1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cổ phiếu ồ ạt sụt giá

Sau gần 2 tháng chứng khoán bứt phá với tốc độ phi mã đưa VN-Index đạt kỷ lục 809,86 điểm vào ngày 20/12, hai phiên cuối tuần hàn thử biểu đã tuột dốc tới 65 điểm, mức lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch sáng qua, không ít nhà đầu tư tại sàn Bảo Việt thẫn thờ.

Ào ạt giảm giá

Trong hai phiên liên tiếp, gần như tất cả blue-chip của thị trường đều giảm giá sàn. FPT tăng vùn vụt từ hôm 13/12 nay giảm 49 nghìn đồng/cổ phiếu, SJS giảm 51.000 đồng, VNM, REE, SAM cũng giảm hết biên độ được phép.

Với mức giảm giá như vậy, một nhà đầu tư nắm giữ 1.000 cổ phiếu FPT tương đương với 510 triệu đồng vào ngày 20/12 thì chỉ còn 461 triệu đồng.

Thường khi tăng kịch trần thì lượng cung rất nhỏ giọt nhưng khi thị trường xuống dốc hàng bán ra ào ạt mà không có người mua. Kết thúc phiên FPT còn hơn 600.000 cổ phiếu dư bán giá sàn, REE ế gần 650.000, VNM dư gần nửa triệu cổ phiếu.

Khối lượng chứng khoán ế trong hai phiên cuối tuần lên tới hơn 20 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch cả phiên 22/12 chỉ đạt 396,5 tỷ đồng, bằng một nửa so với hôm 20/12.

Sàn giao dịch thứ cấp Hà Nội cũng không nằm ngoài vòng xoáy sụt giảm. Những cổ phiếu được đánh giá cao trong ngành tài chính như Chứng khoán Bảo Việt BVS, Chứng khoán Sài Gòn SSI đều giảm sàn với biến động từ 18.700 đồng đến 26.600 đồng. Khối lượng khớp lệnh cũng rất nhỏ giọt.

Sàn chứng khoán SSI, ACB, Bảo Việt, BSC đông nghịt nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều gương mặt trẻ tỏ ra thất vọng khi bảng điện tử liên tục nhảy màu đỏ.

Đặt lệnh bán 3.000 cổ phiếu REE với mức giá 126.000 đồng, anh Nguyễn Văn Thái (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng khi không khớp lệnh được.

Chỉ cách đây một tuần anh đã dốc sạch số tiền 400 triệu đồng tiết kiệm của hai vợ chồng ra mua cổ phiếu. Anh sợ mấy phiên tới giá tiếp tục xuống sẽ thua lỗ nặng ngay khi mới chập chững gia nhập thị trường.

Trong khi đó những nhà đầu tư có kinh nghiệm lại tỏ ra bình tĩnh. Ông Nhân, một nhà đầu tư tại sàn Bảo Việt trấn an những tay chơi non dạ: “Chứng khoán lên xuống là chuyện bình thường. Khi giảm sàn đừng cố bán ra càng dìm giá xuống”.

Theo Giám đốc Công ty chứng khoán HSC Nguyễn Hữu Nam, để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần xác định cho mình một danh mục gồm những cổ phiếu có mục tiêu đầu tư dài hạn, lãi thu được thấp nhưng an toàn.

 

Đồng thời có cả cổ phiếu ngắn hạn, khi được giá nên bán, những cổ phiếu này cho lãi cao nhưng rủi ro lớn, khi nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn thì có thể tăng dần tỷ lệ này.

 

Đại diện Credit Suisse - Ngân hàng đầu tư tốt nhất tại Việt Nam năm 2006 cho biết: “Khi mua cổ phiếu chúng tôi theo đuổi mục tiêu đầu tư an toàn chứ không chạy theo xu thế của thị trường. Chiến lược ngành, vị thế của doanh nghiệp trong ngành, tốc độ tăng trưởng của ngành là những yếu tố chúng tôi xem xét sau đó mới tính đến các chỉ số kỹ thuật”.

