"Có nơi người dân phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nêu thực tế một số huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng trong khi đây là dịch vụ công không thể thiếu, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc thành lập mô hình tư nhân có một công chứng viên.

Chiều 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) với nội dung được quan tâm là việc tổ chức mô hình văn phòng công chứng tư nhân.

Sau quá trình thảo luận ở kỳ họp thứ 7 Quốc hội vừa qua, vẫn có hai loại ý kiến về quy định này.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh.

"Công chứng là dịch vụ công nên phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng nên trong trường hợp không bảo đảm được nội dung này sẽ ảnh hưởng đến người yêu cầu công chứng, sự phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề mà mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được", theo quan điểm của loại ý kiến thứ nhất.

Có nơi người dân phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (Ảnh: Hồng Phong).

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung vào dự thảo luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Theo quan điểm này, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Góp ý thêm về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu thực tế sau khi đi khảo sát, một số địa phương, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa, không thể thành lập được phòng công chứng.

"Như 2 huyện Sơn Động và Yên Thế ở Bắc Giang hiện "trắng" tổ chức hành nghề công chứng", ông Giang dẫn chứng và nhấn mạnh ủng hộ thành lập mô hình tư nhân một công chứng viên.

"Chúng ta băn khoăn việc 1 công chứng viên hành nghề có đảm bảo tính liên tục hay không? Việc này không phải vấn đề lớn nếu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Người sử dụng công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ", ông Giang nêu quan điểm.

Có nơi người dân phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh nêu bất cập khi có nơi, người dân phải di chuyển rất xa mới có văn phòng công chứng (Ảnh: Hồng Phong).

Cùng chung góc nhìn, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) chia sẻ ở địa phương có 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50km, xa nhất như huyện Kỳ Sơn phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng.

"Hiện một số huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng, nhưng cũng chưa thành lập được, trong khi đây là dịch vụ công không thể thiếu. Người dân vùng sâu, vùng xa đang gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ", ông Minh phản ánh.

Theo vị đại biểu, bỏ loại hình tư nhân không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động.

Có nơi người dân phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Ảnh: Hồng Phong).

Trong khi đó, công ty hợp danh không phải loại hình tối ưu của văn phòng công chứng, vì yếu tố hợp danh vẫn có thể phá vỡ khi công chứng viên chết, bãi nhiệm, không tiếp tục hành nghề.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng nêu quan điểm với vùng sâu, vùng xa nên có loại hình doanh nghiệp tư nhân, người đại diện pháp luật - chủ doanh nghiệp, đồng thời là công chứng viên, hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên thì chịu trách nhiệm. "Như vậy tốt hơn và rõ ràng hơn", ông Tạo góp ý.