(Dân trí) - Điều khiến những y bác sĩ đau lòng nhất là thời điểm những chiếc máy thở được rút ra khỏi người mắc Covid-19. Những luồng oxy không còn giúp họ giữ lại sinh mạng của một con người.
Điều khiến những y bác sĩ đau lòng nhất là thời điểm những chiếc máy thở được rút ra khỏi người mắc Covid-19. Những luồng oxy không còn giúp họ giữ lại sinh mạng của một con người.
- Tiên lượng bệnh nhân sao rồi?
- Đã khá hơn hôm qua nhưng vẫn còn nguy hiểm.
Những nếp nhăn trên trán bác sĩ Lại Phùng Hưng (42 tuổi) giãn ra một chút sau khi nghe nữ điều dưỡng báo lại tình hình của nam bệnh nhân nặng nhất cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (thành phố Thủ Đức, TPHCM).
Chưa an lòng, vị bác sĩ đi tới phía bệnh nhân đang nằm, nhìn lại những chỉ số hiện trên màn hình đặt cạnh giường bệnh, đăm chiêu một hồi rồi mới kiểm tra những bệnh nhân Covid-19 nặng khác.
"Bệnh nhân này nhập viện ngày 4/8, đến mùng 7/8, ông ấy có tiên lượng xấu và được chuyển xuống đây để thở máy xâm lấn. Hôm qua, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim, nay đã khá hơn một chút, nhưng cũng chưa an toàn", bác sĩ Hưng chia sẻ về thông tin ca mắc.
Trong căn phòng có diện tích hơn 70m2, tiếng kêu của những chiếc máy trợ thở, đo nhịp tim, là thứ âm thanh hiện hữu rõ nét nhất. Bệnh nhân ở đây đa phần có diễn tiến nặng, không còn sức để nói chuyện, cũng có người không còn nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh…
Trong ca trực một sáng đầu tuần giữa tháng 8, bác sĩ Hưng cùng nữ điều dưỡng Hà (23 tuổi), liên tục đảo qua từng giường bệnh, theo dõi những diễn biến dù là nhỏ nhất của các bệnh nhân. Đã quen với công việc của ngành, những khó khăn về chuyên môn, nỗi sợ bị phơi nhiễm không tồn tại trong họ.
Nhưng điều khiến họ đau lòng nhất, là thời điểm những chiếc máy thở được rút ra khỏi người mắc Covid-19, những luồng khí oxy không còn giúp họ giữ lại sinh mạng của một con người.
Tại giường bệnh ngay phía cửa ra vào, một bệnh nhân lớn tuổi có dấu hiệu thở không đều, bác sĩ Hưng lập tức chạy tới, chỉnh lại ống thở ngay ngắn. Chiếc máy đo SpO2 cầm tay lập tức được rút ra từ túi bác sĩ, đặt trên ngón tay người đàn ông đang nằm, từng hành động dứt khoát, vội vã.
"Bệnh nhân này đã 91 tuổi, ông ấy viêm phổi nặng nhưng không chịu thở oxy. Nồng độ SpO2 hiện tại là 90%. Nếu thở qua ống mà nồng độ SpO2 không lên lại mức bình thường (97-100% - PV) thì sẽ chuyển sang thở bằng mặt nạ khí, hoặc nâng lên các mức trợ thở khác", bác sĩ Hưng giải thích.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Hưng chia sẻ, có không ít trường hợp bệnh nhân cảm thấy khó chịu, bỏ mặt nạ, ống khí ra vì lượng lớn khí oxy truyền trực tiếp vào mũi. Với những trường hợp như vậy, các y, bác sĩ buộc phải khuyên bảo, động viên bệnh nhân, nhưng cũng có những trường hợp, lực lượng y tế buộc phải gây mê và đặt nội khí quản để thở máy. Tuy nhiên, số lượng máy thở không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ cho tất cả…
Chỉ về phía 2 giường bệnh ở góc phòng, vị bác sĩ cho biết, đó là những thiết bị trợ thở tối ưu nhất tại bệnh viện, máy thở xâm lấn. Đó cũng là 2 bệnh nhân nặng nhất mà bệnh viện đang điều trị.
Máy thở xâm lấn được áp dụng cho những trường hợp hôn mê, SpO2 giảm sâu, không thể tự thở. Đây là giải pháp cuối cùng khi những thiết bị trợ thở khác không phát huy tác dụng trong điều trị, trước khi bệnh nhân được chuyển lên tuyến cao hơn để can thiệp ECMO. Việc sử dụng máy thở xâm lấn cũng đòi hỏi người phục vụ bệnh nhân phải có chuyên môn nhất định, mất nhiều công đoạn.
