1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghe “bà đồ” trải lòng trong ngày Hội ngộ ông đồ Việt

(Dân trí) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, 100 ông đồ đến từ 3 miền tụ hội tại khách sạn Hoa Lư (Ninh Bình) biểu diễn nghệ thuật thư pháp Việt. Thu hút được nhiều sự chú ý nhất chính là các “bà đồ” với những trải lòng của họ với nghệ thuật thư pháp.

“Bà đồ” Võ Kim Anh: Chỉ bán chữ cho người sành thư pháp

 

Gặp họa sĩ - nhà thư pháp Võ Kim Anh (CLB thư pháp Lạc Hồng) tại ngày Hội ngộ ông đồ Việt Nam lần I, ai cũng bị hút hồn vào những nét chữ Việt thảo trên giấy tài hoa của chị. Như thể vẻ quý phái của người phụ nữ trạc ngũ tuần này đã thấm đẫm vào từng nét bút.

 

“Bà đồ” Võ Kim Anh đến với thư pháp Việt cách đây đã chẵn 10 năm như một cơ duyên tiền định. Từ thuở đi học, chị đã đã có một tình yêu đặc biệt với chữ, nhất là với nghệ thuật thư pháp.

 

Tâm sự về niềm đam mê của mình, chị chia sẻ: “Tôi viết thư pháp theo cảm xúc. Khi vui, khi buồn tất cả đều hiện ra qua những nét chữ. Có thể nói chính thư pháp Việt là điểm tựa của tôi trước những vui buồn của cuộc sống vốn đầy rẫy bất trắc này”.
 
Nghe “bà đồ” trải lòng trong ngày Hội ngộ ông đồ Việt - 1
"Bà đồ" Võ Kim Anh bên kỷ lục Bộ thư pháp mẫu tự abc do nhiều người viết nhất (Ảnh trái) và nét mặt buồn man mác của "bà đồ" Trương Thị Cúc (ảnh phải)

 

Chị cho rằng. Muốn có chữ đẹp, người viết trước hết phải có một không gian tĩnh lặng đạt đến độ thiền, tốt nhất phải là phòng “Tứ Bửu” với một giàn đủ các loại mực, bút nghiên phù hợp từng nét chữ.

 

Khi nói về những quan điểm khác nhau về việc “bán chữ”, “bà đồ” Kim Anh đã chia sẻ rất thẳng thắn quan điểm của mình: “Có những chữ tôi phải viết đi viết lại mấy chục lần mới chọn được. Tôi hiểu giá trị tác phẩm tôi sáng tạo ra. Và tôi cũng chỉ bán chữ cho người sành thư pháp”.

 

“Nói thật, trong các cuộc triển lãm thường xuyên tại câu lạc bộ Lạc Hồng, chữ của tôi “bán” chưa bao giờ dưới 100 USD. Nhưng cũng có khi gặp người có tâm với chữ, tôi tặng chữ không lấy một đồng. Thực tế, chữ đã nuôi sống tôi cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần” - chị Kim Anh bày tỏ.

 

“Bà đồ” 21 tuổi viết thư pháp Việt bằng tất cả đam mê
 

Trong chiếu khai bút tại buổi Hội ngộ ông đồ Việt, nhiều ông đồ “thứ thiệt” rất ngạc nhiên khi thấy một cô tiếp tân xinh đẹp lấn cấn chuẩn bị nghiên bút mãi. Đến khi một ông đồ đại diện ban tổ chức hỏi ra thì mới biết đó cũng là một “bà đồ” thứ thiệt mới vừa 21 tuổi: Nguyễn Thị Vân Anh.

 

Đến từ CLB tập hiền thư quán tại Hà Nội, Vân Anh có lẽ là “bà đồ” trẻ nhất trong buổi Hội ngộ. Với chiều cao lý tưởng, khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng hồng lại đang trong độ tuổi đẹp của đời người, trong khi các bạn cùng trang lứa dành nhiều sự quan tâm cho các thú vui giải trí, Vân Anh lại lấy thư pháp Việt làm niềm đam mê. 
 
