1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cô công nhân gầy yếu vẫn “đòi” làm thêm: Nên hay không tăng giờ làm?

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi kể chuyện đi thực tế tại Bình Dương, có cô công nhân trẻ gầy gò, xanh xao đúng lên đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, để đủ sống, đủ nuôi con. Mổ xẻ câu chuyện này, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh làm thêm là nhu cầu thực tế, ý kiến khác lại cho rằng đó là biểu hiện tiêu cực…

Cô công nhân gầy yếu vẫn “đòi” làm thêm: Nên hay không tăng giờ làm? - 1
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp toàn thể của UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Chiều 6/8, UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể, cho ý kiến vào dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. Điều hành nội dung này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Uỷ ban đã tổ chức tới 14 cuộc họp trên toàn quốc và thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để thu thập ý kiến, hoàn thiện dự án Luật này. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, qua nghiên cứu hàng trăm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế và người lao động, hiện nay còn 8 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có phạm vi điều chỉnh; khung thoả thuận thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thương; tổ chức đại diện cho người lao động; điều kiện và trình tự tiến hành đình công…

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu có nên được trao thêm cho cả Thanh tra Lao động (thay vì chỉ Toà án mới được quyền quyết định như hiện nay hay không) cũng là một vấn đề còn có sự khác biệt quan điểm lớn.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, dự thảo Luật vẫn còn tới 40 nội dung giao cho Chính phủ quy định.

Đề cập cụ thể đến nội dung mở rộng khung thoả thuận thời gian làm thêm, ông Lợi cho biết: “Khi đi thực tế Tại Bình Dương, tôi rất cảm động khi thấy có cô công nhân trẻ gầy gò, xanh xao mà vẫn đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không đủ nuôi con. Chúng tôi cũng khuyên các cháu phải suy nghĩ, nếu làm quá nhiều, sinh ốm đau thì lấy tiền đâu chữa bệnh”.

Từ nhu cầu thực tế, ông Lợi cho rằng có thể sửa luật hiện hành theo hướng cho phép mở rộng thêm 100 giờ làm thêm (từ mức tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/măm – PV) nhưng chỉ trong một số ngành nhất định. Đồng thời, tiền lương làm thêm cần được tính luỹ tiến.

“Hiện chúng tôi đưa ra hai phương án cho cách tính tiền lương luỹ tiến để xin ý kiến. Thứ nhất là tính ngay từ giờ đầu tiên, ngày đầu tiên làm thêm, thứ hai là tính từ giờ thứ 301 trở đi cho đến giờ thứ 400” – Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội thông tin.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các ý kiến vẫn chưa ngã ngũ. Đáng lưu ý là trong khi cơ bản tán thành các trường hợp đặc thù được kéo dài tuổi nghỉ hưu thì cũng có rất nhiều ý kiến đề nghị nêu rõ danh mục các loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, suy giảm khả năng lao động cần được nghỉ hưu sớm.

Đề cập đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật, một Phó Chủ nhiệm khác của UB Về các vấn đề xã hội, ông Đặng Thuần Phong bảo lưu quan điểm yêu cầu Bộ luật phải có những điều khoản để bảo vệ các đối tượng yếu thế - ngườilao động trong khu vực phi chính thức. Ông Phong lập luận, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở khu vực phi chính thức mà không xử lý được, rất thiệt thòi cho người lao động.

Cô công nhân gầy yếu vẫn “đòi” làm thêm: Nên hay không tăng giờ làm? - 2
Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khái quát 8 vấn đề còn ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Đồng tình với Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, ông Đặng Thuần Phong yêu cầu quy định tuổi nghỉ hưu gắn với đặc thù nghề nghiệp. “Như nghề thợ mỏ, khai thác than, 45 tuổi đã làm hết nổi rồi, chứ đừng nói 50 tuổi. Vận động viên thể thao, cô nuôi dạy trẻ… cũng là những nghề đặc thù” – ông Phong dẫn chứng.

Về cách tính lương luỹ tiến cho giờ làm thêm, ông Đặng Thuần Phong kiến nghị nên tính theo từng ngày làm chứ không cộng dồn, lũy tiến từ giờ thứ 300 trở đi. Phó Chủ nhiệm Phong khẳng định, phổ biến các nước hầu hết đều làm như vậy.

Đặc biệt, ông Đặng Thuần Phong bày tỏ quan ngại về những tiêu cực xảy ra trong một số đơn vị sự nghiệp công lập. Dẫn chứng vụ việc ở trường Đại học Tôn Đức Thắng như một điển hình, ông cho rằng, Bộ luật sửa đổi cần bổ sung những nội dung làm rõ quan hệ lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp công lập…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu giữ quan điểm khác hẳn: “Quy định về làm thêm giờ phải cân nhắc đồng thời với vấn đề năng suất lao động và nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng lao động. Tôi cho là chỉ nên cho phép khống chế thời gian làm thêm tối đa là 300 giờ. Cách tính lương làm thêm giờ như hiện nay là phù hợp điều kiện kinh tế xã hội rồi, không cần sửa đổi thêm”.

Đại biểu cũng đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu song cho rằng, ngoài tính chất nghề nghiệp, cần tính đến cả yếu tố địa bàn khó khăn khi quy định tuổi về hưu.

Lật lại dẫn chứng thực tế Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nêu, đại biểu Phùng Văn Hùng (ủy viên thường trực UB Kinh tế) bày tỏ quan điểm tương đồng với Phó Chủ chị Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu: “Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói đến chuyện cô công nhân gầy gò, xanh xao mà cũng đề nghị được làm thêm giờ. Nhưng nếu chúng ta đồng ý với cô ấy thì chúng ta sẽ làm tổn thương đến sự bền vững của lực lượng lao động, vắt kiệt sức lao động. Vấn đề ở đây là phải xem lại mức lương tối thiểu, sao để người ta đủ sống thì không ai muốn làm thêm cả. Doanh nghiệp phải cân đối lại sản xuất, lên kế hoạch chứ không thể tăng giờ làm thêm lên mãi. Cho tăng giờ làm thêm là bước lùi. Tôi không ủng hộ!”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm