Gánh hàng rong sẽ ra sao khi chính sách thu phí vỉa hè ở TPHCM áp dụng?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, gánh hàng rong góp phần tạo nên nét đặc sắc của vỉa hè TPHCM. Trong việc thu phí, các cơ quan cần cân bằng giữa việc đưa hoạt động này vào quy củ và vấn đề mưu sinh của họ.
Nhắc tới TPHCM, người ta thường nhớ đến những công trình, dự án lớn, những di tích cổ kính hay bầu không khí sôi động bất kể ngày đêm của một đô thị trẻ. Nhưng, vẻ ngoài hào nhoáng đó mới thể hiện phần nổi những nét đặc trưng của đại đô thị nằm tại phía nam.
Len lỏi dưới chân những tòa cao ốc, vỉa hè là một trong những không gian sôi động nhất của TPHCM, thể hiện rõ những nét độc đáo của đời sống văn hóa đô thị với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Đây cũng là một trong những điều làm mê hoặc du khách trong và ngoài nước khi lựa chọn địa phương này làm điểm dừng chân, khám phá.
Tại tọa đàm Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả? do Báo Dân trí tổ chức, đại diện chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đã bàn luận về thực trạng kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè khi TPHCM chuẩn bị áp dụng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Họ cũng lo ngại về việc nền kinh tế vỉa hè, vốn là nét hấp dẫn của địa phương và mang lại sinh kế cho hàng triệu người sẽ không còn như trước.
Điểm đáng chú ý nhất, những người bám trụ vỉa hè mưu sinh, những gánh hàng rong có theo kịp chính sách mới, họ sẽ đi đâu, về đâu khi các hoạt động trên hè phố đi vào quy củ?
Sôi động nhưng lộn xộn
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, phân tích, khái niệm khoa học nền kinh tế vỉa hè là điều chỉ tồn tại ở các nước Châu Á, điển hình là Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Khác với các nước châu Âu, vỉa hè tại châu Á được sử dụng để làm kinh tế, phục vụ cuộc sống mưu sinh.
"Cách đây 15 năm, tôi từng làm đề tài nghiên cứu về văn minh đô thị. Tôi thống kê được khoảng 67 hoạt động diễn ra trên vỉa hè để phục vụ mưu sinh, từ sửa xe, bán hàng và nhiều hoạt động khác", chuyên gia làm rõ về sự sôi động của vỉa hè.
Ngoài vấn đề mưu sinh, những gánh hàng rong nếu song hành cùng các chính sách cũng có thể đóng góp cho ngân sách. Một quan điểm không đúng trước đây mà các nhà quản lý gặp phải là "làm sạch", "xóa bỏ" các gánh hàng rong.
"Khách du lịch châu Âu khi tới châu Á họ rất thích tìm hiểu những điều thú vị trên vỉa hè. Yếu tố bất ngờ, không đoán định là điều hấp dẫn du khách, khi họ không thể biết trước trên vỉa hè sẽ có gì và cứ đi tiếp sẽ bắt gặp điều gì", ông Nguyễn Minh Hòa nhìn nhận.
Tương tự với TPHCM, du khách thường thám hiểm khắp các không gian để tìm kiếm sự bất ngờ đó. Tuy nhiên, địa phương cần có phương án để hoạt động trên vỉa hè đi vào khuôn khổ, giữ gìn mỹ quan đô thị, trật tự giao thông.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa phân tích, TPHCM có số lượng người nhập cư đông, nhiều người bám trụ vỉa hè để mưu sinh. Buổi sáng, hàng nghìn người từ huyện Hóc Môn, Củ Chi, vùng ngoại thành di chuyển vào trung tâm thành phố để buôn bán, tạo ra sự sôi động cho các hoạt động trên vỉa hè.
"Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là sự lộn xộn mà chúng ta thấy từ trước đến nay. Việc TPHCM ban hành quy định thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường là một quyết định đúng đắn và cần ủng hộ. Về nguyên tắc, vỉa hè là công sản, không thể sử dụng miễn phí mà phải trả tiền khi khai thác", ông Hòa bày tỏ.
Nghiên cứu về bản đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM cho rằng, các nội dung mới tập trung chủ yếu vào những người có cửa hàng, thuê mặt tiền để kinh doanh. Những người bán hàng rong chưa được đề cập tới.
TS Dư Phước Tân, Chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, các loại hình kinh doanh trên vỉa hè thường có 3 hình thức. Họ có thể bán hàng cố định tại một địa điểm, bán hàng rong cố định theo địa điểm và hàng rong lưu động nhiều nơi.
