1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Sân bay dã chiến LiBi hiện nằm toàn bộ trong lòng hồ Kẻ Gỗ. Khi nước rút, nơi đây chằng chịt những hố bom trên diện tích hàng chục hecta, là chứng tích của cuộc chiến ác liệt trong lịch sử...

Để viết về sân bay dã chiến LiBi (nằm trên tuyến đường 22) và những trận đánh ác liệt một thời tại trận địa này, chúng tôi đã phải chọn đúng giữa tháng 8 dương lịch - ấy là khi nước trong hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) được xả để phục vụ cho việc tưới tiêu. Lúc này, toàn bộ sân bay LiBi với chi chít những hố bom hiện ra trong lòng hồ.

Sân bay chưa chuyến bay nào kịp cất cánh...

Đầu năm 1965, các tuyến đường ngày đêm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt với mưu đồ cắt đứt quốc lộ 1A tại Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và vùng Địa Lợi - Chu Lễ trên đường 15A. Trước tình hình đó, Bộ GTVT chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1966, Bộ GTVT quyết định mở đường 22. 

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 1

Những chuyến xe tải trên các tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu).

Theo những thông tin, tài liệu do ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh - cung cấp, đường 22 có dài 65km, từ Ngã ba Thình Thình nay thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã  thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay có khoảng 25km đường 22 đang nằm dưới đáy hồ Kẻ Gỗ.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 2

Ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh - cung cấp nhiều thông tin về con đường 22 huyền thoại.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 3

Những dòng tài liệu ngắn ngủi chính thức về con đường 22 trong cuốn Lịch sử giao thông vận tải Hà Tĩnh.

Lực lượng tham gia mở đường 22 gồm 4 đội TNXP với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970, đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 4

Gần 45 năm nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (từ năm 1976), nhưng khi nước rút, hình ảnh những đoạn dài của con đường 22 vẫn hiện ra rõ rệt.

Trong quá trình mở đường 22 (năm 1966-1972) nhận thấy hàng chục hecta đất bằng phẳng nằm dưới chân núi, lực lượng quốc phòng thời đó chọn điểm này làm sân bay dã chiến.

Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân xí nghiệp gạch Cẩm Thành do ông Đinh Trương Đôn - Giám đốc xí nghiệp vôi Đò Điệm làm C trưởng (Đại đội trưởng) - được điều động vào công trường 723 ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để xây dựng sân bay dã chiến LiBi.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 5

Một vùng đất rộng hạ lưu khe LiBi - nơi tuyến đường 22 đi qua đã được chọn làm sân bay dã chiến.

“Sở dĩ chúng ta chọn nơi đây để xây dựng sân bay LiBi là vì trước đây Pháp cũng đã có ý định chọn địa điểm này để xây dựng sân bay. Sân bay dã chiến LiBi gắn với tuyến đường đường 22 đã đi qua và cũng là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam; địa hình hai bên là núi, nhưng đây lại là khoảng trống bằng phẳng thuận lợi cho xây dựng sân bay” - ông Tinh nói.

Về tên gọi sân bay LiBi, theo ông Tinh, đây là khu vực hạ lưu của khe LiBi chảy từ núi ra, nên khi làm sân bay người ta đặt tên theo tên của con khe.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 6

Đường băng của sân bay giao cắt với đường 22.

Đến khoảng cuối năm 1972, đầu năm 1973 sân bay cơ bản hoàn thành, nhưng bị đế quốc Mỹ phát hiện. Địch dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt, vì vậy chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh tại sân bay này. 

“Về tư liệu sân bay LiBi, chỉ có những dòng ngắn ngủi trong cuốn lịch sử ngành giao thông Hà Tĩnh, còn lại chỉ nghe kể các trận đánh qua các nhân chứng. Tuy nhiên ngày tháng, số người hy sinh vẫn chưa thống nhất được bao nhiêu” - ông Tinh nói.

... nhưng đã hứng rất nhiều bom đạn

Gần 10 năm, từ khi bắt đầu mở đường 22, làm sân bay LiBi đến khi kết thúc chiến tranh (1966-1975), trên tuyến đường dài hơn 65 km đã có rất nhiều bộ đội, TNXP hy sinh. Có những lần chỉ trong một trận bom đã khiến hàng chục, hàng trăm người cùng hy sinh và bị thương.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 7

Dấu tích hàng trăm, hàng ngàn hố bom vẫn còn nguyên vẹn trên sân bay LiBi.

Theo lời kể của ông Phan Khắc Quỳnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (thời kỳ 1965 - 1975), những trận ném bom ác liệt đã làm cho hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh nơi đây. Trong đó trận ném bom vào ngày 2/9/1968 trên tuyến đường 22 khiến gần 60 TNXP và bộ đội hy sinh, hàng chục người bị thương; trận ném bom vào rạng sáng ngày 7/1/1973 tại sân bay LiBi khiến 135 người hy sinh, hàng chục người bị thương.