Trong câu chuyện bác cho biết, từ tuần trước các chuyên gia tài chính nhận xét thị trường tăng quá nóng song mức lãi quá lớn khiến nhiều nhà đầu tư “say” không biết điểm dừng.

Để thị trường tự điều chỉnh

Mức cản 800 điểm của VN-Index bị phá vỡ sớm khiến Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM buộc phải có liệu pháp.

“Chỉ số P/E bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là 38,18 lần. So sánh với mức trung bình của các thị trường khác, P/E chỉ dao động từ 10 đến 17 lần. Một diễn biến thị trường như trong tháng 4 hồi đầu năm (giá cổ phiếu sụt giảm mạnh - PV) có thể lặp lại” - Giám đốc TTGDCK TPHCM Trần Đắc Sinh cảnh báo.

Giới chuyên môn nhận định đây chính là một nước cờ nhằm góp phần điều chỉnh thị trường theo hướng bền vững hơn.

Tuyên bố để thị trường tự điều chỉnh song Phó Chủ tịch Ủy ban CKNN Nguyễn Đoan Hùng cũng cho rằng giá cổ phiếu đã tăng quá nóng.

Quả thực mức tăng trưởng giá trị cổ phiếu niêm yết của năm 2006 tính đến thời điểm 20/12 vượt 150% trong khi cả năm 2005 chỉ được khoảng 40%, có những cổ phiếu nóng như SJS tăng giá đến 450% chỉ trong 5 tháng tham gia thị trường.

Một nhà đầu tư Mỹ tại sàn ACB cho rằng khi chơi chứng khoán nhà đầu tư đặt quá nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng giá cổ phiếu mà xem nhẹ tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thì sớm hay muộn cũng xảy ra hiện tượng bong bóng và  chịu rủi ro cao.

Ông nhắc lại giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm thê thảm vào những năm 2001-2002, khi đó tất cả các nhà đầu tư đều thua lỗ khi giá cổ phiếu chỉ còn 20%.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Đoan Hùng nhận định thị trường chứng khoán điều chỉnh nhưng khó có thể lặp lại lịch sử năm 2001. “Hiện thị trường có hàng trăm tổ chức đầu tư trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, khả năng hấp thụ hàng hóa còn rất lớn. Nhà đầu tư trong nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn, khác xa so với 6 năm trước” - ông nói.

5 sai lầm của những người chơi chứng khoán

Khi tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) trở nên “hàng hiếm”, thị trường dường như biến thành casino vì mọi người cho rằng nó là cỗ máy kiếm tiền, xay ra tiền, nhào ra tiền, và đâu cũng là tiền...

Trong không khí nóng bỏng của TTCK Việt Nam, tôi xin mạn phép trình bày một số sai lầm của các nhà đầu tư chứng khoán.

1. Nghe hơi nồi chõ. Thông tin rất quan trọng trên thị trường, nhưng phần đông vì thiếu hiểu biết, các nhà đầu tư có xu hướng nghe ngóng.

Tin thì đủ loại, trên trời, dưới biển, vận hành, tài chính, tổ chức... Có điều chẳng mấy ai có khả năng kiểm định. Vì vậy, cái sự nghe trở nên láng máng, truyền tai nhau hết sức nguy hiểm.

Thông thường, họ tìm một số nhân vật có khả năng “hót hay như khướu” hoặc tìm một vài cán bộ môi giới - tư vấn của chính các công ty chứng khoán. Điều này có mấy điểm hại sau:

* Không khách quan vì bản chất là xung đột lợi ích.
* Không đảm bảo chính xác vì có khi người nói cũng không biết mình đang nói gì.
* Không có bộ lọc vì thế không thể biết cái vừa nhận được là vàng hay thực tế là rác.
* Luôn luôn muộn, vì khi nghe được thì cũng rất nhiều người khác đã nghe được.

