Có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng TPHCM vẫn phải làm theo quy trình?
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Nghị quyết 98 là thí điểm cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cho thành phố. Nhưng trong hướng dẫn, các bộ, ngành vẫn nói địa phương làm theo quy trình.
Chiều 15/1, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị của Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98. Tính đến hiện tại, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã trải qua 165 ngày có hiệu lực.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước thời điểm Nghị quyết 98 được thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương còn gặp nhiều khó khăn để cụ thể hóa các nội dung.
"Nghị quyết 98 là thí điểm cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội nhưng trong hướng dẫn, bộ, ngành vẫn nói làm theo quy trình", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở, ngành tiếp tục kiên trì đeo bám bộ ngành, báo cáo, giải trình các vấn đề để có hướng dẫn cụ thể thực hiện các cơ chế, chính sách mới. Đồng thời, các đơn vị cũng cần đề xuất các giải pháp tổ chức lực lượng để triển khai hiệu quả các chính sách mới.
"Bản thân Nghị quyết 98 không tự nhiên thành tiền, thành bạc, thành vật chất mà phải qua quá trình tổ chức, thực hiện", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nhận định, Trung ương đã cho TPHCM một bản nghị quyết lớn chưa từng có. Tuy nhiên, điểm bất cập là TPHCM vẫn phải thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định.
"Giống như Trung ương chỉ cho TPHCM một nửa. Mà phần khó thì TPHCM phải tìm cách giải quyết", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
Trong khâu triển khai các nội dung của Nghị quyết 98, TS Trần Du Lịch góp ý, địa phương có thể vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý những vấn đề tồn đọng. Đây là điều các sở, ngành và các cơ quan cần nghiên cứu.
"Chúng ta cần mạnh dạn sử dụng Nghị quyết 98 để giải quyết các vấn đề, dự án còn tồn đọng. Nếu không gỡ được các tồn đọng, thành phố sẽ khó triển khai việc mới và chính sự tồn đọng này cũng khiến bộ máy quá tải", vị chuyên gia bày tỏ.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 góp ý, địa phương cần tiếp tục thực hiện các nội dung để hình thành khung pháp lý chung, minh bạch, rõ ràng. Ngoài ra, địa phương có thể lựa chọn một số dự án thực hiện theo chính sách đột phá của Nghị quyết 98 nhằm tạo sự lan tỏa và thực hiện ngay trong năm 2024.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, từ khi bản nghị quyết có hiệu lực, các cơ quan đã triển khai nhanh, bài bản với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Về mặt khó khăn, tồn tại, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM quán triệt, địa phương cần tiếp tục chủ động những việc thuộc thẩm quyền. Đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 98, thành phố cần tiếp tục tham mưu, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong tận dụng các chính sách đặc thù.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chia sẻ, khi chưa có Nghị quyết 98, bộ máy của thành phố đã có phần quá tải bởi các công việc. Hiện tại, thành phố cần vượt qua thử thách lớn hơn là thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, đây không phải lựa chọn mà là sứ mệnh, trách nhiệm của đầu tàu kinh tế TPHCM. Thành phố đã được Bộ Chính trị giao phó trọng trách này qua các bản Nghị quyết nên phải cố gắng làm bằng được.
"May mắn tới giờ này, chúng ta chưa có ai bỏ cuộc giữa chừng, chưa có giám đốc sở nào "bỏ chạy". Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn quyết tâm đeo bám, dù có nặng nề nhưng cũng tìm cách thực hiện", Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định.
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, TPHCM là trung tâm kinh tế, là đô thị đầu tàu của cả nước nên phải đối diện nhiều thử thách. Do đó, với bản Nghị quyết 98, thành phố cũng không thể làm mọi thứ tốt lên được ngay mà phải quyết liệt vượt qua khó khăn mới có được thành quả.