1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hậu Giang:

Chuyện về bức tượng ngựa Xích Thố hiếm có ở miền Tây

(Dân trí) - Có một bức tượng ngựa Xích Thố đã tồn tại 50 năm nay ở Hậu Giang. Sự ra đời của bức tượng ngựa hiếm có này là cả một câu chuyện ly kỳ.

Bức tượng ngựa Xích Thố nói trên hiện tọa lạc trong khuôn viên chùa Già Lam Cổ Tự thuộc ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Già Lam Cổ Tự - nơi có bức tượng ngựa Xích Thố (góc phải ảnh) hiếm có.
Già Lam Cổ Tự - nơi có bức tượng ngựa Xích Thố (góc phải ảnh) hiếm có.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Sanh - Trụ trì chùa, chùa Già Lam Cổ Tự trước đây có tên là Quan Thánh Đế và được Hòa thượng Thích Huệ Đức sáng lập, xây dựng vào khoảng năm 1940; cho đến năm 1970 mới đổi tên thành chùa Già Lam Cổ Tự. Chùa Già Lam Cổ Tự thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng nhiều Bồ tát khác và Quan Công (tức Quan Vân Trường, một tướng cuối nhà Đông Hán thời Tam Quốc bên Trung Quốc).

Thượng tọa Thích Huệ Sanh kể chuyện về bức tượng ngựa Xích Thố.
Thượng tọa Thích Huệ Sanh kể chuyện về bức tượng ngựa Xích Thố.

Nói về sự ra đời của bức tượng ngựa Xích Thố trong chùa, Thượng tọa Thích Huệ Sanh kể lại: Tương truyền, khi chùa mới xây cất, Quan Thánh Đế thường hiển linh phù độ người dân trừ tà ma quỷ giúp dân trong vùng có một cuộc sống an lành. Một hôm, Quan Thánh Đế hiện về phán: “Ai cúng dường một con ngựa thì ngài sẽ phù hộ độ trì cho người đó đến 3 đời”. Và một thời gian sau có một người ở xa tới cúng dường 1 triệu đồng rồi nhờ chùa tìm người làm tượng ngựa như lời Quan Thánh Đế phán.

“Có một điều rất ngạc nhiên là người mang tiền đến cúng dường không theo đạo Phật hay thờ Quan Thánh Đế mà là theo đạo Thiên Chúa Giáo”, Thượng tọa Thích Huệ Sanh cho biết. Cũng theo Thượng tọa trụ trì chùa, số tiền 1 triệu đồng khi đó là rất lớn bởi thời đó giá vàng chỉ chừng 2.000 đồng/lượng.

Sau khi có người cúng dường, nhà chùa đã mời nghệ nhân tên Ba Đém (có người nói quê ở Sóc Trăng, rất nổi tiếng về xây dựng chùa chiền thời đó) về làm tượng ngựa vào năm 1964. Tượng ngựa được làm từ xi măng cốt thép trong thời gian khoảng 1 tháng thì hoàn thành. Có một chi tiết đặc biệt mà theo Thượng tọa Thích Huệ Sanh cho biết, lúc làm tượng ngựa, nghệ nhân Ba Đém đã cho làm đầy đủ lục phủ ngũ tạng bỏ vào trong bụng ngựa rồi mới đắp tượng lại.


Theo quan sát của PV Dân trí, tượng ngựa Xích Thố tại chùa Già Lam Cổ Tự có toàn thân màu hồng sậm, cao hơn 3m, dài khoảng 2m với thần thái sống động. Ngựa đứng, đầu ngẩng lên nghiêng về bên phải. Đôi mắt rất có thần. Ngoài ra, bốn chân của ngựa còn có bốn chùm lông (gọi là tứ mã đề), một đặc điểm mà chỉ ngựa Xích Thố mới có. Kế bên tượng ngựa có 4 câu thơ của Hòa thượng Thích Huệ Đức ca ngợi ngựa Xích Thố: "Xích Thố tiếng rền rạng cõi Đông/ Nêu danh tuấn mã sức toàn hồng/ Trường đồ ngàn dặm hơi chưa sút/Chiến địa trăm phen sức tựa không".

Tượng ngựa Xích Thố tại chùa Già Lam Cổ Tự đã tồn tại 50 năm nay nhưng trông vẫn còn rất mới, hầu như chưa bị sứt mẻ trước mưa nắng, thời gian. Theo Thượng tọa Thích Huệ Sanh, thời gian qua, nhiều người biết tiếng cũng đã tìm đến để chiêm ngưỡng bức tượng ngựa và đều khen ngợi vẻ đẹp của tượng, cũng như tài của người đắp tượng.

Bức tượng ngựa Xích Thố nằm ngay vị trí trước mặt chùa cùng với nhiều tượng linh vật khác.
Bức tượng ngựa Xích Thố nằm ngay vị trí trước mặt chùa cùng với nhiều tượng linh vật khác.

Toàn thân bức tượng ngựa Xích Thố ở chùa Già Lam Cổ Tự.
Toàn thân bức tượng ngựa "Xích Thố" ở chùa Già Lam Cổ Tự.

Tượng ngựa được dựng lên với hình ảnh, khí thế như đang sẵn sàng xông vào trận chiến.
Tượng ngựa được dựng lên với hình ảnh, khí thế như đang sẵn sàng xông vào trận chiến.
 
Huỳnh Hải