1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện người lính vẽ hàng chục sơ đồ giúp tìm mộ liệt sĩ

(Dân trí) - Rời quân ngũ từ chiến trường Lào với những thương tật chiến tranh in hằn trên thân thể, người thương binh 4/4 Nguyễn Hồng Hà không ngồi yên hưởng niềm vui hòa bình mà tiếp tục trăn trở với hành trình tìm mộ các đồng đội.

Chúng tôi tìm về thôn 2 Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hoá) giữa ngày hè oi bức của tháng 7 để tìm gặp thương binh Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1946), người năm xưa từng cầm súng chiến đấu tại chiến trường Lào ác liệt và nghe những tâm sự, trăn trở của ông về cuộc hành trình tìm mộ các liệt sĩ tại chiến trường Lào qua trí nhớ.

Tự hào cuộc đời khoác áo lính

Ông Nguyễn Hồng Hà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Ông Hà là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em; sinh ra trong thời kỳ đất nước đang bị giặc Mỹ bắn phá nên sớm mang trong mình lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi quân thù xâm lược.

Chuyện người lính vẽ hàng chục sơ đồ giúp tìm mộ liệt sĩ - 1
Ông Hà chỉ vào sơ đồ vị trí của những khu mộ

Năm 17 tuổi, Nguyễn Hồng Hà nhập ngũ vào A 927; B8; C3; D923, sang chiến trường Lào chiến đấu. Khi đến địa phận cửa khẩu Na Mèo, anh Hà cùng đồng đội được thay sang quần áo bộ đội Pha - Thét Lào.

Ông Hà nhớ lại: “Tôi rất ngạc nhiên khi biết anh Đạo (anh trai anh Hà - PV) cũng đang đóng quân tại Sâm Nưa, Pha - Thí thuộc đơn vị D923. Hai anh em gặp nhau mừng rơi nước mắt, lòng nghẹn ngào không nói nên lời. Từ đó, chúng tôi chiến đấu trong cùng một đơn vị”.

Rồi ông Hà chợt cúi mặt, giọng nghẹn ngào: “Nhưng số anh Đạo nhà tôi không được hưởng niềm vui của ngày chiến thắng, ngày đất nước hòa bình. Anh ấy đã hy sinh năm 1966 trong một trận đánh ở Hội Tô nhưng tôi cũng không đến gặp anh ấy được, bởi lúc đó tôi cũng bị thương ở đầu và đang nằm điều trị tại bệnh viện. Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa tìm được mộ của anh ấy”.

Sau một tháng huấn luyện, đến tháng 5/1965, ông Hà được đánh trận đầu tiên là trân Hối Uốn ở Mường Hàm. “Lần đầu tiên cầm súng nên tôi cũng thấy hơi lo lắng, nhưng khi nhìn thấy khí thế quân ta xông lên như “vũ bão” thì tôi quên hết mọi chuyện và chiến đấu như một người lính thực sự.

Tôi nhớ nhất là cuộc hành quân 7 ngày đêm đến Mường Hàm, khó khăn và vất vả vô cùng. Lúc đó tôi còn rất trẻ, lại mới nhập ngũ nên đang còn tâm trạng nhớ nhà, vừa hành quân vừa khóc. May mắn được các anh động viên, an ủi nên tôi cũng quen dần”, ông Hà tâm sự.
 
Chuyện người lính vẽ hàng chục sơ đồ giúp tìm mộ liệt sĩ - 2
Những sơ đồ của ông đã giúp tìm ra hàng trăm ngôi mộ của đồng đội

Trận đánh khiến ông nhớ nhất và ác liệt nhất là trận Sầm Nưa - Pha - Thí. Sau trận đánh này, ông được phong từ binh nhất lên hạ sĩ, sau này được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1967, đơn vị của ông Nguyễn Hồng Hà lại được phân công đánh cứ điểm Pha Thí “Pháo đài bất khả xâm phạm” của địch. Sau 2 giờ đồng hồ đánh phá, đơn vị D923 đã chiếm được toàn bộ Pha Thí và giành thắng lợi hoàn toàn.

Ông Hà tự hào: “Sau này, D923 được gọi là “Đơn vị thép trên núi thép”. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của tôi tại chiến trường Lào. Đến năm 1968, tôi được chuyển về nước”.

Buồn vui hành trình tìm kiếm mộ đồng đội qua trí nhớ

10 năm đóng quân và chiến đấu tại chiến trường Lào, năm 1975 đơn vị ông Hà được chuyển về Việt Nam và vào Buôn Mê Thuật. Đại đội của ông đang hành trình vào Tây Nguyên thì nhận được thông tin chuyển ra Anh Sơn (Nghệ An) để làm công tác huấn luyện các chiến sĩ mới ngập ngũ. Tháng 8/1975, ông Nguyễn Hồng Hà xuất ngũ với niềm vui thống nhất đất nước và đoàn tụ với gia đình.