2. Không có kỳ vọng đầu tư riêng. Nói giản dị là không biết mình muốn gì, ngoài một nguyện vọng ngất trời cao là Lợi nhuận.

Các nhà đầu tư nước ngoài chẳng hạn, họ biết rất chính xác điều họ muốn, nên các chính sách của họ tương đối nhất quán, ổn định. Họ không nhảy ra nhảy vào thị trường liên hồi, gây ra các chi phí giao dịch lớn trong khi hiệu quả chưa đo đếm được.

Việc không đặt kỳ vọng đầu tư cho mình cũng có nghĩa là để ước muốn trôi theo diễn biến thị trường. Ví dụ, lãi 20% trong vòng 3 tháng đã là tốt, nhưng vì ước muốn 40% trong vòng 4 tháng nên kết cục có khi chỉ là không bán được cả “hàng” và chết tắc với số tiền đầu tư.

3. Tâm lý đám đông. Hiệu ứng này đặc biệt mạnh khi giá thị trường tăng trong một khoảng thời gian liên tiếp khá dài. Hệ quả trực tiếp là người đầu tư bị sự phấn khích của đám đông cuốn theo và sẵn sàng từ bỏ cả kỳ vọng cá nhân, để theo đuổi mức kỳ vọng của đám đông trên thị trường một cách mù quáng.

Hệ quả thứ hai, cũng trực tiếp, là tính thanh khoản giảm dần. Mà tính thanh khoản chính là giá trị lớn nhất, duy nhất của TTCK (chứ không phải theo quan niệm sai lầm chung là tính năng huy động vốn).

Khi tính thanh khoản trở nên “hàng hiếm” thị trường biến thành casino vì mọi người cho rằng nó là cỗ máy kiếm tiền, xay ra tiền, nhào ra tiền, và đâu cũng là tiền...

Chúng ta bằng sự nhìn nhận bình thường sẽ hiểu rằng điều này quá sai lầm và hoàn toàn tự huyễn hoặc.

4. Quan tâm tới lợi nhuận nhưng không quan tâm tới bổ sung kiến thức. Phần lớn nhà đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận, và thuộc một bài vỡ lòng rằng đào bới được thông tin mật “rò rỉ” đâu đó chính là cách làm giàu kiến thức. Điều này sai.

Kiến thức khác thông tin. Kiến thức là một bộ lọc thông tin có phương hướng, có chủ đích và có phương pháp. Tôi dám cam đoan rằng việc chỉ chăm chắm đào bới các thông tin vốn nhiều như rác không làm các nhà đầu tư khôn ngoan hơn, có khi là tình tiết tăng nặng của các vấn đề tồn tại ở trên.

Chính vì không bổ sung kiến thức, nên thị trường hỗn loạn trong các dòng chảy thông tin. Mệt mỏi với thông tin càng khiến cho người ta dễ từ bỏ các kỳ vọng cá nhân, để hào hứng đi theo sự vẫy gọi của đám đông.

5. Tin rằng “mình khôn ngoan nhất”. Họ cho rằng chỉ có họ mới là khôn ngoan nhất, đó là biểu hiện của thiếu kiến thức. Chính vì thiếu kiến thức, nhà đầu tư cũng không mấy khi quan tâm thực sự tới các cách thức tính toán, quản trị và phân tán rủi ro của rổ tài sản.

Họ gọi điện mời một vài chuyên gia đi ăn, đi nhậu, café... vì họ nghĩ rằng chỉ cần hỏi khoảng 20 phút thì toàn bộ hệ thống kiến thức và phương pháp luận và cả những thất bại... của các chuyên gia nọ sẽ được chuyển giao một cách hoàn hảo sang các quyết định đầu tư “ăn tiền thiên hạ” của họ.

 Vương Quân Hoàng (Saga.vn)

Theo Việt Hà
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm