1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Chuyện về hàng trăm ngôi mộ bị xới tung để lấy đồ cổ

(Dân trí) - Bất chấp luân thường đạo lý, nhiều năm nay, kẻ xấu đã lật tung hàng trăm ngôi mộ của người dân tộc Bahnar ở xã Kon Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai), tìm lấy đi những chiếc áo quan bằng gỗ sưa hay những món đồ cổ quý được chôn cùng người đã khuất.

Hài cốt vương vãi khắp nhà mồ

Người Bahnar quan niệm “chết là đi đến một thế giới khác”, vì vậy, người sống luôn phải chia tài sản cho người đã khuất. Khi sống người đó có những gì thì khi chết sẽ được mang theo những thứ đó, như ghè, vàng bạc, cồng, chiêng, chén bát… Đặc biệt, thi thể người chết sẽ được chôn trong những bộ áo quan làm bằng gỗ quý như huỳnh đàn (sưa), lim…

Nắm bắt được phong tục này của người dân nơi đây, những kẻ bất nhân nảy sinh lòng tham, bất chấp luân thường đạo lý, tìm cách đào trộm hàng trăm ngôi mộ của người quá cố để lấy đi những món đồ quý giá. Không chỉ vậy, sau khi trộm hết tài sản có giá trị, kẻ xấu còn vứt vương vãi hài cốt khắp khu nhà mồ.

Cho đến bây giờ, dù 5 năm đã trôi qua, già làng Đinh HMưng (68 tuổi, làng Mơ H’ra) vẫn chưa hết phẫn nộ khi nhớ lại thời khắc phát hiện 2 khu mộ của làng mình bị bọn xấu lật tung lấy đồ cổ. Già làng Đinh HMưng kể lại: Cách đây 5 năm, trong một lần đi ngang qua khu nhà mồ, một người dân trong làng đã phát hiện những mẫu xương người vương vãi khắp lối đi. Ngay lập tức người này về làng báo lại. Khi cả làng chạy ra khu nhà mồ thì thấy hàng trăm ngôi mộ đã bị kẻ xấu xới tung, tất cả những tài sản có giá trị như áo quan làm bằng gỗ sưa, các bộ chiêng, chén đồng, ghè cổ… đều đã bị lấy hết; hài cốt người chết thì vương vãi khắp nơi.

“Việc chôn cất lại không phải chỉ thu gom xương người, chôn xuống đất lấp lại, mà phải tổ chức mai táng lại từ đầu cho từng người như lúc họ mới chết. Mỗi gia đình sẽ lại phải chuẩn bị trâu, bò, heo, gà, rượu… Mà trong làng thì rất khó khăn. Thế nên tôi đề nghị mọi người trong làng đi về…”, già làng Đinh HMưng kể.

Hàng trăm ngôi mộ bị lật tung để lấy đồ cổ
Tất cả những tài sản quý bị kẻ xấu lấy đi

Sau khi mồ mả người thân bị xới tung, người dân trong làng đã làm rào chắn xung quanh những khu mộ còn lại, cảnh giác và báo lại với chính quyền địa phương khi có người lạ xuất hiện trong làng. Nhưng gần 1 năm sau, một khu nhà mồ khác của làng Mơ H’ra lại bị những kẻ bất nhân đào xới và lấy sạch các tài sản có giá trị.

“Làng mình có tất cả 3 khu nhà mồ thì có 2 khu nằm ở vị trí xa nhà dân, chưa đầy 2 năm, 2 khu này đã bị đào xới tan tành, khiến người dân hoang mang. Từ đó đến nay, bất kì một người lạ mặt nào vào làng cũng phải xuất trình giấy tờ với già làng, trưởng thôn hoặc công an viên”, già HMưng cho biết.

Cách đây 2 năm, ngôi nhà mồ của bố ông Đinh Văn Nghèo (61 tuổi, làng Mơ H’ra) đã bị kẻ xấu đào xới, lấy mất 2 chiếc ghè và một số chén bát cổ, còn hài cốt bị vứt trên mặt đất: “Lúc cha tôi mất, mẹ và gia đình đã chia cho bố 2 cái ghè có giá trị nhất, mỗi cái ghè đó hồi xưa phải đổi một con trâu mới có được. Trước khi chôn ghè, chúng tôi đã đập thủng đít để kẻ gian khỏi lấy. Vậy mà chúng vẫn bị bọn trộm lấy mất. Để cúng con ma và lấp lại ngôi mộ, gia đình tôi đã phải làm thịt 1 con heo, 1 con gà và mua 1 ghè rượu để mời dân làng”, ông Nghèo bức xúc nói.