"Quan điểm của tôi là cần các giải pháp để quy hoạch không gian hoạt động cho họ trước. Sau đó, thành phố mới nên tính tới việc thu phí và quản lý hiệu quả", TS Dư Phước Tân góp ý.
Theo vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, ngoài việc gây khó cho công tác quản lý, sự lộn xộn của các hoạt động trên vỉa hè còn gián tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Ví dụ dễ thấy nhất là các xe đẩy, gánh hàng lấn chiếm lòng đường lâu nay rất dễ va chạm với các phương tiện đang di chuyển, nhất là thời điểm tan tầm.
Thế khó của TPHCM
Dưới góc độ quản lý của chính quyền địa phương, ông Trần Hải Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết, với đặc điểm thuộc khu vực trung tâm TPHCM, quận có những tuyến phố kinh doanh rất sôi động. Những tuyến đường đã thành thương hiệu có thể kể đến như phố chuyên doanh bán nhạc cụ tại đường Nguyễn Thiện Thuật, phố thời trang Lê Văn Sỹ, phố cá cảnh đường Nguyễn Thông, phố bán giày dép Lý Chính Thắng, phố ẩm thực tại đường Nguyễn Thượng Hiền…
"Các hoạt động mua bán diễn ra ổn định trong thời gian dài đã tạo nên thương hiệu các tuyến phố chuyên doanh cho quận 3 nói riêng và TPHCM nói chung", đại diện chính quyền quận 3 chia sẻ.
Ông Trần Hải Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3.
Theo vị này, những hộ kinh doanh hàng rong hoặc hộ buôn bán lâu năm trên hè phố, ban ngành đoàn thể tại địa phương sẽ nắm rõ hoàn cảnh cụ thể từng hộ kinh doanh để giới thiệu họ vào các nơi buôn bán trong chợ hoặc phố ẩm thực.
Từ đó, hộ kinh doanh sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và được tập huấn về kỹ năng bán hàng, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo xuất xứ hàng hóa…
Không hoàn toàn đồng tình với luận điểm từ phía quận 3, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, việc nắm hoàn cảnh các hộ buôn bán và điều kiện cho họ chưa hẳn giải quyết được vấn đề hàng rong trên địa bàn. Người bán hàng rong thường tới từ các địa phương khác hoặc huyện ngoại thành, di chuyển nhiều vị trí, không cố định.
"Cái khó và vấn đề TPHCM còn bí là xác định để quản lý họ về thời gian, địa điểm, kế đến là vấn đề an toàn thực phẩm và các yếu tố khác", vị chuyên gia phân tích.
Ông Đào Hữu Thể với xe khô mực của mình đã trở thành thân quen nơi góc phố Sài Gòn (Ảnh: Nguyễn Vy).
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 làm rõ lại, những người bán hàng rong lưu động trên địa bàn thường là dân nhập cư từ vùng ven, sử dụng các phương tiện giao thông tự chế, cơi nới và không đảm bảo an toàn. Khi tham gia giao thông và kinh doanh buôn bán, họ thường gây cản trở, mất an toàn.
Do đó, đại diện quận 3 cho rằng cần có biện pháp hạn chế loại phương tiện này di chuyển vào khu vực trung tâm.
Ngoài ra, người bán hàng rong nếu đáp ứng các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực thực phẩm thì sẽ được địa phương giới thiệu vào điểm kinh doanh tập trung như phố ẩm thực, chợ. Sắp tới, quận 3 sẽ mở thêm khu chợ đêm ẩm thực tại khu vực đường nội bộ chung cư Lý Thái Tổ.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TPHCM, phân tích, theo các quy định hiện hành, vỉa hè, lòng đường có chức năng chính là phục vụ giao thông. Trong đó, lòng đường để phục vụ các phương tiện giao thông, hè phố để phục vụ người đi bộ, bố trí hệ thống báo hiệu giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công trình thiết yếu.
Nhiều tuyến đường tại TPHCM không còn vỉa hè cho người đi bộ.
Lòng đường, vỉa hè chỉ được sử dụng tạm thời một phần cho mục đích ngoài giao thông như kinh doanh, buôn bán khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và thu, nộp phí sử dụng theo quy định.
"Để triển khai thực hiện các quy định về thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè đối với kinh doanh buôn bán hàng hóa, đặc biệt là hoạt động bán hàng rong vẫn là vấn đề lớn cần tìm kiếm giải pháp", ông Ngô Hải Đường nêu khó khăn.
Tìm lời giải cho những gánh hàng rong
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho biết, cách đây hơn 20 năm, các nước gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapore đã áp dụng việc thu phí sử dụng vỉa hè đối với những người bán hàng rong. Trong đó, mô hình của Bangkok là điều TPHCM nên học tập và tìm cách vận dụng.
