Còn lúng túng, e ngại trong thực hiện các dự án phục hồi kinh tế
(Dân trí) - Đó là ý kiến giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (13/2).
Sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43, trong đó quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án đầu tư công; tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong hai năm 2022 - 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, trong tổng số 169 dự án với số vốn 25.530 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn từ chương trình để hoàn thiện thủ tục đầu tư, có 129 dự án với số vốn dự kiến 14.710 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Còn lại 40 dự án với số vốn dự kiến trên 10.819 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đáng lưu ý, trong tổng số 94 dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn của chương trình, Bộ GTVT và 10 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn đã giao cho Bộ GTVT thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chuyển tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần thuộc 4 dự án nêu trên.
Cụ thể, 4 dự án gồm: Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 là 2.320 tỷ đồng; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 là 3.500 tỷ đồng; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là 3.800 tỷ đồng; Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 là 1.204 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) đánh giá, việc Chính phủ trình danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn còn lại của chương trình quá chậm. Đến nay, vẫn còn lại trên 14.151 tỷ đồng tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện và bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho các dự án trong năm 2023 theo quy định của Nghị quyết 43. Vì thế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân chậm trễ, giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện Nghị quyết 43 và hoàn thành giải ngân vốn trong năm 2023 theo yêu cầu.
Cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục dự án đã đủ thủ tục đầu tư, tuy nhiên Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng ở phần chi tiết phụ lục có một số dự án chưa xác định rõ việc bố trí phần vốn cam kết của địa phương trong năm 2023 và kết thúc năm 2024-2025. Điều này chưa đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết 43. Vì vậy đề nghị rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành các dự án; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, dự án đúng thời hạn theo Nghị quyết 43.
Giải trình thêm tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, có nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực y tế vẫn chưa xong nên không thể giao được, dù đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều, nhưng vẫn còn sự lúng túng, e ngại trong thực hiện.
Tuy nhiên, ông Dũng nói Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm và đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 43, Luật Đầu tư công, điều hòa giữa các nguồn vốn, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.