Những thông tin mà ông Quỳnh cung cấp trùng với một đoạn trong hồi ký của ông Mai Văn Khải - nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Nam về trận đánh 2/9/1968: “Mới 9 giờ sáng, một đàn máy bay Avazi lượn quanh khu vực Đá Bạc, hình như chúng phát hiện có Tiểu đoàn Tên lửa của ta gồm nhiều khẩu đội pháo mới hành quân về bảo vệ đường, các cầu, cống và TNXP khu vực Đá Bạc, nhưng chưa kịp triển khai công sự. Chúng phát hiện và quần đảo đánh phá ác liệt, nhiều khẩu pháo bị phá hủy, nhiều pháo thủ hy sinh, đơn vị TNXP C362, C358, C353 cùng nhân dân xã Cẩm Mỹ không quản nguy hiểm hy sinh, vượt qua bom đạn cứu chữa thương binh, vận chuyển các liệt sỹ, hôm đó có gần 60 người cả TNXP và bộ đội hy sinh, thi thể các anh chị em được đưa về nhà kho HTX Cẩm Mỹ, C358 và C353 TNXP vận chuyển liệt sỹ ra Cẩm Mỹ và thương binh ra bệnh viện tỉnh ở Thạch Hà kéo dài suốt đêm 2/9 sang đến trưa ngày 3/9 vẫn chưa xong…”.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 8

Chi chít hố bom dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.

Nguyễn Thị Đàn - nguyên là TNXP thuộc Công ty Đường bộ 4 của Bộ GTVT (trú xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không thể nào quên trận mưa bom của quân Mỹ vào rạng sáng ngày 7/1/1973. Chính ngày hôm đó bà bị B52 của Mỹ cướp đi một cánh tay.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 9

Bà Nguyễn Thị Đàn - người may mắn sống sót trong trận mưa bom tại sân bay LiBi.

Bà nhớ lại: “Thời gian đó tôi được điều động vào làm tại sân bay LiBi, ban ngày thì gánh cây mua cây sim xuống ngụy trang sân bay, ban đêm thì mang đi cất để các đơn vị thi công lu lèn.

Khoảng 3h sáng 7/1/1973 khi đang nghỉ tại lán sau buổi làm việc, nghe tiếng bom nổ và tiếng hô hoán, tôi vừa kịp vén màn bước xuống thì bỗng nghe buốt trong người. Nhìn xuống thì một cánh tay đã bị bom cắt lìa. Không kịp kêu lên một tiếng, tôi vội trườn xuống hầm bởi loạt B52 đã xé tan căn lán mà tôi và đồng đội đang trú.

Ngất đi vì đau đớn và tiếng bom B52 nổ bên tai, sáng ngày hôm sau tôi mới tỉnh dậy sau khi được sơ cứu. Trận đó, đồng đội hy sinh nhiều quá. Người xếp nằm thành hàng dễ có đến cả trăm, đó là chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác”.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 10

Theo nhiều người dân địa phương kể lại, trận đánh vào sân bay LiBi vào rạng sáng ngày 7/1/1973 là trận rải bom cuối cùng của quân Mỹ ở trận địa này. Và đó có lẽ là một trong những cuộc tập kích cuối cùng trên đất Việt Nam, bởi vì chỉ hai mươi ngày sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết và từ thời điểm đó, “chiến trường” thực sự chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam.

Những oanh liệt, tàn khốc cũng như sự anh dũng hy sinh của lớp lớp TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến… là vậy. Nhưng đến tận bây giờ, tất cả tư liệu chính thức về con đường 22 và sân bay LiBi rất ngắn ngủi. Những trận đánh thảm khốc, những hy sinh của bao thế hệ ít nhiều gây tranh cãi bởi phần nhiều chỉ ở nhân chứng sống.

Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 11
Có một sân bay LiBi đang nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - 12

Hàng chục năm qua, nước ngập cỏ phủ không thể xóa đi những vết thương mà bom Mỹ đã trút xuống vùng đất này.

Từng mất rất nhiều thời gian để đi tìm tư liệu chính thức về sân bay "bí ẩn" này nhưng đến bây giờ ông Đào Văn Tinh vẫn còn rất nhiều băn khoăn vì không có sử sách nào ghi lại ngoài những dòng ngắn ngủi trong cuốn sách Truyền thống giao thông vận tải Hà Tĩnh.

Nhưng ông Tinh vẫn khẳng định chắc nịch: “Con đường, sân bay, trận đánh, hàng trăm người hy sinh là có”…

(Còn nữa)