Thanh Hóa:
Cơ sở chế biến lâm sản "đầu độc" nguồn nước
(Dân trí) - Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, các cơ sở chế biến lâm sản cũng đã hứa không xả thải ra môi trường; tuy nhiên thực tế những cơ sở này vẫn ngang nhiên xả chất thải độc hại xuống sông.
Hai cơ sở chế biến lâm sản vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường là Cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm và Cơ sở sản xuất đũa và bột giấy của Hợp tác xã Thành Phát, ở xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, cả hai cở sở này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm hoạt động được 5 năm nay. Mỗi tháng cơ sở này sản xuất 120 tấn bột giấy, 20 tấn đũa ăn một từ nguyên liệu tre luồng. Cơ sở này có 3 bể ngâm bột giấy, mỗi bể khoảng 55 - 60m3. Mỗi lần Cơ sở này xả khoảng 50m3 lượng nước thải độc hại ra môi trường.
Cứ một tuần, nước thải từ khâu ngâm ủ bột giấy của cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm lại được xả ra môi trường một lần. Nguồn nước từ cơ sở này có màu đen kịt, chứa hóa chất độc hại được xả qua rãnh nổi, rồi chảy trực tiếp ra sông Đằn.
Qua quan sát, hệ thống dẫn nước thải tại cơ sở Sơn Lâm là một cống thải được thiết kế có chủ ý. Điều đáng nói là nguồn nước Sông Đằn chảy ra đập Bái Thượng, hòa vào dòng nước sông Chu, chảy về phía hạ lưu, cung cấp nước sản xuất cho các nhà máy nước trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố Thanh Hóa và các đô thị vệ tinh.
Trên địa bàn xã Tân Thành còn có Cơ sở sản xuất đũa và bột giấy của Hợp tác xã Thành Phát cũng đang hoạt động. Hợp tác xã này lấy nguồn nước sông Đằn phục vụ sản xuất. Sau đó, nước thải chưa qua xử lý đúng quy trình từ đây lại đổ xuống sông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông Hà Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Xã đã nhiều lần kiểm tra, đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính hai cơ sở trên, yêu cầu hai cơ sở chế biến lâm sản này không được xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường”.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lấy mẫu nước thải của các Cơ sở nêu trên để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; lập biên bản, yêu cầu các cơ sở dừng ngay việc xả nước thải độc hại chưa xử lý ra sông Đằn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng hoạt động ngâm ủ bột giấy của các cơ sở trong vòng 3 tháng kể từ ngày 15/3, để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Theo đó, các cơ sở này chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và được UBND tỉnh cho phép, nhưng hiện hai cơ sở này vẫn hoạt động và đang xả nước thải có hóa chất độc hại trực tiếp xuống sông Đằn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Duy Tuyên