1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cò” bệnh viện thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng

“Cò” bệnh viện là vấn đề nhức nhối thời gian qua tại các bệnh viện lớn. Nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh, phải trả một khoản tiền lớn để được khám chữa bệnh nhanh. Thu nhập của “cò” bệnh viện lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Giải quyết vấn nạn “cò” bệnh viện được Cục quản lý khám chữa Bệnh (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo ngày 6/7, thu hút được đông đảo các BV tuyến trung ương.

 

Thực trạng ở các BV lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Ung bướu, K, Phụ sản, Nhi Trung ương…, lúc nào cũng có một lực lượng “cò” đông đảo bủa vây bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ở tỉnh lẻ lên, nhìn vẻ ngoài ngơ ngác là “cò” tiếp cận mồi chài. Sau khi dụ được người bệnh, “cò” kết hợp với y bác sỹ trong BV để lấy tiền của bệnh nhân, làm thủ tục khám chữa bệnh nhanh.

 

Bác sỹ Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cần phân biệt “cò” nội và “cò” ngoại. “Cò” ngoại là những người bên ngoài bệnh viện, mồi chài người bệnh được khám chữa nhanh, thậm chí đe dọa bệnh nhân.

 

Còn “cò” nội là những y bác sỹ trong bệnh viện. Vì đồng tiền, vì hám lợi 2 loại “cò” này đã kết hợp với nhau để lấy tiền người bệnh. Bác sỹ Hải cho biết, riêng “cò” nội trong bệnh viện là các y bác sỹ, nếu chúng tôi phát hiện sẽ có những chế tài xử lý thật nặng, thậm chí chấm dứt hợp đồng với y bác sỹ nào móc ngoặc với “cò” ngoại lấy tiền của bệnh nhân.

 

Theo lãnh đạo nhiều BV khác cho rằng, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều kẻ “cò” mồi gây lộn xộn trước cổng BV. Tuy nhiên, do chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ răn đe nên sau khi bị xử phạt, các đối tượng này vẫn tiếp tục hoạt động.

 

Tại các BV lớn vẫn là môi trường hoạt động mạnh của cò

Tại các BV lớn vẫn là môi trường hoạt động mạnh của "cò"

 

Ngoài ra, việc làm ăn giữa “cò” và bệnh nhân là thỏa thuận đôi bên, nên cũng khó xử lý. Nhiều BV đã nhờ công an phường hỗ trợ xử lý “cò” nhưng khi lực lượng chức năng tới thì họ biến mất, sau đó xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, tâm lý người bệnh muốn khám chữa bệnh nhanh, là nguyên nhân để “cò” bệnh viện hoạt động mạnh trong thời gian qua.

 

TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, những đối tượng cò mồi, dụ dỗ, lôi kéo khách vào khám tại các phòng khám tư nhân hay của bệnh viện ra sao thì chúng tôi cũng không được biết. Nếu người dân có thông tin, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và phản ánh với Công an để họ tiếp nhận thông tin, tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý.

 

Còn tại bệnh viện Bạch Mai, cho rằng “cò” BV cũng giống nạn trộm cắp hay nhiều tệ nạn xã hội khác, khó trị tận gốc. BV đã dán ảnh những đối tượng cò mồi để bệnh nhân cảnh giác nhưng vẫn không thể xử lý triệt để.

 

Các BV vẫn được coi là “mảnh đất” màu mỡ để "cò" kiếm tiền từ bệnh nhân, thậm chí mức thu thập của một số “cò” BV còn lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Chính vì thế, không ít nhân viên y tế còn kiêm luôn cả nhiệm vụ cò mồi, nhờ bác sĩ này, bác sĩ kia mổ cho “người nhà” để được nhận tiền môi giới.

 

Để dẹp bỏ nạn “cò mồi” tại các BV, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp là những chế tài xử lý thật mạnh; kết hợp với lực lượng công an tăng cường tuần tra tại các bệnh viện, thực hiện khám chữa bệnh theo thứ tự, tuyền truyền răn đe tới các y bác sỹ tại bệnh viện không móc ngoặc, làm ăn với cò; tuyên truyền trên loa phóng thanh tại bệnh viện để người bệnh cảnh giác với “cò”, không nghe lời mồi chài của “cò”, nếu bệnh nhân phát hiện cò hoạt động báo ngay cho lực lượng bảo vệ BV để xử lý…

 

Theo Nguyễn Hiếu

 Infonet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm