1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Có hay không đường dây mua bán biển số đẹp?

Một chiếc biển số ôtô “lộc phát, lộc phát” (6868), “mãi mãi lộc phát” (2268), hay “tứ phát” (8888)... có giá là bao nhiêu? Hai ngàn đô la, năm ngàn đô hay thậm chí là mười ngàn? Đằng sau những tấm biển và cách làm tưởng như khách quan đó, người ta vẫn có thể diễn trò “ảo thuật”!

“Nén nhầm” biển số 30H - 1666

 

Tháng 6/2006, sự kiện làm hoan hỷ nhiều người dân Hà Nội là họ sẽ tự bốc biển số khi đi đăng ký xe máy, ôtô. Phòng CSGT phối hợp với PV17 (Phòng Viễn thông-tin học, Công an TP Hà Nội) triển khai công tác đăng ký phương tiện giao thông qua máy tính. Hy vọng về việc may mắn bốc được số đẹp đã nhen nhóm với nhiều người dân.

 

Theo thuyết minh của CSGT thì việc làm này khách quan, giản tiện, tránh can thiệp trực tiếp của cán bộ vào quá trình cấp biển số. Hơn thế, nó còn xoá được dị nghị của dư luận về việc “đấu thầu biển số đẹp”.

 

Thế nhưng, vào ngày 10/11/2006, một sự việc hy hữu xảy ra tại cơ sở đăng ký phương tiện giao thông trụ sở tại số 1234 đường Láng. Như thường lệ, một cán bộ đăng ký xe tiếp nhận  bộ hồ sơ đăng ký xe ôtô (chủ xe là ông Nguyễn V.K., trú tại ngõ 179 Đội Cấn).

 

Cán bộ này đã tá hoả khi  vào máy tính và thấy số liệu xe ôtô của ông Nguyễn V.K. đã lù lù hiện ra trước mắt. Máy tính cũng hiển thị các số liệu như số khung, số máy, BKS,... đã được nhập vào máy tính từ ngày 9/11.

 

Chiếc xe mà ông K. mang đến đăng ký đã được ấn định BKS: 30H - 1666, một biển số mà nhiều người nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến. Việc ông K. đến đăng ký xe chỉ là mang tính thủ tục.

 

Hóa ra là trò “ảo thuật”!

 

Ngay khi sự việc  xảy ra, đội đăng ký xe ở số 1234 Đường Láng đã báo cáo giải trình lên Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội). Một tuần sau, hai phòng chức năng là PC26 và PV17 đã có cuộc họp khẩn ở cấp chỉ huy phòng về vụ việc này. Trách nhiệm sau đó được quy cho phòng PV17 vì người quản lý mã máy là PV17 còn CSGT không thể điều chỉnh được.

 

Sự việc dần được làm sáng tỏ khi PV17 thẩm vấn ông Hợp - một cán bộ của phòng được giao nhiệm vụ quản lý mã máy. Cũng không mấy khó khăn, ông Hợp thừa nhận chính ông đã can thiệp vào vụ này. Nhưng vấn đề là ai chỉ đạo hoặc nhờ can thiệp khi mà ông Hợp chẳng liên quan đến công tác đăng ký xe tại Phòng CSGT?

 

Sự việc tiếp tục sáng tỏ khi ông Hợp khai nhận: Ông can thiệp vào chiếc máy cấp biển số là do làm hộ ông Hiền. Ông Hiền là cán bộ lái xe của đội Chính trị, hậu cần - Phòng CSGT. Việc này ông Hiền trực tiếp gặp ông Hợp để nhờ “xử lý” BKS cho ông K. Ngày 24/11/2006, Liên phòng PC26 và PV17 đồng ký công văn 1499 gửi đồng chí Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong đó nêu: “Phòng PV17 và PC26 đang phối hợp làm rõ các trường hợp nêu trên để đề xuất biện pháp xử lý đối với đồng chí Hợp (PV17). Theo báo cáo của đồng chí Hợp, Phòng đang yêu cầu đồng chí Hiền báo cáo làm rõ, nếu đúng thì sẽ kiểm điểm, xử lý và PV17 không bố trí đồng chí Hợp làm công tác này”.

 

Tại công văn, lãnh đạo hai phòng cũng cam kết sẽ bàn các biện pháp để chủ động ngăn ngừa việc cán bộ phụ trách chương trình cấp biển số trên máy can thiệp vào máy tính để giải quyết việc tương tự.

 

Rõ ràng đây là việc “cháy nhà mới ra mặt chuột”! Song, câu hỏi đặt ra là đằng sau ông Hợp, ông Hiền là ai? Đây có phải là dấu hiệu hé lộ một đường dây mua biển số xe đẹp? Sự việc bị vỡ lở có phải là “sự cố kỹ thuật” hay là “đi đêm” lắm không may gặp “ma”.

 

Qua sự việc này, đa phần người dân Hà Nội có thể hơi buồn vì mới đây thôi họ tin rằng lấy biển số xe là do may rủi! Còn nay thì khác. Hàng trăm chiếc ôtô sang trọng, xe máy đắt tiền được gắn những chiếc biển số độc đáo đã có lời giải thích là: “Không phải do may rủi”.

 

Theo Thảo Ngân

Tiền Phong