Chuyện “lạ” ở chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam
(Dân trí) - Khi người dân đang “ăn lên làm ra” nhờ nghề mua bán lợn, chính quyền địa phương lại “dồn” các tiểu thương phải đưa lợn vào chợ đầu mối của một doanh nghiệp tư nhân. Đáng nói hơn, nhiều “chuyện lạ” tại khu chợ này đã bị người dân phát giác.
“Bỗng dưng” thất nghiệp
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại xã An Nội (huyện Bình Lục, Hà Nam), khoảng 10h ngày 18/1/2013, một nhóm khoảng 50 người gồm Công an huyện Bình Lục, Thanh tra giao thông huyện, Phòng Công thương huyện và Công an xã An Nội tới đập phá hệ thống tường ngăn cách giữa một số gia đình tại đây.
Tìm hiểu tại địa phương được biết, từ nhiều năm nay, xã An Nội ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn nghề phụ là tổ chức mua bán lợn tại các lò lợn ở địa phương. Nghề phụ này đã giúp nhiều gia đình ở An Nội xóa đói giảm nghèo, hình thành lên tiếng tăm “trạm chung chuyển lợn” trong và ngoài tỉnh. Mọi hoạt động kinh doanh đang yên ổn thì có doanh nghiệp từ Hà Nội về địa phương làm dự án xây dựng chợ đầu mối chuyên thu mua lợn từ các nơi về.
Ngày 18/1/2013, chợ đầu mối bắt đầu khai trương, đi vào hoạt động. Thế nhưng, thay vì niềm vui có chợ mà người dân xã An Nội đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì những hoạt động mang tính “ngăn sông, cấm chợ” của chính quyền nơi đây.
Chị Phạm Thị Tuyết, một người kinh doanh lợn tại xã An Nội, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nộp đơn lên chính quyền để xin giấy phép kinh doanh nhưng bị từ chối. Lò lợn đang hoạt động bình thường từ nhiều năm, bỗng nhiên ngày 18/1 có rất nhiều công an đến đập tường nhà chúng tôi mà không hề có bất kỳ thông báo gì.”
Cùng chung bức xúc với chị Tuyết, chị Cù Thị Hà (SN 1973), một người dân tại xã An Nội, nói: “Từ khi chợ lợn bắt đầu hoạt động, hàng ngày có một tốp Cảnh sát giao thông đứng chốt chặn trước cửa nhà chúng tôi để kiểm tra các xe vi phạm giao thông. Vì thế, những xe chở lợn từ các nơi không dám vào chỗ chúng tôi để mua bán lợn nữa. Điều đáng nói là cùng những xe đó, nếu chở thẳng vào chợ của doanh nghiệp Đức Tín thì không hề bị dừng kiểm tra hay bị phạt gì.”
Vì đâu “cấm chợ, ngăn sông”?
Được biết Công ty tư nhân Đức Tín được UBND tỉnh Hà Nam cho phép xây dựng chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam với chức năng và nhiệm vụ là thu mua lợn. Các tiểu thương tại đây cho biết, lợn đưa vào chợ bán bị thu với giá tiền 12 nghìn đồng/con. Nếu không bán hết trong ngày, lợn còn bị tính thêm khoản tiền lưu chợ là 5 nghìn đồng/con/ngày. Ngoài ra, mỗi lần ra vào, các tiểu thương đều bị thu tiền tùy thuộc vào ô tô hay xe máy. Trong khi đó, lợn bán tại các lò của các hộ gia đình chỉ thu có 3-5 nghìn đồng một con.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Hiệp - Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Lục - cho rằng: “Việc tổ chức phá tường ngày 18/1/2013 của lực lượng chức năng nằm trong kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông theo kế hoạch của huyện, còn hoạt động là kinh doanh tại chợ đầu mối là đảm bảo về vệ sinh.”
Tuy nhiên, thực tế quan sát của chúng tôi cho thấy, khu chợ đầu mối này có dấu hiệu xả thải trực tiếp ra môi trường, còn lực lượng cán bộ thú y kiểm tra, kiểm dịch động vật thì không thấy “bóng nào”.
Theo quan sát, việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối này rất sơ sài, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng thô sơ, có dấu hiệu xả thải trực tiếp ra con mương bên ngoài, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân liền kề. Nước ở con mương này cũng đã bắt đầu chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối.
Trong khi đó, ngày 13/12/2012 chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng đã ký Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND về những quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó cơ sở kinh doanh động vật phải cách xa khu dân cư, xa trường học, bệnh viện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, và các giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, người dân đã cung cấp cho phóng viên những clip ghi lại nhiều cảnh đánh bạc với số tiền lớn ngay tại chợ đầu mối. Điều đáng nói, cách đó không xa, lực lượng chức năng bao gồm cả cảnh sát vẫn yêu cầu người dân phải mang lợn vào khu chợ của công ty Đức Tín này để buôn bán mà không hề hay biết gì về chuyện đánh bạc(?).
Liên quan đến việc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khuông - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam - cho biết sẽ xem xét và giải quyết sự việc phóng viên nêu; đồng thời sẽ làm việc với Công an huyện Bình Lục xung quanh những ý kiến của người dân về việc cảnh sát giao thông ép họ phải vào chợ của công ty Đức Tín để kinh doanh.
Thanh Hà - Tiến Nguyên