Chuyện kể của ca khúc 19 tháng Tám tròn 65 tuổi

Hôm nay ca khúc “19 tháng Tám” tròn 65 năm tuổi nhưng người sáng tác ca khúc ấy đã không còn. Một chứng nhân lịch sử của dân tộc đã đi xa nhưng ca khúc để đời của ông còn mãi vang vọng theo chiều dài lịch sử dân tộc!

Mỗi năm, ca khúc bất hủ ấy lại vang lên vào một dịp đặc biệt của cả dân tộc Việt Nam, đó là những ngày thu rạng ngời niềm vui kỷ niệm chiến thắng Cách mạng Tháng 8 lịch sử. Lời ca tiếng hát ấy đã ăn sâu vào lớp lớp thế hệ người Việt Nam từ sau ngày thu lịch sử 19/8/1945:

 

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung

Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới

Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”

 

Chuyện kể của ca khúc 19 tháng Tám tròn 65 tuổi - 1

Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Ảnh tư liệu

 

Với giai điệu hào hùng nhịp nhịp bước, ca khúc vang lên người nghe không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào dâng tràn:

 

“Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề

Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa

Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam

 

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung”

 

Với những người thuộc thế hệ trước, những người bây giờ lớp trẻ chúng tôi gọi bằng ông, bà, ca khúc này gợi lại những tháng ngày có lẽ không thể quên trong cuộc đời họ, những ngày tháng họ cống hiến tuổi trẻ cho công cuộc giành độc lập cho Tổ quốc.

 

Với lớp trẻ chúng tôi, từ ngày còn nhỏ lời ca của ca khúc 19 tháng Tám đã ăn sâu vào tiềm thức. Nếu phần lời của ca khúc khắc họa được khoảnh khắc lịch sử của đất nước, dân tộc mến yêu thì phần giai điệu hào hùng của ca khúc càng làm sống động hơn trong chúng tôi những hình ảnh được ghi lại qua từng trang sách lịch sử về cuộc cách mạng vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

 

Và lớp trẻ chúng tôi càng ghi nhớ rằng đời đời các thế hệ sau phải viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc cha ông đã để lại.

 

Tôi may mắn có dịp được gặp nhạc sỹ Xuân Oanh - người đã viết nên những lời ca tiếng hát đi cùng lịch sử dân tộc. Nhớ năm đó, mái tóc bạc cắt cao, nước da hồng hào điểm vài nốt đồi mồi, đôi mắt sáng, dáng đi nhanh nhẹn, hay mỉm cười thật dí dủm, ít ai nghĩ nhạc sỹ Xuân Oanh đã ở vào cái tuổi bát thập. Trong buổi gặp gỡ với nhạc sỹ Xuân Oanh cách đây 4 năm tôi được ông kể lại những ngày trai trẻ và câu chuyện của ca khúc “xuất thần” – “19 tháng Tám” ấy...

 

Mùa thu 1945, Xuân Oanh là một cậu thanh niên tuổi 20 đầy nhiệt huyết, mang trong mình tinh thần yêu nước dâng tràn. Vì thế, khi được cố nhà văn Nguyễn Đình Thi rủ vào Mặt trận Việt Minh ông đã tham gia ngay. Kể từ đó, ban ngày làm nhiều nghề kiếm sống: hát, vẽ tranh, dạy học thậm chí làm thuê ở cửa hàng giầy, đến tối ông cùng anh em bí mật đi tuyên truyền cách mạng cho bà con lao động.

 

Ngày 19/8/1945, ông hoà vào dòng người tham gia cuộc cách mạng lớn của cả dân tộc. Lần đầu tiên những người dân chịu ách đô hộ cùng khổ dám vùng lên đấu tranh đòi giải phóng, tự do. Không khí sôi sục, tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc vào giờ phút đổi đời ấy truyền vào cậu thanh niên Xuân Oanh... “bật” thành lời ca tiếng hát. Bài hát Mười chín tháng tám ra đời “một cách kỳ lạ” như vậy.

 

Nhạc sỹ Xuân Oanh bồi hồi nhớ lại: “Mười chín tháng tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ”.

 

Bài hát nhanh chóng lan truyền đến bà con nhân dân và trở thành một ca khúc sống mãi với năm tháng.

 

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam dấu ấn sâu sắc bằng các tác phẩm: “Quê hương anh bộ đội”,”Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, “Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”, “Ngôi sao thế kỷ”, “Hà Nội ở Lâm Đồng”, “Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt”,…

 

Nhắc tới nhạc sỹ Xuân Oanh, không ai có thể quên được ca khúc “19 tháng Tám” bất hủ của ông. Ca khúc ra đời vào đúng ngày 19/8/1945, giữa không khí sục sôi, tinh thần quật khởi của những người dân đứng lên giành độc lập và sau này đã trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian.

 

Ca khúc “19 tháng Tám” năm nay đã tròn 65 tuổi, trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, ca khúc này đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người chiến sĩ khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm, đến dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 19/8, ca khúc này lại vang lên trên khắp nẻo đường đất nước... (Trích TTXVN)

 

 TheoKim Anh
 Tuần VietNamnet