Về quê nhưng không có giấy tờ trong tay nên ông Hà không được hưởng một chế độ nào. “Tuy không được hưởng chính sách gì, nhưng tôi cũng thấy mình còn may mắn là được trở về với người thân, với gia đình và quê hương. Nhiều đồng đội chiến đấu cùng tôi đang còn phải nằm nơi rừng thiêng nước độc, không người hương khói”.
 
Chuyện người lính vẽ hàng chục sơ đồ giúp tìm mộ liệt sĩ - 3
Chiếc va li được làm từ vỏ xác máy bay Mỹ chứa đựng những kỷ vật rất có ý nghĩa với ông

Chính câu nói của một đồng đội lúc hấp hối “Khi đất nước hòa bình, nếu người nào còn sống, hãy cố gắng tìm hài cốt đồng đội đưa về quê nhà” đã thôi thúc ông muốn làm một điều gì đó để giúp người nhà các chiến sĩ đã hi sinh.

Và năm 2004, tình cờ ông gặp lại một đồng đội cũng từng chiến đấu tại chiến trường Lào và đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, ông bắt đầu cuộc hành trình tri ân tìm mộ các liệt sĩ.

Qúa trình chiến đấu với quân thù tại chiến trường Lào với những vết thương ở tay, đầu nên sức khỏe của ông rất yếu. Ông Hà không đi bộ được lâu và cũng không ngồi được xe vì toàn thân đau nhức, ông chỉ làm được những việc nhẹ trong gia đình. Vì vậy ông Hà không thể trực tiếp tham gia vào hành trình đi tìm mộ, và ông đã nghĩ ra một cách khác.

“Tôi bắt đầu tìm mộ các đồng đội của mình qua trí nhớ. Tôi mường tưởng lại quá trình chiến đấu, di chuyển và nơi chôn cất những đồng đội đã hi sinh. Những lúc đó, tôi lại lấy giấy bút ra vẽ thành sơ đồ trận địa, vị trí mộ rồi liên lạc với người nhà các đồng đội hay Ban chỉ huy quân sự tỉnh để họ sang tìm kiếm”.

Suốt mấy chục năm qua, ông Hà đã vẽ hàng chục sơ đồ trận địa, vị trí khu mộ với đường nét bài bản, chi tiết và dễ hiểu. Năm 2004, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và đội quy tụ mộ chí ở chiến trường Lào đã liên lạc với ông Hà để phối hợp tìm hài cốt các liệt sĩ.

Thế là, những sơ đồ được vẽ từ trí nhớ của một người lính từng “vào sinh ra tử” tại chiến trường Lào trở thành tài liệu quan trọng của đội tìm mộ.

Anh Trần Đại Định, một thành viên đội tìm mộ cho biết, sau tháng đầu tiên, đội đã tìm được hơn 30 hài cốt. Đội vô cùng ngạc nhiên khi có những vị trí tìm thấy hài cốt không lệch nhau là mấy so với sơ đồ, thậm trí chính xác đến từng mét. Có lần, khi đội tìm mộ đang bên Lào, đêm nằm ngủ ông Hà nằm mơ thấy đồng đội hiện về chỉ vị trí nơi họ đang nằm và ông đã điện thoại ngay cho anh Định, kết quả tìm được 15 bộ hài cốt.
 
Chuyện người lính vẽ hàng chục sơ đồ giúp tìm mộ liệt sĩ - 4
Ông Hà nhận danh hiệu 30 năm tuổi Đảng

Từ năm 2004 đến nay, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa kết hợp với Đội quy tụ mộ chí ở chiến trường Lào và ông Nguyễn Hồng Hà đã tìm được hơn 100 bộ hài cốt trở về với người thân các gia đình.

Hiện tại, ông Hà đang sống cuộc sống bình dị cùng vợ là bà Phạm Thí Lý tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Vợ chồng ông có 4 người con và đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Vợ chồng ông quanh năm gắn bó với 3 sào ruộng và số tiền trợ cấp thương binh của ông Hà.

Ông Hà trăn trở: “Tôi chỉ mong trí nhớ của mình còn minh mẫn để có thể góp chút công sức nhỏ nhoi trong việc tìm kiếm hài cốt các đồng đội. Tôi cũng mong sẽ nhận được hợp tác của các cơ quan ban ngành về việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ tại chiến trường Lào và sớm tìm được hài cốt của anh Đạo về nhà hương khói”.

Lan Anh - Duy Tuyên