1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Chuyện người mẹ kế triệt sản để toàn tâm lo cho 8 con riêng của chồng

(Dân trí) - Khi bà Hoa quyết định gắn bó với ông Đức, nhiều người bảo bà gàn, thà ở vậy nuôi thân còn hơn còng lưng nuôi 8 đứa con riêng của chồng. Vượt qua dư luận, bà vẫn đến với ông và cùng ông chăm lo cho các con. Thậm chí, sau khi được làm mẹ, người phụ nữ này còn triệt sản để toàn tâm lo cho đàn con.

"Bánh đúc có xương"

Năm 2000, vợ ông Trần Văn Đức (SN 1955, trú xóm 5, xã Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An) đột ngột qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não khi đứa con thứ 8 mới được 2 tháng tuổi. Thương vợ sớm đoản mệnh, thương các con còn thơ dại, ông Đức cố gắng xoay sở lo cho các con.

Ông Trần Văn Đức và người vợ thứ 2 của mình.
Ông Trần Văn Đức và người vợ thứ 2 của mình.

Dẫu đã có gắng hết sức nhưng chứng kiến các con bữa no bữa đói, chui rúc trong túp lều rách nát tạm bợ, ông cũng muốn tìm một người phụ nữ về đỡ đần mình. Nhưng liệu có ai có thể chấp nhận “đèo bòng” 8 đứa con lít nhít của ông? Liệu người ta có yêu thương được con Mỹ (SN 1979) bị câm điếc bẩm sinh? Bao nhiêu câu hỏi bủa vây khiến ông chần chừ…

Năm 2006, mọi người mai mối cho ông gặp bà Phan Thị Hoa (SN 1970, xã Thanh Thịnh, Thanh Chương). Bà Hoa kém duyên nên muộn chồng, cũng tính ở vậy suốt đời nhưng thương người đàn ông thật thà, hiền lành có phần khắc khổ bà lại thấy xuôi xuôi.

“Về nhà ông ấy, thấy 8 đứa con gày gò, rách rưới tôi thương quá. Cái khổ của phận mồ côi thôi thấm thía lắm (bà Hoa mồ côi mẹ từ nhỏ - PV), cái phận mình đành vậy nhưng 8 đứa trẻ có tội gì. Tôi quyết định bầu bạn với ông ấy, ghé lưng chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của các cháu”, bà Hoa tâm sự.

Ngày bà quyết định gắn bó với cha con ông Đức, nhiều lời bàn ra tán vào. Người ta bảo đã ở cái tuổi này rồi thì ở vậy nuôi thân cho sướng, việc gì phải cực khổ mà nuôi con người, biết chúng nó có yêu thương mình không hay lại hắt hủi… Kệ, bà đạp qua dư luận, về làm vợ ông Đức trong năm đó.

Chân dung người mẹ kế triệt sản để toàn tâm lo cho con riêng của chồng.
Chân dung người mẹ kế triệt sản để toàn tâm lo cho con riêng của chồng.

Ngày cưới chẳng có quần áo đẹp, chẳng có lễ rước dâu, chẳng có mâm cao cỗ đầy. Thứ duy nhất ông Đức có là căn nhà tạm bợ rách nát cùng đoàn con nheo nhóc. Ngay sau ngày cưới là tháng ngày quần quật làm việc của người mẹ kế để nuôi con chồng ăn học. Thương cảnh nghèo khó, túng quẫn, người nhà ông Đức cho hai vợ chồng mượn một mảnh đất ở Nông trường chè Thanh Mai để có kế sinh nhai.

Để lo ngày 3 bữa cơm cho các con, bà Hoa cùng chồng giật gấu vá vai, cào cấu lặt cỏ, bươi đất chăm chút nương chè của mình. Rồi bà đứng ra dựng vợ, gả chồng cho 4 con riêng của chồng. Dù có khó khăn đến mấy bà cũng cố gắng chu toàn trách nhiệm của một người mẹ để các con chồng không phải tủi thân trong ngày trọng đại của mình. Từ chỗ 43kg bà sút xuống còn 37kg…

“Ban đầu các cháu cũng không mấy thiện cảm với tôi nhưng tôi hiểu, các cháu sợ cái cảnh “mẹ kế con chồng”. Cũng tủi thân nhưng tôi không dám trách, chỉ biết cố gắng hết sức để các cháu thấu hiểu thôi”, bà Hoa trải lòng. Rồi tấm chân tình của bà Hoa cũng được các con thấu hiểu. Từ hiểu, họ thương và trân trọng người mẹ kế của mình hơn.

