1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gia Lai:

Chuyện ở ngôi làng “đẻ hết trứng thì thôi”

(Dân trí) - 96 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có 73 hộ thuộc diện nghèo. Gia đình nào cũng có 8-10 người con. Người dân tộc Xê Đăng ở làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, quan niệm rằng cứ “đẻ cho hết trứng thì thôi”.

45 tuổi - 12 con

 

 Bước vào làng Ea Lũh, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự giống nhau về nhà cửa. Chục ngôi nhà thì có đến 9 ngôi nhà được “đúc từ một khuôn”, bởi tất cả đều được xây dựng từ chương trình 134 của Nhà nước (từ năm 2005- 2007), một số nhà còn lại không giống vì mới tách khẩu. “Trước kia làng chỉ có nhà tranh hoặc dựng bằng tấm ván, lợp bằng tôn thôi”, anh Anh thôn trưởng nói.
 
Chuyện ở ngôi làng “đẻ hết trứng thì thôi” - 1

Cả làng toàn hộ nghèo, được xây nhà theo diện 134 của Chính phủ

 

Chị H’Jiar (47 tuổi), trưởng ban dân số của thôn, cho biết, trung bình mỗi hộ gia đình ở đây có từ  8-10 đứa con. Những gia đình sinh từ 10-12 người con cũng rất phổ biến. Theo chị, họ sinh nhiều như vậy là do trình độ nhận thức còn kém. Ngoài ra, họ luôn quan niệm “đẻ cho hết trứng thì thôi, đẻ ra nuôi không được thì mất, thế thôi”.

 

Bản thân chị H’Jiar được coi là người đẻ “ít” nhất trong số những gia đình đã lập gia đình từ khoảng 8 năm trở lên, nhưng cũng có 5 đứa con. Chị thật thà thừa nhận: “Trước đây mình cũng vậy thôi, cứ nghĩ đẻ như thế nào thì đẻ. Mãi sau mới thấy đẻ nhiều khổ quá nên không đẻ nữa”.

 

Đạt “kỉ lục” nhất phải kể đến gia đình anh Dóc. Mới 45 tuổi nhưng anh Dóc đã có tới 12 người con, trong đó có 3 người con đã mất vì quá nghèo đói, bệnh tật không có tiền chữa trị. Đứa bé nhất đang học lớp 3, cậu con trai đầu đã lập gia đình và cũng đã sinh được 3 người con.

 

“Ngày trước mình có biết gì đâu, mình cứ lên rừng đi săn về là hồi sau vợ mình đẻ à. 3 đứa con của mình mất lâu rồi, chúng sang Campuchia rồi, lúc nào mình lên thiên đường là sẽ gặp được chúng thôi”, anh Dóc tâm sự với chúng tôi.

 

Cũng không kém phần “hoành tráng” là gia đình anh Kim có đến 15 nhân khẩu. Trong đó trừ 3 đứa em nhỏ chưa lập gia đình đang ở với vợ chồng anh, còn lại là 10 đứa con của anh.

 

Làng có hơn 1.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 16 người già trên 60 tuổi. 10 gia đình có từ 2-3 con đều đang còn rất trẻ. Trẻ em và thanh niên chiếm đến hơn 800 người nhưng chỉ có khoảng hơn 120 em còn đi học. Những em còn lại đều đã theo cha mẹ đi kiếm sống.
 
Chuyện ở ngôi làng “đẻ hết trứng thì thôi” - 2
Anh Dóc (áo trắng) không biết tại sao vợ mình lại đẻ nhiều như vậy

 

Nghiện rượu và không thích tránh thai

 

Vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân làng Ea Lũh  đã khá hơn do dân làng có thêm thu nhập từ việc đi hái chè thuê từ cánh đồng chè nằm ngay cạnh làng. Vì vậy, nhận thức của người dân cũng đã tiến bộ hơn, đặc biệt là lớp trẻ; nên “lịch sử u ám” của làng đang có chiều hướng đổi mới.

 

Chị H’Jiar tâm sự, cách đây khoảng 4 năm, tất cả đàn ông và đàn bà đã lập gia đình đều là “con ma men”. Dù cuộc sống còn nghèo khổ, thiếu ăn, con cái thất học nhưng bất kì nhà nào cũng nấu rượu mì (sắn) để uống. Cứ sắp hết nồi rượu này họ lại nấu nồi rượu khác.

 

Mỗi buổi tối, đàn ông, đàn bà trong làng tập trung thành nhóm 5 - 7 người tại một nhà nào đó để “cụng ly”. Nhưng vài năm trở lại đây, hầu hết đàn bà trong làng đã “cắt” được “cơn” thèm rượu, chỉ uống khi nhà có việc giỗ tết. Nguyên nhân rất khách quan: “Trước đây cả làng trồng mì gòn nên nấu được rượu. Nhưng 3 năm trở lại đây làng nghe theo xã, huyện tuyên truyền bỏ cái xấu. Làng không trồng mì gòn nữa vì nó không năng suất mà trồng mì cao sản. Mì cao sản không nấu được rượu, lúc đầu thèm mỗi hôm đi làm về là lại mua 1-2 nghìn rượu trắng của người Kinh về uống. Sau không có tiền nữa nên bỏ rượu luôn” - chị H’Jiar tâm sự.

 

Trở lại vấn đề sinh đẻ “kinh hoàng” của thôn, anh trưởng thôn trả lời: “Cái đó thì chịu, do ý thức của người dân thôi chứ. Chúng tôi nói miết nhưng họ đâu có nghe, tháng nào họp thôn, chúng tôi cũng lồng ghép ban dân số vào để tuyên truyền cho họ đấy chứ”.

 

Chị H’Jiar cũng chia sẻ: “Cái này cũng vất vả trả lời lắm. Đẻ nhiều thì phải cố làm thôi, không nuôi được thì mất đi, thế thôi. Mấy năm trước có phát bao cao su cho các gia đình, nhưng họ không nhận, vứt hết đi vì không biết sử dụng. Họ không dám lấy vì sợ sẽ ảnh hưởng đến thai”.

 

Rồi chị hy vọng: “Lớp trước cho qua thôi, thế hệ trẻ nay biết dần dần. Họ cũng biết bỏ rượu rồi”.

 

Thiên Thư