Có căn cứ người khác phạm tội nên cho ông Huỳnh Văn Nén tại ngoại
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay 24/10, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã cho biết thông tin "nóng" liên quan đến việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) vừa được cho tại ngoại.
Phóng viên: Thưa ông, tại sao ông Huỳnh Văn Nén được cho phép tại ngoại vào thời gian này?
Ông Nguyễn Sơn: Trong vụ án này, VKSND Tối cao đã phối hợp làm với cơ quan điều tra, cơ quan công tố kiểm sát hoạt động công tố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xác minh thông tin sau khi xét xử sơ thẩm phát sinh thông tin có người khác phạm tội.
Liên quan đến vấn đề này trước đây cơ quan điều tra người ta xác minh, cho là không có căn cứ. Thế nhưng sau này phối hợp với Bộ Công an và VKSND Tối cao xác minh thấy có căn cứ nên người ta phải xem xét lại, tiến hành các thủ tục cần thiết.
Việc hủy bản án coi như vụ án quay lại giai đoạn điều tra. Hủy để điều tra lại. Trong quá trình này, cơ quan điều tra thực hiện việc điều tra, hoạt động công tố quay trở lại ban đầu. Bản án sơ thẩm bị hủy rồi thì quay lại giai đoạn tố tụng ban đầu mới bị khởi tố. Điều tra lại có vấn đề gì thì kết thúc điều tra và ra cáo trạng mới. Nếu có thay đổi thì tòa án sẽ xử theo thay đổi đó. Còn giai đoạn này hoàn toàn của cơ quan công tố thực hiện.
Những phút tự do đầu tiên của “người tù hai thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (Thực hiện: Trọng Vũ - Phạm Nguyễn)
VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị hủy án và sau đó Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đồng ý, hủy bản án sơ thẩm để điều lại vụ án của ông Huỳnh Văn Nén từ tháng 11/2014 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra thì có quá chậm trễ không, thưa ông?
Thực ra nó là chấp hành các biện pháp tiến hành tố tụng, hủy án quay lại ban đầu. Quy định tố tụng hình sự quy định như thế nào thì người ta thực hiện như thế, hết thời hạn điều tra theo luật định thì còn có thể ra hạn điều tra cơ mà.
Tại sao hủy án thì trong bản án giám đốc thẩm đã đánh giá hết rồi. Đây là một bản án công khai. Bây giờ đang trong giai đoạn điều tra thì về nguyên tắc tòa án không tham gia và không biết được vì hội đồng xét xử độc lập.
Cái mới nhất, chống oan sai theo quy định của Hiến pháp là phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng như thế nào để chống oan sai, đảm bảo tòa án, hội đồng xét xử lắng nghe tất cả ý kiến của những người liên quan như bị can, bị cáo, luật sư, nhân chứng, viện kiểm sát,... theo quy định của pháp luật.
Theo đơn tố giác thì hung thủ thực sự đã ra tay sát hại bà Lê Thị Bông là Nguyễn Thọ (trú cùng địa phương) chứ không phải ông Huỳnh Văn Nén. Xin hỏi ông đến nay việc truy lùng tung tích của Nguyễn Thọ có diễn biến gì mới không?
Tôi không quan tâm tới chuyện đó, bởi việc đó thuộc thẩm quyền Cơ quan điều tra VKSND Tối cao hiện nay. Vụ án bị hủy đi, điều tra lại thì thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. VKSND Tối cao hoạt động công tố, hướng dẫn điều tra như thế nào thì người ta làm theo chức năng nhiệm vụ.
Chiểu theo quy định thì tới đây tòa án cấp nào sẽ xét xử lại vụ án này?
Vẫn là tòa cấp tỉnh thôi. Nếu truy tố tội giết người thì thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh, vẫn như ngày xưa. Thẩm quyền đó không thay đổi. Nếu sau đó kháng cáo thì kháng cáo lên Tòa Cấp cao thay cho Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.
Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)