"Các khu vực du lịch lớn như Pathumwan (Bangkok) có chỗ dành riêng cho người bán hàng rong. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những ô vuông rộng 1,4m dài 2,2m. Đó là những chỗ cho người bán hàng rong hành nghề", chuyên gia dẫn chứng.
Các khách mời bàn luận các mô hình quản lý hoạt động hàng rong tại nước ngoài mà TPHCM có thể vận dụng.
Để những xe đẩy bán trái cây, nước ép, đồ ăn được hoạt động tại Bangkok, người kinh doanh phải đăng ký sở hữu chỗ, đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, chứng chỉ hành nghề, kỹ năng an toàn thực phẩm mới được cấp phép. Chi phí thuê hàng tháng là khoảng 3.000 bath (hơn 2 triệu đồng).
"Đặc biệt, người thuê không đứng một chỗ cả ngày mà có quy định phải đổi chỗ sau vài giờ", Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM nêu ví dụ.
TS Dư Phước Tân cũng đồng tình với phương án bố trí địa điểm để hoạt động hàng rong đi vào nề nếp. Đối với những người buôn bán lâu năm, đã có địa điểm quen thuộc, các địa phương cần xem xét, thỏa thuận với chủ hộ có mặt tiền để họ có thể tiếp tục hoạt động.
"Đối với hàng rong lưu động, tôi nhất trí việc ngoài quy hoạch, đưa họ về một vị trí như quận 1 đã thí điểm, thì nên nghiên cứu các mô hình mới của nước ngoài để nhân rộng", TS Dư Phước Tân đưa ra giải pháp.
TS Dư Phước Tân đồng tình với phương án bố trí địa điểm để hoạt động hàng rong đi vào nề nếp.
Bên cạnh đó, Chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cũng đưa ra phương án để các gánh hàng rong hoạt động tại những nơi trống trong khung giờ nhất định. Quan điểm của TS Dư Phước Tân là quy hoạch, bố trí các vị trí phù hợp cho họ trước khi thực hiện thu phí.
TS Dư Phước Tân cũng nêu thực trạng, vỉa hè tại TPHCM có đặc điểm không đồng nhất về diện tích tại các khu vực khác nhau, có nơi rộng cả 5m, nhưng có nơi chiều rộng chỉ 1m. Thế nhưng, nhu cầu sử dụng là rất lớn.
"Một trong những mục tiêu chính của việc thiết lập lại trật tự vỉa hè là đảm bảo chỗ cho người đi bộ. Trong đề án, Sở GTVT đã đưa ra phương án hợp lý là tại nơi vỉa hè hẹp mà có nhu cầu kinh doanh cao thì các hộ buôn bán cần chấp nhận lùi vào trong, chừa lại khu vực để xe và kinh doanh hàng hóa", TS Dư Phước Tân phân tích.
Một phương án khác được vị chuyên gia này góp ý là bố trí bãi để xe tại 2 đầu đường các tuyến có diện tích nhỏ, hẹp nhưng nhu cầu sử dụng cao. Du khách muốn di chuyển vào trong cần chấp nhận để xe bên ngoài và đi bộ.
"Nếu làm được điều đó, thành phố sẽ giải quyết hài hòa giữa nhu cầu kinh doanh, buôn bán và đảm bảo quyền lợi người đi bộ", TS Tân nhận định.
Qua ý kiến các chuyên gia, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, cho rằng, các nước đã áp dụng nhiều mô hình để quản lý hoạt động trên vỉa hè. Tuy nhiên, các hoạt động trên vỉa hè, cụ thể hơn là hàng rong ở TPHCM và nước ta đều chưa đi vào quy củ và cần cả quá trình để tái thiết.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TPHCM.
"Trước đây, chúng ta chưa có quy định pháp lý cụ thể cho vấn đề bán hàng rong, mà chỉ bàn chuyện đẩy lùi họ. Hiện tại, các quy định pháp lý đã có cho loại hình này, mức phí cũng đã ban hành. Để sắp xếp trật tự, đi vào nề nếp, Sở GTVT TPHCM đã hướng dẫn các quận, huyện", ông Ngô Hải Đường làm rõ.
Theo đó, các quận, huyện cần chủ động rà soát các tuyến đường nào đủ điều kiện được kinh doanh, các ô phố nào được tổ chức kinh doanh hàng rong. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, TPHCM cần làm theo từng giai đoạn, có thí điểm, đánh giá rồi mới mở rộng chứ không thể làm cùng lúc tràn lan.