"Chúng tôi phải dùng thuốc gây mê. Ngoài ra, thuốc giãn cơ cũng được sử dụng để tránh việc cơ thể bệnh nhân chống lại máy thở. Giống như các bệnh nhân đang nằm kia, có gọi họ cũng không thể tỉnh", bác sĩ Lại Phùng Hưng giải thích.
Phía sau tấm kính giọt bắn, vầng trán của điều dưỡng Hà đã ướt đẫm mồ hôi. Chị liên tục vòng qua giường các bệnh nhân nặng nhất viện, chỉnh lại máy thở, xoa bóp chân tay cho từng người.
"Bệnh nhân dùng máy thở không xâm lấn nằm bất động, không thể xoay người, nếu giữ nguyên tư thế lâu sẽ tì đè các bộ phận, gây loét và biến chứng. Ngoài ra, việc thở máy cũng khiến bệnh nhân không thể đào thải đờm và chất nhầy trong họng, chúng tôi cần dùng thiết bị hút ra thường xuyên", nữ điều dưỡng cho biết.
Khí oxy, các máy trợ thở đóng vai trò sống còn trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong mỗi ca trực của các y, bác sĩ, điều dưỡng tại phòng hồi sức tích cực Covid-19 - Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, nhiệm vụ chủ yếu của họ xoay quanh những luồng khí thở cho bệnh nhân.
Bác sĩ Võ Hồng Đông, Trợ lý Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, cho biết từ đầu tháng 7, đơn vị đã chuyển đổi công năng từ nơi tiếp nhận, điều trị dã chiến cho bệnh nhân, thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 ở tầng thứ 3. Từ thời điểm nhận quyết định chuyển đổi tới khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân… cách nhau chưa tới nửa ngày.
"Với số lượng lớn bệnh nhân được tiếp nhận cùng lúc, thời gian chuẩn bị ngắn, bệnh viện khó đáp ứng đầy đủ nguồn lực trong thời gian đầu. Nhu cầu về trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao là rất lớn trong thời điểm đó và ngay cả hiện tại", bác sĩ Đông chia sẻ.
Vị bác sĩ nhớ lại những ngày đầu tiên chuyển đổi công năng, khi vật tư, trang thiết bị còn chưa được bố trí đầy đủ… thì một sự việc nguy cấp xảy ra. Tình huống đủ để cho thấy tầm quan trọng của máy thở đối với việc cứu sống bệnh nhân Covid-19.
"Buổi trưa hôm đó, một bệnh nhân bỗng nhiên trở nặng, suy hô hấp. Thời điểm ấy, bệnh viện vẫn chưa sắp xếp được máy thở xâm lấn cho bệnh nhân sử dụng, tình thế lúc ấy rất cấp bách", bác sĩ Đông kể.
Ngay trong trưa, bệnh viện đã liên hệ với nhà tài trợ cùng đơn vị cung cấp. Dù tiền mua máy thở chưa được chuyển đi, chưa loại giấy tờ cam kết nào được ký, đơn vị cung cấp đã đồng ý để bệnh viện nhận máy. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, họ không có cách nào để vận chuyển thiết bị tới viện.
"Lúc đó, tôi đã trực tiếp lái xe đi chuyển máy thở về, lập tức lắp ráp và sử dụng. Chính từ chiếc máy thở đầu tiên tiếp nhận đó, chúng tôi đã cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch" - Trợ lý Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông nhớ lại.
Bác sĩ Võ Hồng Đông vui mừng chia sẻ, một thời gian sau, chính bệnh nhân ấy được điều trị khỏi và xuất viện. Quãng thời gian đầu của bước chuyển đổi công năng ấy cho thấy việc bổ sung trang thiết bị y tế cấp bách và mang lại thành quả lớn lao thế nào với một bệnh viện điều trị Covid-19.
Sau khi trực tiếp chứng kiến và ghi nhận những câu chuyện của lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu, Ban biên tập Báo điện tử Dân trí quyết định khởi động chương trình tặng máy thở đến Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông (thành phố Thủ Đức, TPHCM).
Đây là loại máy thở xâm lấn, mỗi máy có trị giá hơn 157 triệu đồng, có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng, nguy kịch, mất khả năng tự thở.
Tại buổi trao tặng, Đại tá Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, chia sẻ rằng, máy thở, máy cung cấp oxy là trang thiết bị quan trọng nhất đối với cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Với việc chuyển đổi công năng từ bệnh viện dã chiến sang bệnh viện chuyên điều trị các ca F0, nhu cầu về máy thở xâm lấn rất cấp thiết với đơn vị trong thời điểm hiện tại.
