉ riêng người già, mà cả lũ trẻ cũng vậy. Siu Kiêm tỉ mẩn lau vết của Yẵ Tao trên một khúc gỗ. Siu Kiêm bảo giờ Yẵ Tao chỉ còn một chút này thôi. Đứa trẻ bên cạnh cất một tràng tiếng Jrai, Siu Kiêm xoa đầu không đáp, rồi lặng lẽ nhìn mông lung ra phía trước, nơi mới ngày hôm qua còn voi Yẵ Tao đứng vững chãi, lừng lững giữa trời…

Có lẽ, trong trí nhớ của Siu Kiêm, và của người làng lại thấp thoáng hiện về cái khung cảnh đêm xoang rừng rực lửa, tiếng chiêng, tiếng cồng rộn cả các làng bên, điệu xoan vui thâu đêm suốt sáng. Trai gái Jrai ngả nghiêng say men rượu cần, và voi Yẵ Tao lim dim mắt nhai mía, nhai thân cây bắp đầu mùa mới thu hái, thấp thoáng bóng ông Ksor Chăm đứng bên voi và cười hiền từ.

Tôi để mặc vợ chồng Siu Kiêm với nỗi nhớ ấy, voi Yẵ Tao mất rồi. Nhưng những người trong làng vẫn ngày ngày sống, đau đáu với voi Yẵ Tao. Vợ chồng Siu Kiêm trầm ngâm, nhìn mãi ra phía trước làng. Tôi cũng nhìn theo, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoang duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng, chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn mùa lễ hội... Yẵ Tao không chỉ minh chứng cho một thời hùng vĩ của mảnh đất Bắc Tây Nguyên, một thời bạt ngàn rừng xanh, tràn đầy muông thú. Yẵ Tao chính là "nhân vật lịch sử" minh chứng cho sự đổi thay của thời cuộc, và đã mấy chục năm qua, Yă Tao sống trong sự cô quạnh, dường như chỉ mình Yẵ Tao tồn tại trên cõi đời.

Giờ voi Yẵ Tao không còn nữa, Chư Mố còn lại gì?

Cao nguyên Gia Lai nói riêng và vùng Bắc Tây Nguyên vốn tự hào về nghề thuần dưỡng voi rừng và đàn voi nhà đông đúc. Ấy vậy nhưng, bây giờ trở lại, thấy chạnh lòng vì vắng dấu chân voi. Với người Tây Nguyên, voi không chỉ đắc dụng trong công việc nặng nhọc như kéo gỗ làm nhà, vận chuyển nông sản… mà còn chứng tỏ được vị thế của chủ voi trước cộng đồng, thể hiện sự giàu có, địa vị bề trên! Những người làng vẫn thủy chung với voi, có lẽ vì trong sâu thẳm, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gũi nhất. Từ nay về sau, nhiều người có lên vùng Bắc Tây Nguyên cũng không thể được thấy bất cứ một con voi nào nữa, thay vào đó là những nấm mồ. Thế hệ sau này có khi chỉ biết đến voi trong sách vở mà thôi.

Đàn voi nhà ở Tây Nguyên vơi dần vì bệnh tật, vùng đất mà cách đây chỉ mấy chục năm về trước voi vẫn được nuôi nhiều như một niềm kiêu hãnh của đại ngàn. Không ai hình dung đến một lúc nào đó, hình ảnh những đàn voi hùng dũng của Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong ký ức. Thế nhưng, đó là lời cảnh báo hết sức cấp thiết. Khi mà những đứa trẻ của đại ngàn còn phải lạ lẫm và thích thú trước cảnh voi tắm, thì đối với người miền xuôi, lo lắng một ngày đến Tây Nguyên không còn nhìn thấy voi nữa là nỗi lo cận kề trước mắt và mọi lời cảnh báo bây giờ đã là quá muộn. Nhưng những câu chuyện đó giờ đã trở thành ký ức.