“Cò” lừa bệnh nhân ngay cổng Bệnh viện ĐH Y khoa Huế
(Dân trí) - Thời gian gần đây, trước cổng viện Đại học Y Khoa Huế xuất hiện một nhóm những người hành nghề xe ôm nhưng thực chất là đường dây môi giới bệnh nhân cho các phòng khám tư không tên tuổi, lừa gạt người bệnh, gây bất bình trong dư luận.
Những “con cò” tốt bụng
Đối tượng mà các “cò” nhắm tới là những người đi xe biển ngoại tỉnh, đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh lân cận TPHCM,… Chỉ cần những bệnh nhân này rà xe tới cổng viện là được hàng chục “cò” “chăm sóc” ngay với những câu chào mời rất khéo như: “Các bác vào khám muộn thế này, chắc ngày mai mới khám được. Ở lại qua đêm tốn kém lắm. Về bác sĩ tư mà khám cho nhanh”.
Chỉ cần bệnh nhân có thái độ lưỡng lự là “cò” sẽ tận tình làm người xe ôm tốt bụng, đưa đến hoặc chỉ đường tận nơi. Một phòng khám tư thường có vài ba “cò” làm vệ tinh, túc trực ở những vị trí khác nhau. Ngay khi bệnh nhân chuẩn bị đi đến phòng khám tư, “cò” sẽ gọi điện cho một “đồng nghiệp” khác đứng cách đó mấy trăm mét, người này sẽ bám sát và chỉ đường đến tận nơi, không để lọt “con mồi”.
Còn nếu bệnh nhân cảm thấy chưa tin tưởng, ngay lập tức một vở kịch ca ngợi tài đức của vị “giáo sư”, chủ phòng khám tư, sẽ được diễn rất “ngọt”, để tăng tính thuyết phục.
“Cò” thường đóng vai những người xe ôm tốt bụng, họ chỉ đưa bệnh nhân đến rồi chờ ở ngoài, bệnh nhân khám xong thì chỉ chỗ mua thuốc “rẻ nhất”, sau đó chỉ xin tiền chỉ đường, chứ chẳng lấy tiền xe.
Phòng khám của “giáo sư - tiến sĩ”
Hai điểm khám tư được nhiều “cò” giới thiệu nhất là phòng khám của một vị có danh là bác sĩ Phong, Trưởng khoa nội ĐH Y Khoa Huế, tại một ngôi nhà hai tầng ở đường Trường Chinh, TP Huế. Phòng khám còn lại của vị có danh là giáo sư Hoàng, trụ tại ngôi nhà ba tầng ở thôn Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang, TT- Huế.
Cả hai phòng khám này đều không có bất kỳ một tấm biển quảng cáo hay giới thiệu nào, nghĩa là bệnh nhân đến được đây chỉ nhờ vào sự “tốt bụng” của cánh xe ôm trước cổng viện Đại học Y Khoa Huế.
Trong vai những bệnh nhân lơ ngơ, chúng tôi được “cò” dẫn đến phòng khám của bác sĩ Phong. Sau khoảng 5 phút “trao đổi bệnh tật” với bác sĩ, tôi nhận được một đơn thuốc trị giá khoảng 200.000 đồng kèm 20.000 đồng tiền khám. Đó là chưa kể tiền “cảm ơn” người chỉ đường.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, người đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa nội của Bệnh viện Đại học Y Khoa Huế là phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hải Thủy, chứ không phải vị tên Phong nói trên. Còn phòng khám của “giáo sư” Hoàng thực chất là của bác sĩ N.X.T. (Bệnh viện Trung ương Huế). Rõ ràng, uy tín và tên tuổi của một số vị bác sĩ danh tiếng đang bị nhiều cá nhân lợi dụng để trục lợi bất chính. Ở đây, người phải chịu hậu quả trước tiên chính là bệnh nhân.
Công Bình