"Thời điểm này, bệnh viện chỉ có 2 máy thở xâm lấn chính thức hoạt động. Thiết bị này có vai trò quan trọng trong điều trị, hồi sức trước bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp nhận và số ca chuyển nặng tại viện có xu hướng tăng", bác sĩ Tuấn thông tin.
Tiếp nhận 3 bộ máy thở xâm lấn, món quà vô cùng ý nghĩa, rất cấp thiết lúc này với đơn vị, Đại tá Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, thay mặt các y bác sĩ, bệnh nhân đang điều trị, gửi lời cảm ơn trân trọng tới tòa soạn, cùng bạn đọc Dân trí.
Bác sĩ Tuấn đánh giá, bên cạnh giá trị thiết thực về mặt y tế, sự đồng hành của toàn thể người dân, mọi thành phần trong xã hội đã giúp lực lượng tuyến đầu có thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin trong cuộc chiến với đại dịch.
Bác sĩ Võ Hồng Đông một lần nữa nhắc lại câu chuyện máy thở xâm lấn đã giúp đơn vị cứu sống một bệnh nhân Covid-19 ngay thời điểm tiếp nhận. Ông nói, với 3 máy thở xâm lấn mà bạn đọc Báo điện tử Dân trí trao tặng, đơn vị lập tức đưa vào sử dụng để điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện sẽ sử dụng hiệu quả nhất và không để chậm trễ.
Với nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng, việc lan tỏa, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ tuyến đầu chống dịch rất cần thiết thời điểm này. Để chiến thắng đại dịch trong thời gian ngắn nhất, không chỉ Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, mà các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 khác cũng cần giúp sức từ toàn dân trong bối cảnh nguồn lực ngành y có hạn - bác sĩ Đông chia sẻ.
Cùng thời điểm trên, thông qua chương trình Nhân ái, bạn đọc Báo điện tử Dân trí và các nhà hảo tâm đã dành tặng các bệnh viện tuyến đầu tại TP Cần Thơ 10 máy thở oxy, góp phần cùng thành phố phòng chống dịch.
Trong tổng số 10 máy thở oxy, 5 máy được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; 5 máy được chuyển đến Bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Chương trình trao tặng máy thở xâm lấn cho tuyến đầu chống dịch được Báo điện tử Dân trí thực hiện ngay sau khi chương trình "Vạn bữa cơm nghĩa tình", gửi những phần ăn đến 2 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Mọi đóng góp hảo tâm ủng hộ tuyến đầu chống dịch xin gửi về:
1. Mã số 4103: Chương trình "Triệu trái tim - Một ý chí"
2. Báo điện tử Dân trí
Số 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490
Email: nhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 1017378606
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Dien tu Dan tri
Account Number: 1017780241
Swift Code: BFTV VNVX 045
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 126000081304
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VND tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Tên Tài khoản: Báo Điện tử Dân trí
Số Tài khoản: 26110002631994
Tại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- Chi nhánh Tràng An
Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
ĐT: 0436869656.
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 0231195149383
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:
- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí
- Số tài khoản VND: 1400206035022
- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ.
* Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)
- Tên tài khoản: Báo Điện tử Dân trí
- Số tải khoản VND: 1017589681
- Chi nhánh Hà Nội.
* Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
- Tên tài khoản: Báo điện tử Dân trí
- Số tài khoản VND: 333556688888
- Chi nhánh Đông Đô - Phòng GD Thanh Xuân
3. Văn phòng đại diện của báo:
- VP Đà Nẵng: Số 1 Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Tel: 0236. 3653 725
- VP TPHCM: Số 51 - 53 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM.
Tel: 028. 3517 6331 (trong giờ hành chính) hoặc số hotline 0974567567
- VP Cần Thơ: Số 2, Đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Tel: 0292.3.733.269
VNPAY hân hạnh là đối tác đồng hành chính cùng Báo điện tử Dân trí trong chương trình Triệu trái tim - Một ý chí. Triển khai kênh quyên góp không tiền mặt tiện ích cho chương trình, VNPAY mong muốn độc giả dễ dàng tham gia ủng hộ, chia sẻ gánh nặng cùng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh và các hoàn cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bên cạnh đồng hành cùng Dân trí phát động chương trình, VNPAY sẽ quyên góp số tiền có giá trị 10% (tối đa 1 tỷ đồng), trên tổng số tiền cộng đồng ủng hộ qua VNPAY-QR. Toàn bộ số tiền đóng góp của quý độc giả sẽ được công khai trên hệ sinh thái truyền thông của Báo điện tử Dân trí, trên Website chương trình và sẽ được chuyển toàn bộ tới tuyến đầu chống dịch, các cá nhân, tổ chức có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.