(Dân trí) - Những năm chống Mỹ, quân dân vùng "đất thép" Vĩnh Linh, Quảng Trị kiên cường bám đất, thiết lập hệ thống địa đạo để sinh tồn và chiến đấu. Thời điểm này, 17 đứa trẻ sinh ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc.
Trong những năm chống Mỹ, quân dân vùng "đất thép" Vĩnh Linh, Quảng Trị đã kiên cường bám đất, thiết lập hệ thống địa đạo để sinh tồn và chiến đấu. Thời điểm này, đã có 17 đứa trẻ sinh ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc.
Địa đạo Vịnh Mốc là công trình kiến trúc kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong kháng chiến chống Mỹ. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thể hiểu được vì sao quân và dân thời kỳ đó có thể kiến tạo được công trình huyền thoại này.
Bằng ý chí gan dạ, kiên cường và nghị lực phi thường, quân và dân vùng "đất thép" Vĩnh Linh đã thiết lập hệ thống địa đạo để sống và chiến đấu với kẻ thù. Những người dân tham gia đào địa đạo những năm kháng chiến phần lớn đã không còn, số còn lại tuổi cũng đã cao.
Tôi tìm gặp ông Hồ Văn Triêm (86 tuổi, trú tại thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) - một trong những nhân chứng tham gia đào địa đạo Vịnh Mốc năm xưa. Thời kỳ đó, ông Triêm là Xã đội phó Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh), trực tiếp chỉ đạo người dân phối hợp với lực lượng vũ trang đào địa đạo.
Theo ông Hồ Văn Triêm, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch bị tàn phá nặng nề. Thực hiện chủ trương của Khu ủy Vĩnh Linh thời kỳ đó, với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo nhằm bám đất, bám làng chiến đấu.
Khoảng tháng 7/1965, các chiến sĩ Đồn công an vũ trang 140 (đóng tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch), nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên để lập nên làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này. Làng địa đạo Vịnh Mốc nằm trong một quả đồi đất đỏ bazan trên bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ 30km về phía Tây.
Với 18.000 ngày công gian khổ dưới "mưa bom, bão đạn", nhân dân xã Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá, tạo nên địa đạo Vịnh Mốc.
"Mọi người đều góp sức để đào địa đạo, nam giới đào, phụ nữ gánh đất đổ ra biển, các cụ phụ lão có nhiệm vụ ngụy trang những chỗ đất mới bằng lá cây để tránh bị địch phát hiện, hoặc chẻ tre đan sọt đựng đất. Ngày thì đào trong địa đạo, đêm đến vận chuyển đất đổ ra biển", ông Triêm nhớ lại.
Ông Lê Xuân Vy - Đồn trưởng Đồn công an vũ trang 140 được xem là "kiến trúc sư" của công trình địa đạo Vịnh Mốc. Thực tế trước đó cho thấy, việc đào hầm chữ A, chữ U đều không phát huy được hiệu quả do sức công phá của bom đạn quá lớn. Do đó, sau khi khảo sát, ông Lê Xuân Vy đã hướng dẫn đào địa đạo Vịnh Mốc theo hướng Đông - Tây vì nếu Mỹ ném bom từ biển vào có thể chỉ phá được một đoạn ngắn hầm phía Đông, còn phía Tây nằm sâu trong đất sẽ an toàn.
Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi.
Tầng một sâu cách mặt đất từ 8-10m, tầng 2 sâu cách mặt đất từ 12-15m, tầng 3 sâu 22-23m. Đường hầm địa đạo có dạng hình vòm, chiều cao từ 1,2x1,8m; dọc hai bên đường hầm người dân cho khoét sâu vào bên trong để tạo ra các ô nhỏ (căn hộ gia đình) đủ chỗ cho từ 2-4 người có thể sinh hoạt trong đó.
Ngoài ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình khác như ở trung tâm của địa đạo có hội trường với sức chứa từ 50-60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước để sinh hoạt, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm), kho chứa lương thực, nơi đặt máy điện thoại…
Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất, không một ai bị thương tích đã minh chứng cho sự kỳ diệu của công trình huyền thoại này. Người dân nơi đây đã thích ứng với cuộc sống khó khăn, gian khổ để tiếp tục chiến đấu với quân thù.
Cụ bà Trần Thị Nghiên (84 tuổi, vợ ông Triêm) là một trong số những người phụ nữ đã sinh con trong thời gian sống dưới địa đạo Vịnh Mốc, hiện vẫn còn sống.
