Nghệ An:
Cô gái mù “vá cuộc đời” chàng trai bại liệt
(Dân trí) - Anh chị sinh ra bình thường như những người khác nhưng cuộc đời họ rẽ ngang sau khi bị tai nạn. Anh bị liệt hai chân, chị bị mù một mắt. Hai con người khốn khổ đó đã tìm đến nhau, nương tựa vào nhau và giúp nhau hồi sinh.
Căn nhà nhỏ bừa bộn gần chợ Mọ (xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An) ngổn ngang những đồ nghề của anh và những thiết bị điện người dân nhờ sửa. Nhìn quanh “mái ấm” của mình rồi nhìn vợ, anh Lê Đình Chính (SN 1972) cười: “Nhờ Huệ cả đấy. Hồi chưa có vợ, nói thật là chẳng mấy ai dám đến nhà anh mô. Anh bị liệt hai chân, nhiều khi vệ sinh xong cũng không dọn được. Người ta ngại đến chơi, lâu dần thành ra mình cũng chỉ biết thui thủi một mình. Từ ngày Huệ về đây, đời anh như được hồi sinh một lần nữa”.
Nghe chồng khen mình, con mắt còn lại của chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1972) chợt long lanh sáng. Đôi má người phụ nữ đỏ ửng vì xấu hổ. Như để chữa thẹn, chị quáng quàng giúp chồng sắp xếp lại đồ đạc anh vừa bày ra.
Anh Chính sinh ra vốn khỏe mạnh, bình thường. Dù gia cảnh khó khăn nhưng bố mẹ cũng cố gắng cho anh học hành đến nơi đến chốn, không làm ông này bà nọ cũng có thể thoát khỏi lũy tre làng. Anh nuôi mộng lớn, ngày đêm ôn luyện đèn sách để ra Hà Nội thi đại học. Nhưng trước khi đi Hà Nội đúng một ngày thì gặp nạn. Hôm đó là một ngày cuối tháng 6/1990, từ nhà bạn về, anh Chính phóng xe đạp qua chiếc cầu hẹp thường ngày vẫn đi. Chẳng hiểu thế nào, cả người lẫn xe phi thẳng xuống sông. Người ta vớt được anh lên khi nửa người dưới của anh đã tê dại, không còn biết đến cảm giác đau đớn nữa.
Chạy chữa mãi bố mẹ cũng giành được anh ra khỏi bàn tay tử thần nhưng đôi chân của anh vĩnh viễn bị liệt vì cú ngã khiến đốt xương sống thắt lưng bị tụt. “Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu dự định bỗng bị cắt ngang. Đến đi lại không được thì còn sống làm gì. Mặc cảm, đau đớn, tủi hổ, từ niềm hi vọng của cha mẹ, anh trở thành gánh nặng của họ, nhiều lần anh tính tìm đến cái chết để giải thoát chính mình, để bố mẹ đỡ khổ”, anh Chính nhớ lại.
Sợ anh nghĩ quẩn, những gì có thể gây thương tích cho anh, bố mẹ anh đều cất thật xa. Thì anh tuyệt thực! Bao nhiêu của nả trong nhà đội nón ra đi sau nửa năm giành giật sự sống cho Chính nhưng bố mẹ cố không để anh phải đói ăn, thiếu mặc. Nhìn những bát cơm mẹ bê đến tận giường anh thương đến trào nước mắt. Càng thương cha mẹ, anh càng nung nấu quyết tâm… chết để bố mẹ đỡ khổ.
Bà Phan Thị Vinh – mẹ anh Chính kể: “Hắn tuyệt thực để chết. Tui bưng bát cơm vào, năn nỉ răng hắn cũng không chịu ăn. Tui khóc, bảo con thương mẹ mà sống. Mẹ mang nặng đẻ đau, con không thành ông này bà nọ thì con cũng phải sống, sống để mẹ còn được nhìn thấy con. Con khỏe mạnh hay con tật nguyền cũng là khúc ruột của mẹ. Con thương mẹ mà sống đi con”.
Những lời gan ruột, những giọt nước mắt của mẹ kéo Chính trở lại với cuộc đời. Không những thế, Chính quyết tâm học nghề điện tử để có thể đỡ đần bố mẹ, và xa hơn, khi không còn ai chăm sóc anh cũng có thể tự nuôi sống bản thân mình. Sau 2 năm học nghề ở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, anh Chính trở về, dựng một túp lều con con để kiếm sống.
