"Chuyện lạ" ở dự án trăm tỷ: Thiếu nước do… lúa cần nhiều nước (!?)
(Dân trí) - Chủ đầu tư khẳng định dự án thủy lợi gần 200 tỷ thi công đúng thiết kế. Nhưng ở cuối kênh, hàng chục nông dân vùng trọng điểm lương thực Buôn Chóah tuyệt vọng khi cả trăm ha lúa sắp "chết khát".
Có bất cập nhưng... đúng thiết kế
Báo Dân trí từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thiếu nước trầm trọng ở vùng trọng điểm lương thực Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) từ đầu vụ đông xuân đến nay.
Chưa bao giờ, vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của tỉnh Đắk Nông rơi vào tình trạng thiếu nước sản xuất. Thời gian gieo sạ bị chậm gần 1 tháng khiến cao điểm mùa khô, nhiều mảnh ruộng đã nứt nẻ, cỏ mọc cao hơn lúa.
Nguyên nhân là bởi công trình thủy lợi chống hạn của tỉnh Đắk Nông không thể dẫn đủ nước về tới tận ruộng. Đặc biệt, đoạn cuối kênh, nước chỉ đủ thấm nền, khiến người dân phải dùng máy bơm, bơm nước vào ruộng để cứu lúa.
Trước phản ánh của báo chí, ngày 18/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã trực tiếp đi kiểm tra Công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô, trong đó có hai trạm bơm xã Buôn Chóah. Tại buổi làm việc, ông Yên khẳng định, có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô).
Ông Yên yêu cầu, các đơn vị liên quan (chủ đầu tư, địa phương, đơn vị khai thác vận hành) không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà tập trung khắc phục tình trạng thiếu nước, để sản xuất kịp thời vụ.
Tuy nhiên, 2 tháng sau, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Nông nghiệp- chủ đầu tư) lại báo cáo với UBND tỉnh Đắk Nông rằng, công trình không có bất cập và được thi công đúng theo thiết kế.
Theo chủ đầu tư, việc nhiều cánh đồng lúa thiếu nước là do… lúa cần nhiều nước hơn các cây trồng khác. Đặc biệt, do việc chuyển đổi diện tích cây trồng từ cây hoa màu sang cây lúa khiến diện tích cây lúa tăng hơn so với các năm, dẫn đến hệ thống máy bơm không đáp ứng được nhu cầu dùng nước của người dân.
"Do nhu cầu sử dụng nước của cây lúa cao hơn so với các cây hoa màu khác, dẫn tới việc thiếu nước cục bộ tại các trạm bơm….", chủ đầu tư kết luận nguyên nhân thiếu nước.
Ai hưởng lợi từ dự án trăm tỷ?
Theo quyết định phê duyệt dự án, Công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô sẽ góp phần phục vụ nhu cầu cung cấp nước sản xuất cho gần 600ha lúa tại vùng trọng điểm lương thực xã này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nông dân tại vùng sản xuất này đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi công trình chưa phát huy tác dụng.
Ngày 19/3, phía cuối kênh dẫn của công trình, nước vẫn chưa thể dẫn về mặc dù đầu kênh, hai máy bơm đã hoạt động hết công suất. Hàng chục người dân xã Buôn Chóah vẫn túc trực 24/24h tại cánh đồng để thay nhau bơm nước vào ruộng cứu lúa. Vụ đông xuân của hàng chục nông dân ở đây có nguy cơ mất trắng.
Trên diện tích gần 7 sào lúa ST 24, ông Phạm Văn Sổ (trú thôn Bình Giang) xót xa khi cỏ đã mọc cao hơn lúa. Gần 30 năm làm lúa, ông Sổ chưa bao giờ rơi vào tình cảnh cả "nồi cơm" của gia đình đang đứng trước nguy cơ chết khát vì thiếu nước trầm trọng.
"Ruộng nhà tôi ở trên cao, nước không thể dẫn về nên chỉ trông chờ vào máy bơm. Từ đầu mùa tới nay, máy bơm của cả thôn hoạt động hết công suất, cháy liên tục. Bây giờ cả cánh đồng chỉ còn 1 chiếc duy nhất hoạt động nên phải thay phiên nhau bơm nước. Ruộng không có nước, cỏ đã mọc cao gấp đôi lúa rồi!", ông Sổ nói.
Gần 70 tuổi, nhưng đã 75 đêm qua kể từ ngày xuống giống cho hơn 2ha lúa, ông Vũ Ngọc Son (trú thôn Bình Giang) gần như thức trắng. Từ bơm nước để đổ ải, gieo sạ đến lấy nước cho lúa làm đòng, bón phân, ông Son đều phải dùng đến máy nổ. Con kênh dẫn nước nằm "chình ình" giữa ruộng nhưng trơ đáy càng khiến những nông dân như ông Son tuyệt vọng.
"Nếu đã nói công trình được xây dựng lên để phục vụ bà con nhân dân thì nước phải về đến ruộng. Thế nhưng hàng chục hộ dân, hơn 50 ha lúa ở đây không lấy được nước từ kênh thủy lợi, thì sao lại nói phục vụ bà con?", ông Son bức xúc.
Theo ghi nhận, từ sáng sớm đến tận đêm muộn ngày 19/3, trên cánh đồng Buôn Chóah vẫn có hàng chục người dân túc trực bên ruộng để chờ lấy nước. Cá biệt, vì không thể chờ được máy bơm, có hộ dân đã phải khoan… 4 cái giếng để bơm nước cứu lúa. Xã Buôn Chóah xuất hiện cảnh tượng xưa nay chưa từng có, cả cánh đồng sáng rực đèn đêm vì nông dân phải ngủ ngay trên bờ ruộng để lấy nước.
Lãnh đạo UBND xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) khẳng định, so với thời điểm đầu mùa vụ thì đến nay tình trạng thiếu nước sản xuất cơ bản đã được giải quyết do người dân "tự tìm cách cứu lúa". Trước khi chờ kênh dẫn được nước về thì người dân tự dùng máy bơm hoặc khoan giếng, đưa nước vào ruộng để kịp thời vụ.
"Chắc chắn vụ mùa năm nay nông dân sản xuất lúa bị ảnh hưởng cả về chất lượng và sản lượng. Địa phương chỉ hy vọng các cấp, ngành sớm xử lý dứt điểm để bà con ổn định sản xuất", vị này nói.
Công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán tại Krông Nô có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là gần 170 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế công trình.