Cờ tổ quốc trên con tàu đóng mới
Từ xa, đã trông thấy điều mới trong truyền thống nghề đóng tàu ở xưởng 19-8: Thay cho tấm vải điều, cờ tổ quốc Việt Nam ôm che mũi con tàu mới suốt quá trình lên đà.
Cờ tổ quốc thay cho vuông vải đỏ đặt trên mũi tàu.
Chiều nay, kíp thợ sẽ ghép thanh ván cuối cùng trên thân tàu dài 17m. Thế là, với sự hỗ trợ của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, ước mơ cả đời của lão ngư Trần Phương (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) gần 30 năm gắn bó với vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa đã thành hình. Khi những người thợ đóng tàu nghỉ trưa, cha con ông Trần Phương tự tay quét lớp sơn lót những phần đã hoàn thiện...
Lần này, ông Phương bàn với hai con Thế Pháp và Thế Anh đóng hẳn một con tàu có công suất máy hơn 430CV - gấp 10 lần chiếc tàu cũ đã bị những người Trung Quốc càn quấy bắt giữ. “Riêng phần gỗ ván và công thợ đã hết 600 triệu đồng” - ông Phương nhấn mạnh quy mô của con tàu đóng mới.
Những tốp thợ lành nghề xưởng đóng tàu 19-8 hối hả làm việc trong cái nóng gay gắt của Sa Kỳ. Ngoài con tàu của ông Phương còn có hai con tàu khác cũng đang đóng tại đây. Tất cả đều là tàu đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Ba cha con ông Phương luôn tay phụ giúp, không có thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Thế Pháp - chàng trai bị dị tật ở chân - vừa khéo léo siết lại từng con ốc cố định vỏ tàu vừa nói: “Đóng xong con tàu này, ba tôi sẽ để Thế Anh làm thuyền trưởng, nó lanh lẹn và hiểu biển. Tôi tật nguyền, cũng đủ sức giúp nó ra khơi...”. Ông Trần Phương ngừng tay, đỡ lời con: “Dù bị tật bẩm sinh nhưng nó đã theo tôi 15 năm đi biển...”.
Cuối buổi chiều, khi thanh ván cuối cùng đã khép kín phần thân tàu, Thế Anh mới nói một câu: “Nghe đài báo có thêm hai cơn bão sắp vào biển Đông”.
Lão ngư dày dạn rất nóng ruột khi nhìn tàu bạn hằng ngày ra khơi.
Hai người thợ cả đang chuẩn bị miếng ván thân tàu cuối cùng.
Các con tàu cá đóng mới ngày càng lớn và mạnh nhằm phục vụ đánh bắt xa bờ.
Trong cả tháng nay, ba cha con ông Trần Phương luôn túc trực trên công xưởng đóng tàu để đốc thúc kíp thợ.
Ông Trần Phương tranh thủ những lúc rỗi rãi chăm sóc cho con tàu mơ ước của mình.
Theo Lê Anh Tuấn
Lao động
Lao động