Nhìn người ta có vợ có chồng, có tiếng bi bô con trẻ, anh thèm lắm. Nhưng ai dám lấy một thằng què như mình? Bố mẹ già cả, anh không muốn các cụ phải khổ vì mình nên quyết tâm “ra riêng”. Một mình tự nấu nướng, dọn dẹp lấy nhưng chỉ được phần nào. Thi thoảng bà Vinh lại nhúc nhắc đi ra giúp con nhưng anh “đuổi” về. Anh sẽ lủi thủi sống như thế nếu không gặp lại chị - người bạn học ngày xưa.
“Đó là hôm cưới thằng bạn cùng lớp. Bình thường, mặc cảm nên tôi sẽ không đi nhưng mấy thằng bạn cứ đến, kéo đi cho bằng được. Nếu ngày đó mình “ngoan cố” thì chắc bây giờ vẫn đang sống lủi thủi một mình”, anh cười.
Hôm đó, chị Huệ cũng đến dự đám cưới bạn. Cuộc đời chị cũng bi đát như anh. Năm 12 tuổi, chị bị mù một bên mắt do bị teo thần kinh mà không biết để chạy chữa. Tự ti, mặc cảm nên mặc dù có nhiều người đeo đuổi nhưng chị chẳng dám gật đầu với ai. “Người ta lành lặn, khỏe mạnh thế, giờ thì thương đấy nhưng mai mốt có sống với nhau được không. Thôi thì nồi nào úp vung nấy, chắc tại mình chưa tìm được cái vung nào vừa”, chi Huệ nói.
Sau 19 năm mới gặp lại, anh thương mình, thương chị nhưng chẳng dám nói xa xôi gì, chỉ bảo “Hôm nào Huệ rảnh, qua ốt tôi chơi”. Đôi mắt khắc khoải của anh khiến chị nghĩ nhiều lắm. Chị đánh liều đến thăm anh. Càng thương hơn khi biết anh tự xoay xở lấy cuộc sống của mình. Chị xắn tay lên dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Tình yêu cứ thể nảy nở trong sự đồng cảm.
Biết chuyện anh chị định tiến xa hơn, gia đình chị phản đối quyết liệt. “Một người què, một người mù, có nuôi nổi nhau không?”. Chị đấu tranh để giữ tình yêu của mình. Mãi mọi người cũng phải xuôi theo. Ngày cưới, bước khỏi xe hoa, hai anh chị phải “cuốc bộ” hơn 300m mới vào được nhà. Anh đóng bộ ngồi trên xe lăn, chị đi bộ bên cạnh, rạng ngời hạnh phúc.
“Lấy tôi, cô ấy phải là người dũng cảm lắm. Vượt qua dư luận không dễ, đáng lẽ cô ấy có thể lấy người tốt hơn, có thể chăm sóc cô ấy nhiều hơn chứ không phải vất vả nhiều như lấy tôi”, anh Chính nói về người vợ của mình. Di chứng của việc không được vận động thường xuyên khiến mông anh bị lở loét, bốc mùi hôi thối. Chị kiên trì rửa ráy, chăm sóc cho chồng. Cứ như thế ròng rã một năm trời các vết thương của anh mới liền sẹo.
Nói về sự lựa chọn của mình, chị Huệ bẽn lẽn: “Có những cái không thể cắt nghĩa được. Chắc gì lấy người khỏe mạnh, lành lặn tôi sẽ hạnh phúc hơn khi lấy anh. Thỉnh thoảng, như những cặp vợ chồng khác, hai vợ chồng cũng xích mích, giận dỗi nhau nhưng hết giận lại thương. Giờ cuộc sống vẫn chưa hết khổ nhưng chị nghĩ hai vợ chồng đồng sức, đồng lòng rồi cũng vượt qua được”.
Hằng ngày, anh nhận quạt hỏng, mô tơ của người dân sửa kiếm dăm bảy nghìn. Chị miệt mài bên máy khâu, vá víu quần áo thuê cho người ta. Số tiền kiếm được chỉ đủ chi trả cho những chi tiêu tối thiểu trong nhà.
Di chứng của vụ tai nạn khiến anh gặp nhiều khó khăn trong chuyện riêng tư bởi vậy mong mỏi có một đứa con của hai vợ chồng vẫn chưa thành hiện thực. Có người bảo chị “hay đi “xin” đứa con về mà nuôi”. Chị thương anh, thương mình nên chẳng nỡ. Hay là nhận con nuôi? Chị nghĩ nhưng rồi lại thôi. Hai vợ chồng còn chật vật thế này, nếu nhận con về, liệu có chăm lo được cho con không?
Ngôi nhà nhỏ vẫn vắng tiếng cười con trẻ nhưng ngọn lửa tình yêu, sự thương cảm của hai phận đời không may mắn vẫn chưa bao giờ lụi tàn, dù cuộc sống vẫn đầy rẫy khó khăn phía trước.
Hoàng Lam