Trong ký ức của cụ Nghiên, những ngày tháng gian khổ trong điều kiện bom đạn ác liệt vẫn chưa thể nào quên. Cụ Nghiên có tất cả 6 người con, 3 con trai và 3 gái. Năm 1967, cụ Nghiên chuyển dạ sinh con thứ 3 là bà Hồ Thị Hường trong địa đạo Vịnh Mốc. Cụ Nghiên vẫn nhớ như in lần "vượt cạn" đầy gian truân trong lòng địa đạo.
"Trong địa đạo chật chội, tối tăm, thiếu thốn đủ thứ. Lúc chuyển dạ sinh Hường có một nữ hộ sinh hỗ trợ. Sinh con xong thì chỉ lấy dao cắt rốn chứ không có thiết bị y tế, bông băng gì cả. Còn trẻ sơ sinh thì lấy áo cũ của mình mà quấn cho khô. Phụ nữ mới sinh nhưng bữa no, bữa đói, chỉ có khoai trộn sắn để ăn qua bữa", cụ Nghiên nhớ lại.
Cũng theo cụ Nghiên, thời điểm này bom đạn đánh phá vùng Vĩnh Linh rất ác liệt, trên mặt đất bom dội thường xuyên. Những khi bom đạn ngừng rơi, người dân mới dám lên mặt đất, phát hiện máy bay ném bom thì theo lối giao thông hào để chạy xuống. Nhờ có địa đạo, người dân nơi đây tránh được nguy hiểm. Đối với việc ăn uống, sinh hoạt cũng khá vất vả, người dân chủ yếu nấu một bữa rồi ăn cả ngày, nhưng chỉ có khoai và sắn chứ cơm gạo không đủ.
"Những người mẹ vừa sinh nở cũng không có gì để bồi bổ mà chỉ ăn khoai, sắn trộn nhau cho ấm bụng. Còn con nhỏ thì ban đầu bú sữa, sau thì mẹ giã nhuyễn khoai sắn rồi đút cho ăn", cụ Nghiên cho hay.
Sau khi sinh và nuôi con trong hầm hơn một tháng, những phụ nữ mới sinh như cụ Nghiên được lệnh sơ tán ra vùng giải phóng để đảm bảo an toàn.
Cụ Nghiên tâm sự: "Sau này con khôn lớn, tui (tôi) cũng thường kể cho các con nghe về cuộc sống khó khăn, gian khổ thời chiến tranh. Bây giờ hòa bình rồi, cuộc sống no đủ, muốn thứ gì cũng có, chứ ngày trước vất vả trăm bề, nhưng luôn tràn đầy quyết tâm chiến đấu để đánh thắng giặc".
Trong những năm tháng sinh sống dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc, đã có 17 đứa trẻ chào đời. Những người con thời kỳ đó được đặt tên là: Hường, Hiền, Thành, Dữ, An, Thiện, Thương, Thủy... hiện đã lên chức ông, bà và sinh sống tại địa phương; cũng có người đã mất.
Lớn lên trên quê hương Vịnh Mốc, đến tuổi trưởng thành, ông Nguyễn Quốc Thành (SN 1967) theo nghiệp cha ông gắn bó với nghề biển, trở thành một ngư phủ lão luyện. Ông Thành nói rằng, nghề biển không mang đến sự giàu có cho gia đình ông nhưng cũng đủ để nuôi con cái khôn lớn, nên người. Còn bà Hồ Thị Hường, Hồ Thị Dữ, Hồ Thị Thiện cũng lập gia đình và sinh sống tại địa phương. Nhà ở gần biển nên hàng ngày các bà đi mua hải sản rồi bán lại kiếm thêm thu nhập, cùng với chồng chăm lo cho gia đình và nuôi các con.
Ông Nguyễn Quốc Thành cho biết: "Mẹ tôi thường kể, hồi trước sinh đẻ dưới địa đạo rất vất vả. Do chiến tranh ác liệt nên phải chuyển xuống lòng đất sinh hoạt. Cuộc sống thời chiến cũng khốn khó, không đủ lương thực nên chỉ ăn khoai, sắn qua ngày".
Ông Thành kể, mẹ sinh ông được hơn nửa tháng thì bồng con nhỏ đi sơ tán ở Hà Tĩnh. Đến năm 1973, bom đạn ngừng rơi, mẹ con ông mới về lại quê hương.
