1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Con đường đúng đắn nhất để giải quyết tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Thương lượng hòa bình chính là con đường đúng đắn nhất để giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hiến chương Liên Hợp Quốc nghiêm cấm việc đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực trong quan hệ giữa các nước. Liên Hợp Quốc cũng đã quy định các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ với nhau bằng các biện pháp hoà bình.
Rõ ràng, thương lượng hòa bình chính là con đường đúng đắn nhất để giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ba lần sử dụng vũ lực để xâm chiếm: năm 1956 đối với bộ phận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo này năm 1974; và năm 1988 đối với một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Chính sách pháo hạm này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với xu thế trên thế giới và trong khu vực.

 

Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Các quốc gia có bổn phận không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.

 

Trên cơ sở của luật pháp quốc tế, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình đồng thời tôn trọng nguyên tắc không đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, trước sau như một chủ trương giải quyết bằng thương lượng hoà bình mọi tranh chấp giữa hai nước, đặc biệt là tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

 

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, mới đây, phát biểu trước Quốc hội đã nhấn mạnh lại chủ trương này của Việt Nam: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng Việt Nam chủ trương đàm phán giải quyết đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

 

Chủ trương của chúng ta ở quần đảo Trường Sa là: Phải nghiêm túc thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết. Chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng, không có những hành động làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.”

 

Trước đó, tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nêu rõ: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở biển Đông”.

 

Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”.

 

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (ảnh: Vietnamnet)

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (ảnh: Vietnamnet)

 

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng,  để thực hiện có hiệu quả những cam kết này, yêu cầu đặt ra là các bên trong đàm phán phải thực sự thiện chí chứ không phải bằng tương quan lực lượng: “Muốn giải quyết vấn đề này, muốn thúc đẩy quá trình làm tình hình Biển Đông ổn định, tránh xung đột, tránh sự tham gia của các thế lực khác thì chính bản thân các nước phải thiện chí, phải cầu thị. Khi đưa ra yêu sách không đúng thì phải rút để thúc đẩy đàm phán phát triển”.

 

Giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất.

 

Là một trong 5 nước uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc có nghĩa vụ lớn tôn trọng và thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc. Dư luận ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới chờ đợi sự đáp ứng tích cực của phía Trung Quốc.

 

Theo Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan
 VOV