“Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế”
(Dân trí) - “Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”- đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 14/6 về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng qua thực tiễn cho thấy việc phong thăng hàm cấp tướng dư luận cũng có ý kiến khác nhau.
“Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”- ông Tạo dẫn ý kiến cử tri. Theo vị đại biểu đoàn Lâm Đồng, các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua.
Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân đội thì có sự “vênh nhau”. Khi xảy ra chiến tranh thì Chỉ huy trưởng chỉ huy thống nhất, công an chỉ tham gia phối hợp nhưng Giám đốc Công an là Thiếu tướng trong khi Chỉ huy trưởng chỉ là Đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao thì nghe chừng chưa phù hợp.
“Nếu Giám đốc công an tỉnh có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”-ông Nguyễn Tạo nêu quan điểm.
Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam thẳng thắn: “Phong hàm tướng hơi bị nhiều trong điều kiện không có chiến tranh”. Từ đó, ông Thịnh kiến nghị chỉ phong hàm cấp tướng với lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống tội phạm. Còn đơn vị hành chính sự nghiệp trong Công an nhân dân thì phải cân nhắc, bởi cũng chỉ cần thực hiện nhiệm vụ như các cơ quan hành chính nhà nước khác.
Ông Thịnh cũng đề nghị làm rõ trong luật thế nào là Cục đặc biệt và có những Cục nào để tránh việc vận dụng không chính xác. Hơn nữa, Cục đặc biệt có nhiều cấp phó mà phong hết cấp tướng thì quá nhiều, chỉ nên phong cấp Thiếu tướng với cấp phó thường trực thì hợp lý.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thống nhất gắn cấp hàm với chức vụ, bãi bỏ tình trạng phong quân hàm không gắn với chức vụ, cứ “đến hẹn lại lên”.
“Thực tế ở Hà Nội tôi biết có Đội trưởng mang hàm Đại uý, nhưng cấp dưới lại có mấy Trung tá, khiến anh em rất tâm tư khi có Đại uý lãnh đạo còn Trung tá phải ra ngoài đường giải quyết công việc”- ông Nhưỡng dẫn chứng.
Về phong quân hàm cấp tướng, vị đại biểu Bến Tre tán thành báo cáo thẩm tra, làm sao thực hiện đúng thông báo của Bộ Chính trị nhưng cho rằng cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng để hạn chế phong cấp hàm không theo quy tắc.
“Quy định rõ trong luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh phong tướng lên xong điều đi chỗ khác rồi lại một người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”, lúc ấy Đại tá cũng thành tướng”- vị đại biểu lo ngại.
Đề nghị Giám đốc Công an các tỉnh là Thiếu tướng
Đồng tình cần thiết ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nhằm sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị cần quy định trần hàm tối đa của các chức vụ.
“Nếu được bổ nhiệm vào chức vụ cao mà cấp hàm thấp hơn thì được thăng hàm trước thời hạn, khắc phục tình trạng cấp trên cấp hàm thấp hơn cấp dưới”- ông Hoà đề nghị.
Đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liệu ủng hộ tất cả Giám đốc Công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng. Theo quy định phân loại đơn vị hành chính thì cả nước có 11 địa phương loại 1, đồng nghĩa có 11 Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm tướng. Thực tế cho thấy các tỉnh, thành phố loại 1 đa số tình hình an ninh trật tự, diễn biến phức tạp nhưng không đồng nghĩa phức tạp hơn các địa phương còn lại. Như tỉnh Bình Dương tình hình phạm pháp hình sự xảy ra rất phức tạp nhưng Bình Dương không phải tỉnh loại 1.
Chức danh Cục trưởng và Giám đốc Công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển công tác cán bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về ngành công an vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch.
“Ngược lại, Giám đốc Công an tỉnh mà luân chuyển làm Cục trưởng thì bất hợp lý vì từ Đại tá không thể lên ngay Thiếu tướng. Cả 2 trường hợp này đều không ổn. Việc Giám đốc Công an các tỉnh được phong hàm cao nhất là Thiếu tướng không làm tăng số lượng cấp tướng trong công an nhân dân”-ông Tới phân tích.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Bộ Công an đang được giao 205 vị trí có quân hàm cấp tướng, Bộ Quốc phòng 415 cấp tướng.
“Theo tôi biết quan điểm của Bộ Công an là không làm tăng thêm vị trí có quân hàm cấp tướng. Theo quy định hiện hành Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được quy hoạch đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải được luân chuyển về địa phương có địa bàn phức tạp để đào tạo theo quy định trong 3 năm. Nếu hai cấp bậc hàm này vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách. Hơn nữa, công việc của công an thành phố loại 1 rất nặng nề, chịu trách hiệm trước lãnh đạo Bộ Công an, cấp uỷ chính quyền địa phương về an ninh trật tự. Chính vì thế tôi ủng hộ phương án tỉnh, thành phố loại 1 quân hàm thiếu tướng, tạo thuận lợi cho luân chuyển, đào tạo CAND”-ông Cầu nói.
Cần chuẩn hoá lực lượng công an xã
Đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liệu ủng hộ công an xã chính quy vì tội phạm xảy ra ở một địa bàn nhất định, nên phòng ngừa, phát hiện tội phạm ngay tại cơ sở, ngăn chặn, giải quyết kịp thời là rất quan trọng.
"Trong kết luận chỉ đạo giải quyết khiếu kiện của người dân, Thủ tướng cũng đã cảnh báo đừng coi thường đốm lửa nhỏ, nếu không ngăn chặn kịp thời, gặp nắng nóng, gió lên sẽ cháy cả cánh rừng. Công an xã giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, từ quản lý hộ khẩu đến công tác tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ ban đầu, tạm giữ người theo thủ tục hành chính, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc"- ông Tới nói.
Việc chính quy công an xã không làm tăng thêm biên chế, lực lượng mà các địa phương còn giảm bớt khó khăn khi không phải trả lương và các chính sách khác cho lực lượng này, vì Bộ Công an đã trả lương cho lực lượng chính quy. Từ đó cho thấy nếu quy định công an xã chính quy vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đáp ứng đúng yêu cầu thực tế.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đánh giá, công an xã là lực lượng quan trọng, có nhiệm vụ thu thập, tham gia vào một số hoạt động điều tra ban đầu - trở thành chứng cư quan trọng trong các vụ án hình sự. "Đây là lực lượng gần dân, sát dân, tiếp xúc thường xuyên với người dân và tuyên truyền thuyết phục người dân đặc biệt ở vùng dân tộc miền núi. Chính vì thế đặt ra yêu cầu đặt ra cần chuẩn hoá lực lượng công an xã"- bà Dung bày tỏ.
Thế Kha