"Lúc trở về quê hương thì chúng tôi đã lên 6 tuổi, thường chạy xuống chơi ở các giao thông hào quanh địa đạo. Thấy những hố bom sâu hoắm do bom đạn để lại", ông Thành cho hay.
Đối với bà Hồ Thị Dữ, khi mẹ sinh ra bà thì gặp mùa mưa nên trong lòng địa đạo ẩm thấp, đọng nước.
"Mỗi lần kể chuyện lại cho chúng tôi nghe, mẹ thường hay khóc. Bà kể rằng, lúc sinh tôi trúng vào mùa mưa. Khi đó sinh hoạt ở tầng gần với mặt đất nên nước mưa thấm xuống phải lấy nilon để che. Bên dưới lối đi bị đọng nước, do lội hàng ngày nên chân bị sưng lên. Trong địa đạo chật chội phải nằm sát nhau, chỗ nằm thì ẩm thấp. Bên trong địa đạo không có ánh sáng, phải thắp đèn dầu", bà Dữ kể lại.
Bà Hồ Thị Hường tâm sự: "Ba mẹ tôi hiện là một trong số ít người thời kỳ đó còn sống đến hôm nay. Ông bà hay kể với con cháu rằng, trải qua chiến tranh gian khổ mới trân quý giá trị cuộc sống. Được sống đến hôm nay là điều hạnh phúc nhất. Bây giờ cuộc sống chưa đến mức khá giả nhưng không phải nhịn đói, nhịn khát như trước, cần thứ gì cũng có".
Ngược dòng ký ức, bà Hồ Thị Thiện nhớ lại, khi mẹ sinh bà được một thời gian thì ba mất. Từ đó, một mình mẹ phải đương đầu với khó khăn, bom đạn chiến tranh để nuôi 4 người con khôn lớn.
"Mẹ tôi kể lại, những ngày tháng sống trong địa đạo vô cùng gian truân. Thời điểm đó, người phụ nữ nào chuyển dạ sinh con mà may mắn lắm mới có bông băng, còn không có thì chỉ lấy áo bọc lại cho con khô ráo. Khi sinh ra phải cắt cuống rốn nhưng có lúc không có dao kéo, bất đắc dĩ phải lấy vỏ của cây tre mà cắt vì nó rất sắc", bà Thiện kể.
Trong số những người con sinh ra dưới lòng địa đạo năm xưa, ông Lê Xuân An (con trai ông Lê Xuân Vy) hiện công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị được xem là người thành đạt.
Hồi tưởng về những ngày tháng đầu đời, ông An cho biết: "Ngày đó mọi người còn bé nên chưa biết gì. Tôi sinh vào tháng 11/1967, trên mặt đất bom đạn cày xới nên mẹ sinh tôi dưới lòng địa đạo. Mẹ tôi cũng thường kể nhiều câu chuyện, lúc đó ở trong địa đạo không có ánh sáng, phải thắp đèn, sinh hoạt chật chội, thiếu thốn đủ thứ nhưng quân và dân ta vẫn kiên cường bám trụ để đánh giặc".
Nhắc đến ba mình - người được xem là "kiến trúc sư" công trình địa đạo Vịnh Mốc, ông An lòng đầy tự hào: "Ba tôi kể lại, thời điểm ấy chiến tranh ác liệt nên sau khi nhận chỉ thị của cấp trên, ông nghĩ làm thế nào vừa đảm bảo đời sống vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu nên đào địa đạo Vịnh Mốc. Nhờ có địa đạo mà quân và dân vùng Vĩnh Linh tránh được bom đạn và anh dũng chiến đấu, góp phần đưa cuộc chiến đến ngày thắng lợi".
Theo ông An, khoảng năm 2005, 17 người sinh ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc từng hội ngộ tại một cuộc gặp mặt do địa phương tổ chức để ôn lại kỷ niệm năm xưa.
Hàng chục năm sau chiến tranh, những người con vùng "đất thép" sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc năm xưa nay đã ngoài 50 tuổi. Phần lớn trong số họ, các con đã khôn lớn, trưởng thành, có người đã lên chức ông bà.
"Nhìn các con khôn lớn, trưởng thành, có công việc làm ổn định chúng tôi cũng mừng. Thế hệ chúng tôi đã trải qua hơn nửa đời người nên cũng không còn sức lao động nữa, niềm hạnh phúc bây giờ là sống vui vầy bên con cháu mà thôi", ông Nguyễn Quốc Thành (trú ở thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch) tâm sự.
Nội dung: Đăng Đức
Thiết kế: Thủy Tiên