Chuyện quanh một bức ảnh lịch sử
(Dân trí) - Tôi tìm về nhà ông Nguyễn Minh Phưởng, khi hay tin ông có liên quan đến bức ảnh lịch sử "bắt tên giặc lái Rôbe-Sumếchcơ" trên đất Quảng Bình. Và tôi đã được nghe câu chuyện lịch sử của 43 năm về trước...
Câu chuyện quá khứ...
Ngày 7/2/1965, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phát lệnh cho hàng trăm máy bay không quân Hoa Kỳ thực hiện cuộc tập kích chiến lược mang tên "Mũi lao lửa - 1", đánh vào thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới), Quảng Bình, mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Thiếu tá phi công Mỹ Rôbe-Sumếchcơ là một trong những phi công xuất sắc của không lực Hoa Kỳ, là con trai của Hairiman - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được giao nhiệm vụ thám thính lưới lửa phòng không của quân và dân Quảng Bình tại thị xã Đồng Hới.
Khoảng 13 giờ ngày 11/2/1965, khi Rôbe-Sumếchcơ lái chiếc F8U hạ độ cao, lao vào thị sát thì bị lưới lửa phòng không của quân và dân Quảng Bình bắn cháy ngay từ loạt đạn đầu. Trong lòng thị xã, hệ thống loa phát thanh phát đi tiếng hò reo vui mừng "Máy bay Mỹ cháy rồi, giặc lái nhảy dù, hãy bắt sống lấy nó..." và tiếng reo vui của hàng ngàn người hai bên dòng Nhật Lệ.
Ông Nguyễn Minh Phưởng cùng các ông Nguyễn Văn Cầm (quê Quảng Nam) khi đó là trung đội trưởng; cùng ông Phan Hiến (quê Cảnh Dương), công an vũ trang tỉnh Quảng Bình, đang chuẩn bị thao trường cho khoá huấn luyện thì phát hiện có máy bay rơi và phi công nhãy dù. Cả ba người lập tức mang theo vũ khí, tiến về hướng chiếc máy bay rơi.
Đến nơi, ông Cầm ở lại dập lửa máy bay. Ông Phưởng cùng ông Hiến chia hai hướng tìm tên giặc lái. Chạy được khoảng 500 mét, ông Phưởng phát hiện dấu vết tên giặc lái để lại. Phát hiện tiếng động lạ từ trong bụi cây, ông bật người qua và chĩa họng súng vào đầu tên giặc lái. Ngay sau đó, bằng một động tác võ thuật, ông đã khiến tên giặc lái phải quy hàng. Lúc đó là khoảng 16 giờ 30 phút.
Sau khi trói được tên giặc lái, ông lục tìm giấy tờ tùy thân có mang tên Rôbe-Sucmếchcơ và quan trọng là bản đồ đánh dấu các mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ trên đất Đồng Hới. Sau đó có chiếc xe U-oát chở hai phóng viên quân đội lên quay phim và chụp ảnh. Một trong những bức ảnh ghi lại việc ông dẫn tên phi công trong thế ngẩng cao đầu.
Những mẩu chuyện vui buồn xung quanh bức ảnh
Sau thành tích nói trên, ông Phưởng được kết nạp Đảng vào tháng 4/1965 rồi được cử đi học ở trường Đặc công Sơn Tây. Tại đây, ông được nghe một câu chuyện đáng tự hào, liên quan đến thành tích của mình: Năm 1968, tại Hội nghị Paris, trong giờ giải lao, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thuỷ - trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà và Hariman - Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ cùng giao hữu bóng bàn.
Séc 1 Bộ trưởng Xuân Thuỷ thắng, séc 2 Hariman thắng. Kiêu căng, Hariman đã ném chiếc raket về phía Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Ông Thủy lẳng lặng không nói, ném chiếc ví của mình xuống bàn, trong đó có cất giữ bức ảnh Rôbe-Sumếchcơ bị bắt sống, cúi đầu trước họng súng của ông Nguyễn Minh Phưởng. Nhìn tấm ảnh con trai bị bắt sống, Hariman đã thay đổi sắc mặt...
Rôbe-Sumếchcơ là tên giặc lái thứ 2 bị bắt - sau Anvơrét (bị bắt tại biển Quảng Ninh ngày 5/8/1964) - và là tên giặc lái bị bắt đầu tiên trên đất lửa Quảng Bình. Đó là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí quyết tâm thắng Mỹ của nhân ta. Câu chuyện của ông đã đi vào lịch sử nhưng thật đáng buồn, lịch sử đôi khi có phần không chính xác.
| |
Ông Phưởng buồn vì lịch sử đã bị thay đổi.
|
Một phóng sự trên truyền hình làm về sự kiện lịch sử này lại khẳng định, người bắt Rôbe-Sumếchcơ là một người khác. Trực tiếp xem chương trình đó, vợ ông Phưởng bất ngờ kêu lên: "Ơ ba mi là người bắt thằng giặc lái nớ, răng mà họ nói về ông mô đây!".
Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Lý Ninh" biên soạn, ấn hành năm 1999, cũng nói rằng "Người trực tiếp bắt sống Rôbe-Sumếchcơ là ông Trần Đình Vưng - xã đội trưởng xã Lý Ninh. Trung uý công an Phạm Xuân Tánh - công an hình sự phụ trách khu vực, cùng hai tiểu đội dân quân xã đều đã nói rằng ông Vưng mới chính là người trực tiếp bắt Rôbe-Sumêchcơ...".
* * *
Kể đến đây, ông Phưởng cười buồn: Những gì ông làm được trong quá khứ là đáng tự hào, ông cũng đã từng được đề nghị tặng bằng khen và huân chương cho người lập công xuất sắc, nhưng rồi tất cả đều đi vào im lặng. Lý do đưa ra là "ông không tước súng của Rôbe-Sumếchcơ khi bắt tên giặc lái này".
Ông nói, thiết nghĩ công trạng này cũng không to lớn lắm nhưng hy vọng đã là lịch sử thì cần sự chính xác, nếu sai thì nên đính chính lại. Đơn giản vậy thôi chứ ông cũng đâu có đòi hỏi gì nhiều.
Chia tay ông, nhìn lại bức ảnh mà ông đã cất công vào tận Huế để chụp lại làm kỷ niệm, chúng tôi thấy hình ảnh người chiến sỹ trong bức ảnh mãi là hình ảnh của người chiến sỹ cách mạng bất khuất, kiên cường, là hình ảnh đẹp trong kho tàng ảnh về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
Ông chào chúng tôi bằng câu nói vui: "Nếu Rôbe-Sumêchcơ còn sống, tôi hy vọng có được một ngày tái ngộ...".
Vĩnh Quý