1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có nên cho "biển nghỉ" để cứu những rạn san hô nghìn năm tuổi?

Trung Thi

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm thực chất rạn san hô ở Hòn Mun là vùng lõi của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã có biểu hiện suy thoái mạnh ngay từ sau cơn bão lớn năm 2017.

Tình trạng san hô "chết mòn" từng được cảnh báo

"Tháng vừa rồi, anh em đi lặn biển, thấy cảnh san hô ở Hòn Mun chết la liệt, trắng xóa, khung cảnh hoang tàn rất xót xa" - huấn luyện viên lặn biển K.T. chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Theo anh K.T., ngày trước, san hô ở Hòn Mun (thuộc Ban quản lý Vịnh Nha Trang - Khánh Hòa) đẹp ngỡ ngàng. Ngoài san hô, tại đây còn có những đàn cá đủ màu sắc và các sinh vật biển lạ, đẹp khiến nhiều du khách xao lòng thì nay chúng chỉ còn thưa thớt, có nơi mất hẳn.

Có nên cho biển nghỉ để cứu những rạn san hô nghìn năm tuổi? - 1

San hô ở Hòn Mun khi chưa bị chết trắng (Ảnh: K.T.).

Huấn luyện viên này cho rằng nguyên nhân san hô ở Hòn Mun chết hàng loạt đa phần là do con người. Anh K.T. đưa ra dẫn chứng cụ thể như: đơn vị quản lý khu bảo tồn Hòn Mun đã cho phép các tàu cá vào bủa lưới, sử dụng các phương thức tận diệt đánh bắt hải sản; du khách dẫm đạp làm tổn thương san hô và một số công trình lấn, lấp biển trên Vịnh Nha Trang thải ô nhiễm trong quá trình xây dựng ra môi trường biển.

"Các tàu thản nhiên quăng lưới đánh cá trước tàu của đơn vị quản lý khu bảo tồn Hòn Mun và hoạt động này diễn ra thường xuyên chứ không phải ngày một ngày hai, nên nếu nói không thấy, không xử lý mới là lạ" - anh K.T. nói.

Với thâm niên 23 năm hành nghề tại khu vực Hòn Mun, huấn luyện viên lặn quốc tế T.M. cũng xót xa nói: "Hiện trạng san hô Hòn Mun chết khoảng hơn 80%, chỉ còn lác đác chứ không nhiều như ngày xưa. Những đàn cá biển đẹp quý hiếm đã thực sự biến mất".

Có nên cho biển nghỉ để cứu những rạn san hô nghìn năm tuổi? - 2

San hô Hòn Mun mất đi hoàn toàn sự sống (Ảnh: K.T.).

Anh T.M. cũng cho rằng san hô chết như vậy phần lớn là con người, không thể đổ thừa cho thiên nhiên vì nếu chết do thiên nhiên thì sẽ còn lại gốc hoặc xương, còn ở khu vực Hòn Mun, san hô ngã rạp.

"San hô chết một phần do biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu thì nơi nào cũng bị, nhưng rất lạ là chỉ có khu vực Hòn Mun, san hô gần như bị "xóa sổ" nên không thể đổ lỗi cho thiên nhiên" - anh T.M. nêu quan điểm.

Anh M. cho hay hiện trạng tại khu vực đáy Hòn Mun còn rất nhiều lưới đánh cá và rác. "Vấn đề này là do sự yếu kém của đơn vị quản lý khu bảo tồn thôi. Họ có tuần tra nhưng không làm đúng chức năng của mình" - huấn luyện viên lặn biển này nói.

Theo anh T.M., cách đây 5 năm, anh đã có một bài viết trên mạng xã hội để cảnh báo về vấn đề rạn san hô Hòn Mun bị đe dọa bởi các tác động của con người, tuy nhiên khu bảo tồn không có động thái gì còn bắt anh gỡ bài.

"Mình không biết họ bảo tồn vì cái gì? Vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích của quốc gia? Nếu như họ vì lợi ích quốc gia thì họ đã nhìn cái rạn san hô và đánh giá ngay thời điểm đó? Còn vì lợi ích khác thì họ sẽ bỏ qua những điều mình đã cảnh báo" - huấn luyện T.M. bức xúc nói.

Theo lời M.T. không chỉ riêng cá nhân anh lên tiếng mà đa số các huấn luyện viên lặn biển tại Việt Nam đều cảnh báo nhưng đơn vị quản lý khu bảo tồn đều "phớt lờ" và đến bây giờ rạn san hô đã không còn nữa.

Có nên cho biển nghỉ để cứu những rạn san hô nghìn năm tuổi? - 3

Lưới, rác còn sót lại dưới đáy khu bảo tồn Hòn Mun (Ảnh: K.T.).

Thông tin về rạn san hô Hòn Mun chết trắng, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang nêu nguyên nhân san hô chết là do bão và biến đổi khí hậu.

Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang bác bỏ nhận định Khu Bảo tồn biển Hòn Mun có hành vi "bán bãi", "đánh bắt tuyệt diệt" dẫn đến tình trạng hệ sinh thái san hô bị "chết dần, chết mòn".

Ông Thái cũng đưa ra dẫn chứng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, ban quản lý đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép, trong đó có lập 4 biên bản gửi đến UBND phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang) theo dõi, nhắc nhở, giáo dục đối với người vi phạm.

Cần đóng cửa biển khu vực Hòn Mun để "biển nghỉ"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển của Việt Nam cho rằng san hô ở Hòn Mun bị chết trắng một phần là do con người, phần còn lại là do thiên nhiên.

"Có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến san hô Hòn Mun chết hàng loạt. Một là thiên tai và biến đổi khí hậu như: dập nát do sóng bão, bị chết trắng do nền nhiệt nước biển gia tăng, axit hóa nước biển, ngọt hóa do mưa to... Hai là do hoạt động của con người làm cường hóa các tác động và đẩy nhanh quá trình suy thoái, như ô nhiễm biển, đục hóa, ngọt hóa vào mùa mưa lũ, đánh bắt thủy sản hủy diệt, du lịch thiếu kiểm soát, nạo vét và đổ thải" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đưa ra nhận định.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm thực chất rạn san hô ở Hòn Mun là vùng lõi của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã có biểu hiện suy thoái mạnh ngay từ sau cơn bão lớn năm 2017, nay dư luận mới chú ý và các nguyên nhân cụ thể ở từng khu vực biển sẽ khác nhau, nên cần phải có điều tra, đánh giá.

Có nên cho biển nghỉ để cứu những rạn san hô nghìn năm tuổi? - 4

San hô ngã rạp, các đoàn cá đẹp quý hiếm cũng dần biến mất ở Hòn Mun (Ảnh: K.T.).

"Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá sẽ cân nhắc các biện pháp bảo vệ, phục hồi căn cơ để vừa giải quyết tình thế trước mắt vừa khắc phục trong dài hạn. Trước mắt nên đóng cửa biển khu vực Hòn Mun cho "biển nghỉ" một số năm để rạn san hô tự hồi phục, tăng cường tuần tra, kiểm soát…" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đưa ra ý kiến để phục hồi san hô Hòn Mun.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng cho rằng trước mắt, cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó, phải mời nhà khoa học, lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững.

"Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn" - ông PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.