1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cô giáo trẻ thuần hóa kỳ nhông

(Dân trí) - Cách đây 4 năm, vừa ra trường, cô cử nhân khoa Sinh, ĐH SP Huế Nguyễn Thị Thu Hường đã tình nguyện lên huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc. Cũng từ nơi đây, Hường đã sáng tạo ra mô hình chăn nuôi kỳ nhông với hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con xoá đói giảm nghèo.

Không ngại gian khó

 

Sinh ra và lớn lên ở thị xã Quảng Trị trong một gia đình công chức nghèo, tốt nghiệp đại học, Hường được gia đình hướng về thị xã xin việc; nhưng cô gái trẻ lại chọn lên huyện miền núi Nam Đông dạy chữ cho con em người dân tộc. “Việc mình quyết định lên đây đã gây nhiều bất ngờ cho người thân và bạn bè, họ nghĩ với sức khỏe ốm yếu, mình sẽ không chống chọi nổi với khí hậu ở chốn thâm sơn cùng cốc này”, Hường kể.

 

Quả thật, thời gian đầu ở đây, Hường gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe. Nhưng những trận sốt rét kinh người và điều kiện sinh hoạt khó khăn cũng không khiến cô gái trẻ chùn bước. “Điều làm mình vui và quyết tâm vượt lên sự khắc nghiệt là sự quan tâm giúp đỡ của những bạn bè mới quen, của đồng bào dân tộc và đặc biệt là của các em học sinh nơi đây” - Hường tâm sự.

 

Trở thành một cô giáo trẻ dạy cấp 2, hàng ngày được gần gũi với các em học sinh nghèo, Hường  mới cảm nhận hết sự vất vả, gian nan của cuộc sống nơi đây cũng như hiểu được sự ấm áp và mộc mạc của tình người. “Khó khăn thì nhiều nhưng so với cuộc sống của bà con thì mình chưa thấm tháp gì. Dù vất vả nhưng điều khiến mình hạnh phúc là bọn trẻ ở đây ham học và học giỏi. Đó  là động lực để mình quên đi mệt nhọc mà dạy chữ”.

 

Ý tưởng thuần hoá kỳ nhông chợt đến trong một lần Hường chứng kiến bà con vào rừng bắt kỳ nhông ra chợ bán. “Nhiều gia đình có của ăn của để nhờ việc bán loài động vật này. Giá một con có thể lên tới hàng trăm nghìn đồng. Mình thấy việc bắt bán kỳ nhông đưa lại thu nhập cao nhưng một ngày không xa loài động vật này sẽ tuyệt chủng” - Hường kể.

 

Và Hường tiến hành ngay việc thuần hóa kỳ nhông. “Được tin mình sẽ nghiên cứu và nuôi thử nghiệm kỳ nhông, nhiều người cười vì cho đó là việc làm gàn dở. Từ xưa đến nay, chưa ai nghĩ đến việc nuôi loài động vật này vì công việc thuần hóa kỳ nhông cực khó”.

 

Nhưng bằng kiến thức đã học trong trường cùng quyết tâm của một người trẻ đầy nhiệt huyết, Hường tin mình sẽ thành công. Để có kỳ nhông nuôi thử nghiệm, Hường đã phải lặn lội tận rừng sâu. Việc bắt kỳ nhông chỉ có thể thực hiện vào ban đêm, vì khi đó chúng mới ra suối ngủ. Trong đêm đen, Hường đi bộ hàng chục cây số đường rừng để bắt kỳ nhông. “Do bà con bắt nhiều nên kỳ nhông ngày càng hiếm. Nhiều lần mình đi thâu đêm mà không bắt được con nào”.

 

Vì cuộc sống của đồng bào nghèo

 

Nhìn cô gái với thân hình mảnh mai này, khó ai tin được cô đã từng một mình băng rừng trong đêm đen để tìm bắt kỳ nhông. Ngay việc tìm kiếm tài liệu về kỳ nhông cũng không kém phần vất vả. Một phần vì những tài liệu này hiếm, phần khác vì Nam Đông là vùng núi cách trở, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nên thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên không đủ để Hường mua tài liệu nghiên cứu.

 

Nhưng bằng nghị lực và tấm lòng vì đồng bào nghèo, Hường đã vượt qua khó khăn và bước đầu chạm tới thành công. Từ 15 con lúc ban đầu, dần dần, số  kỳ nhông Hường nuôi đã nhiều lần sinh nở, bình quân mỗi con một lần sinh được 9-15 con kỳ nhông nhỏ.

 

“Bước đầu thực hiện thành công mô hình nuôi kỳ nhông mình vui lắm. Thế là đồng bào đã có một mô hình chăn nuôi mới đưa lại thu nhập cao và ổn định hơn” - Hường vui vẻ nói.

 

Hường cho biết, đến thời điểm này đã có rất nhiều người dân đến học tập mô hình chăn nuôi này và cô đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. Cô bảo, “thời gian tới, mình sẽ truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức nuôi kỳ nhông cho các hộ gia đình, làm sao để mở rộng nhanh chóng mô hình”.

 

Hiện Hường đang theo học lớp Cao học môn chuyên ngành của cô. Và mô hình nuôi kỳ nhông là một phần trong luận án của Hường. Cô gái trẻ này cũng khoe sắp hoàn thành một tài liệu về kỹ thuật nuôi kỳ nhông, sẽ phát miễn phí cho bà con dân tộc, giúp bà con cải thiện đời sống.

 

Trần Nghệ