Ngôi mộ mới bị mồ tặc đào xới cách đây không lâu
Ngôi mộ mới bị mồ tặc đào xới cách đây không lâu

Không chỉ có làng Mơ H’ra bị đào trộm mộ, các làng khác trong xã như Mơ Hven, Bờ… cũng xảy ra vấn nạn tương tự. Anh Đinh Gen (35 tuổi), trưởng thôn làng Bờ, dẫn chúng tôi vào khu nhà mồ của làng, chỉ tay vào mộ ngôi mộ vừa bị đào bới, cho biết: “Đây là ngôi mộ cũ chôn cất cách đây hơn 10 năm về trước, vừa bị kẻ trộm đào để lấy đi đồng đen, vàng bạc, gỗ huỳnh đàn và ghè cổ xưa”. Anh Gen cũng nói thêm, trước kia người dân trong làng không biết những thứ này là quý, chỉ đến bây giờ, khi bị bọn trộm lấy mất họ mới biết.

Anh Đinh HNí (25 tuổi, công an viên làng Kuk Kôn, xã An Thành, Đăk Pơ) kể lại: “Lúc bố mình chết, gia đình mình chia cho ông 2 nồi đồng, 1 bộ chiêng, 5 chén sứ quý, 2 chiếc ghè cổ và nhiều tài sản khác. Nhưng năm ngoái đã bị kẻ xấu đào mộ lên lấy sạch”.

Anh HNí cho biết thêm, trước kia bọn trộm hoành hành liên tục, bây giờ thì ít hơn. Gần đây nhất là vào giữa tháng 6 năm 2012, làng đã bị đào trộm 6 ngôi mộ cũ để lấy tài sản.

Mất tài sản, phong tục bị mai một

Theo phong tục của bà con nơi đây, nếu mồ mả người thân bị đào bới, muốn chôn cất lại cho người chết thì phải làm lại những thủ tục cúng bái như lần đầu làm đám ma, vô cùng tốn kém, trong khi cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi bị kẻ xấu đào trộm mộ, họ đành chọn cách để mặc cho thời gian chôn vùi những hài cốt của cha ông mình đã bị vứt vương vãi trên mặt đất.

Ông Đinh Pó, trưởng thôn Leng Dôr (xã Đăk Pơ, Đăk Pơ) cho biết: “Làng chúng tôi có hơn trăm ngôi mộ cổ thì tất cả đều đã bị kẻ xấu đào bới, lật tung nắp hòm người chết để lấy tài sản”.

Để có được chiếc ghè như thế này, người dân phải đổi cả con trâu lớn mới có được 1 chiếc
Để có được chiếc ghè như thế này, người dân phải đổi cả con trâu lớn

Chính vì vấn nạn trên mà bây giờ, tại nhiều nơi của huyện Kbang, Đăk Pơ… những ngôi mộ cổ đã dần mất đi, kéo theo đó là phong tục chôn cất, xây dựng nhà mồ của người dân Bahnar cũng đang bị mai một. “Ngày xưa bà con dân làng có nhiều tài sản quý giá thì chia cho người chết hết rồi. Những tài sản đó bây giờ cũng đã bị kẻ xấu lấy đi rồi nên bây giờ người ta ít chôn những đồ quý theo người chết lắm, nếu có ghè chôn thì cũng phải đập thủng đít mới dám chôn”, ông Đinh Gen cho biết thêm.

Già làng Đinh HMưng cho biết: “Năm 2011, làng chúng tôi có bắt được 3 người đang đào trộm mộ và báo lên công an. Sau đó các đối tượng này đã bị làng phạt một con trâu, một con bò, nhiều heo, gà và rượu ghè”.

Để có được chiếc ghè như thế này, người dân phải đổi cả con trâu lớn mới có được 1 chiếc
Những ngôi mộ mới của người Bahnar nơi đây do đã hết đồ cổ nên không còn bị bọn xấu nhòm ngó 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thành Trưởng - Phó trưởng Công an huyện Đắk Pơ - cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm về trước, khi tôi còn công tác ở huyện An Khê (sau này tách thành An Khê và Đăk Pơ) tôi có bắt được một số đối tượng đào trộm mồ mả của người chết để lấy tài sản. Hiện nay, hiện tượng đào trộm mồ người chết trên địa bàn huyện Đăk Pơ hầu như không còn nữa. Nếu trong thời gian tới, bắt được đối tượng đào mồ và đủ cơ sở, chúng tôi vẫn tiến hành khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Thiên Thư