Nghe “bà đồ” trải lòng trong ngày Hội ngộ ông đồ Việt - 2

"Bà đồ" Nguyễn Thị Vân Anh khai bút và tự tin với sáng tạo với tác phẩm của mình
 

Vân Anh đến với thư pháp Việt cũng thật tình cờ. Vốn là sinh viên khoa tiếng Trung, em muốn làm quen với thư pháp tiếng Trung để nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Khi gặp nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh với những nét bút tài hoa, “bà đồ” Vân Anh chợt nhận ra rằng: “Hóa ra  những nét chữ Việt cũng có hồn của riêng nó. Thậm chí, với người Việt, chữ Việt còn mang hồn dân tộc hơn nhiều so với chữ Hán. Thế là từ đó đam mê thư pháp Việt”.

 

Dù mới đến với thư pháp Việt được một năm nay nhưng những nét bút của Vân Anh đã lấp lánh sự tài hoa. Em chia sẻ rằng với người trẻ tuổi như em, khi viết thư pháp khó nhất là phải tĩnh tâm, nhập tâm trong khi biết bao thứ đầy cám dỗ bên ngoài.

 

Thật may mắn cho “bà đồ” Vân Anh khi bố mẹ của em rất ủng hộ niềm đam mê này bởi lẽ họ nhận ra rằng thư pháp chính là văn hóa và không gì tốt hơn là để con gái của mình song hành cùng văn hóa.

 

Chính vì vậy, Vân Anh đã có những dự định dài hơi cho niềm đam mê của mình. Gần nhất có thể sẽ là một triển lãm thư pháp để em vững vàng hơn trong ngày Hội ngộ ông đồ Việt Nam lần thứ 2 vào năm tới.

 

“Tôi đã đánh đổi nhiều thứ để giữ lấy tình yêu với thư pháp Việt”

 

Trong buổi Hội ngộ có một “bà đồ” ít nói và thường thẩn thơ bên những bức thư pháp với một nét mặt man mác buồn. Đó là một “bà đồ” đến từ xứ Huế với bút pháp: Tràng Hoa Vàng.

 

Cũng đã gần 10 năm “dan díu” với thư pháp Việt, chị Trương Thị Cúc có những phút trải lòng về thư pháp và về cuộc đời đầy day dứt. Ban đầu chỉ là thích viết rồi tập viết và thế là chữ gắn với chị như một định mệnh.
Nghe “bà đồ” trải lòng trong ngày Hội ngộ ông đồ Việt - 3

Ngày hội 100 ông đồ lần đầu tiên tại Việt Nam 
 

Đến bây giờ thư pháp Tràng Hoa Vàng cũng đã có một chỗ đứng riêng trên đường Lê Lợi - Huế. “Bà đồ” Trương Thị Cúc bật cười kể: “Nhiều người đến quán thư pháp của tôi không tin tôi là người viết ra những chữ đó mà cứ nghĩ có một nhà sư nào gửi bán làm từ thiện và nhất định muốn tôi đưa đi gặp tác giả”.

 

Khi được hỏi gia đình riêng có ủng hộ “nghiệp chữ” của chị không, chị im lặng, khuôn mặt vẫn man mác một nỗi buồn xứ Huế, rồi bất chợt đọc hai câu thơ: “Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm”. Chị bảo đó là hai câu nhạc Trịnh mà chị yêu nhất. Hai câu hát đó đã ám vào đời chị. Nhẩn nha một chút, chị lại bảo: “Tôi đã đánh đổi nhiều thứ để giữ lấy tình yêu với thư pháp Việt”.

 

Chúng tôi hiểu rằng sau mỗi một bức thư pháp tài hoa kia, các “bà đồ” đã đốt cháy hết lòng đam mê của mình, đã hy sinh nhiều thứ, nhưng có một điều đáng trân trọng hơn là họ luôn tâm niệm rằng: “Viết thư pháp Việt để làm đẹp cho hồn Việt. Đó là tình yêu và đó không gì khác cũng chính là lòng tự tôn dân tộc”.

 

Quốc Đô - Anh Thế