Đình sản để toàn tâm lo cho các con

Năm 2007 bà Hoa hạ sinh bé Trần Quang Huy. Đứa bé vừa lọt lòng mẹ, bà Hoa nhờ các bác sỹ thắt ống dẫn trứng cho mình. Biết bà hạ sinh lần đầu nên các bác sỹ hết sức ngạc nhiên nhưng rồi khi nghe tâm sự của người mẹ kế, các bác sỹ đồng ý làm theo yêu cầu. “Được chăm sóc đứa con mình đứt ruột đẻ ra ai mà không vui nhưng tôi sợ cái ảnh con chung, con riêng, sợ các con chồng phải chạnh lòng buồn tủi, sợ sinh thêm nữa thì không thể cáng đáng chăm sóc cho tất cả các cháu”, bà Hoa giãi bày.

Dựng vợ gả chồng cho các con, bà Hoa cùng chồng chăm sóc đứa con gái đầu khuyết tật và con trai bị ung thư.
Dựng vợ gả chồng cho các con, bà Hoa cùng chồng chăm sóc đứa con gái đầu khuyết tật và con trai bị ung thư.

Nói về người mẹ kế, chị Trần Thị Thịnh (SN 1988) con gái thứ 4 của ông Đức tâm sự: “Mẹ Hoa về, người ta bảo “mấy đời bánh đúc có xương”, nên chị em chúng tôi sợ, từ sợ dẫn đến giữ khoảng cách chứ cũng không dám ghét bỏ gì. Nhưng rồi chính sự tận tâm, chu toàn, không nề hà của mẹ dần khiến chúng tôi mở lòng hơn. Rồi khi lấy chồng, sinh con, tôi hiểu hơn hết nỗi lòng, sự hi sinh và yêu thương vô điều kiện mà mẹ Hoa dành cho chúng tôi. Từ chỗ giữ khoảng cách, gọi bằng dì, dần dần chúng tôi gọi mẹ Hoa một cách tự nhiên hơn. Hết chăm con chồng, giờ mẹ lại phụ chúng tôi trông nom các cháu”.

Sau thời gian đi làm thuê, năm 2014, em Trần Văn Thắng – con riêng thứ 7 của ông Đức bị chẩn đoán bị ung thư. Biết bệnh, bà kéo con về, vay mượn tiền bạc đưa con ra Hà Nội “còn nước còn tát”. Nhìn con gày gò, đau đớn vì những lần hóa trị, xạ trị, bà thức suốt đêm, xoa tay chân, lau từng giọt mồ hôi rịn lên trán cho con.

Nhìn cái cách bà Hoa chăm sóc Thắng, không ai nghĩ giữa hai người không có quan hệ máu mủ ruột rà. “Thắng tình cảm lắm, khi mẹ mất Thắng mới 3 tuổi, giờ lại mắc cái bệnh quái ác này. Nhiều đêm thấy con đau đến vã mồ hôi, cứ siết chặt tay tôi mà gọi lại thấy thương con vô hạn, khi đó chỉ ước mình có thể gánh nỗi đau cho con…”, người mẹ quay đi, dấu giọt nước mắt đang chực lăn xuống.

Người mẹ kế tần tảo trên cánh đồng chè để ghé vai cùng chồng lo cho 9 đứa con cả chung lẫn riêng.
Người mẹ kế tần tảo trên cánh đồng chè để "ghé vai" cùng chồng lo cho 9 đứa con cả chung lẫn riêng.

Từ chỗ chỉ có một túp lều tranh tạm bợ, giờ vợ chồng ông Đức đã có căn nhà khang trang. Điều ông hãnh diện nhất là các con riêng của mình xem bà Hoa như mẹ ruột và các con yêu thương nhau, không có sự phân biệt con riêng, con chung. “Nhờ bà ấy cả đấy”, ông Đức hãnh diện khoe.

Ông Trần Quốc Dũng – Chủ tịch Công đoàn đội 1, Xí nghiệp chè Thanh Mai nhận định: “Hiếm có người phụ nữ nào được như bà Hoa. Thương chồng, yêu con, tần tảo hôm sớm, lo cho các con riêng của chồng…”.

Hoàng Lam