1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện tình duyên của những ông đồ thời hiện đại

(Dân trí) - Ngày Hội ngộ 100 ông đồ Việt là dịp để ông đồ cả nước gặp gỡ, chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp Việt, giãi bày tình duyên với chữ và tình duyên với những người đã giúp các ông chăm sóc từng nét chữ.

Sau mỗi nét chữ đều có hình ảnh vợ

 

Sinh năm 1975, đến nay ông đồ Phùng Công Danh đã có hơn chục năm đeo đuổi nghiệp thư pháp Việt. Và cũng ngần ấy năm, chị Tống Thị Kim Phượng, chấp nhận là một hậu phương vững chắc cho anh.

 

Trong ngày Hội ngộ ông đồ, nói về người vợ của mình, ông đồ trẻ rưng rưng xúc động: “Người đời vẫn ngợi ca bà Tú của ông Tú ngày xưa “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”, tôi chẳng dám so vợ tôi với bà Tú nhưng với riêng tôi, nếu không có vợ đảm đang chắc chẳng đeo đuổi nổi nghiệp này. Đằng sau mỗi nét chữ của tôi đều có hình ảnh của vợ”.

 

Chuyện tình duyên của những ông đồ thời hiện đại - 1

Ông đồ Phùng Công Danh: Không có vợ chắc không theo nổi nghiệp thư pháp.

 

Anh Phùng Công Danh kể rằng ngày xưa ông nội anh biết chữ Nho và mê chữ. Nhưng rồi chữ Nho thất thế và sự mê chữ của ông nội cũng thất truyền luôn. Mãi sau khi bôn ba qua bao nhiêu nghề, ngẫm về cuộc đời mình, về thế sự, tự nhiên anh có một khao khát được thể hiện những xúc cảm qua nét chữ.

 

Nói về thư pháp, ông đồ Phùng Công Danh chân thành chia sẻ: “Viết chữ là để tâm mình trong sáng, để thanh thản và để trải lòng mình. Thế nhưng chính tình duyên với chữ đã giúp tôi tìm được tình yêu với bà xã tôi”.

 

Giờ đây, hai “ông bà đồ trẻ” đã có “đủ nếp đủ tẻ” ngoan ngoãn và một xưởng sản xuất khung tranh nho nhỏ vừa là chỗ kiếm sống vừa là chỗ để bạn bè thư pháp tụ hội với nhau

 

Nguyện giữ trọn tình duyên với chữ Việt

 

Mới 27 tuổi với “thâm niên” 5 năm đeo đuổi thư pháp Việt, ông đồ Mặc Chân Viên Hải đến từ chùa Báo Ân (Q.Tân Bình - TPHCM) hiện đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành Trung tâm Việt Nam thư đạo.

 

Là một nhà tu hành, ông đồ trẻ Viên Hải đã quyết định dứt đường trần, dồn tất cả những suy ngẫm, chiêm nghiệm của mình vào chữ Việt. Ông đồ trẻ tâm sự: “Với tôi viết thư pháp như một nhu cầu nội tại. Mỗi khi có một cảm xúc bất chợt, nhất định tôi phải viết để giải tỏa hay nói cách khác viết chữ là cách giúp tôi an tịnh tâm hồn. Với tôi, chữ là thứ thanh cao nhất. Tôi viết chữ không vì mục đích kinh tế, có chăng chỉ là bán chữ làm từ thiện”.

 

Chuyện tình duyên của những ông đồ thời hiện đại - 2
Nhà thư pháp Viên Hải (ảnh trái) -  người dành trọn tình duyên cho chữ và hội thi chữ của những ông đồ tại Ninh Bình (tháng 4/2010)

 

Nói về khó khăn của việc viết thư pháp, ông đồ Mặc Chân Viên Hải tâm sự: “Chữ đẹp là chữ mà các nét phải dứt khoát, thể hiện được cái hồn, cái thần thái của chính người viết ra nó. Chính vì vậy, điều khó nhất của người viết thư pháp là phải tịnh tâm, dồn tất cả tâm hồn mình vào chữ. Tuy nhiên, trước khi viết, người viết cũng phải cân nhắc về bố cục, hình khối… có như thế mới có chữ đẹp và có dấu ấn của riêng mình”.

 

Nhà thư pháp Mặc Chân Viên Hải chia sẻ: “Cho đến giờ, tôi đã nguyện giữ trọn tình duyên với chữ Việt”. Bởi yêu chữ nên đã nhiều lần thầy đồng hành cùng chữ đi làm từ thiện. Hai cuộc triển lãm “Tâm sáng” (2009) và “Hương Sen” (2010) tại chùa Báo Ân của thầy đã quyên góp được gần 30 triệu đồng giúp đỡ những người bệnh tại các trại phong.

 

“Vợ động viên tôi từ ngày đầu viết thư pháp Việt”

 

Gần 40 năm kết duyên vợ chồng, sẻ chia tất cả những ngọt bùi đắng cay, ông đồ Phạm Gia Cẩn chưa lúc nào hết yêu thương người vợ tảo tần của mình. Hai ông bà lấy nhau từ năm 1971, khi ông còn là một thầy giáo cấp I.

 

Cách đây khoảng 10 năm, sau khi về hưu, sẵn niềm đam mê văn chương, thơ phú từ nhỏ cộng thêm sự gắn bó với chữ cả một đời, ông Phạm Gia Cẩn quyết định đăng ký học lớp thư pháp khóa I do cố họa sĩ Chính Văn giảng dạy. Biết chồng mình muốn theo nghiệp chữ, vợ ông lại tất tả chăm lo, ủng hộ chồng.

 

Chuyện tình duyên của những ông đồ thời hiện đại - 3
Ông đồ Phạm Gia Cẩn

 

Nói về nghề, ông đồ Phạm Gia Cẩn cho rằng: “Người ta không gọi là nghề thư pháp mà là chơi thư pháp và nghệ thuật không thể tính bằng tiền…”.

 

Nói về vợ, ông xúc động: “Ngày xưa tôi quen và cưới bà ấy là bố mẹ hai bên giới thiệu đấy chứ. Ngần ấy năm mà bà ấy lặng lẽ tảo tần không có than phiền một lời. Hết nghề giáo, lại thư pháp Việt, bà ấy luôn ở bên tôi, chăm lo từng bữa cơm, từng chén nước. Nếu không có bà ấy tôi chẳng thể an nhàn mà viết chữ được. Cũng chính bà ấy là cảm hứng cho nhiều chữ tôi viết”.

 

Giờ đây, lúc đã vào tuổi an nhàn, ông đã có thể thảnh thơi tham dự những buổi đàm đạo văn chương chữ nghĩa, rồi những cuộc triển lãm nghệ thuật… Và ông hiểu, phía sau những bức thư pháp tài hoa của ông vẫn luôn có hình ảnh một người phụ nữ tảo tần hôm sớm.

 

Quốc Đô - Anh Thế