Kỷ niệm 60 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị:

Địa đạo Vịnh Mốc - công trình của khát vọng và niềm tin

(Dân trí) - Dưới sức tàn phá kinh khủng của bom đạn quân thù, song hệ thống làng hầm địa đạo, làng chiến đấu Vịnh Mốc đã trở thành căn cứ vững chắc, che chở cho bộ đội và người dân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Nhắc đến địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh), một công trình làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất, ngoài những bí ẩn bên trong của nó, mọi người còn biết đến đây là di tích lịch sử, văn hóa mang đậm nhiều dấu ấn. Có thể khẳng định rằng, sau công trình hầm địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thì làng hầm Vịnh Mốc mang nhiều nét khác biệt. Bởi đây không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần như các công trình khác, mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương.
Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc, ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh
Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc, ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh

Huyền thoại “lũy thép” anh hùng

Những ngày tháng Tám, người dân tỉnh Quảng Trị sục sôi không khí kỷ niệm 60 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh - “tuyến lửa” của đất nước ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Chúng tôi đã có dịp trở lại thăm các di tích lịch sử, những nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân ta.

Cách đây 60 năm, tháng 7/1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Theo nội dung của Hiệp định, hai bên tạm đình chiến, 2 năm sau sẽ diễn ra tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, Mỹ và chính quyền tay sai phản động đã ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, cùng với việc tạo ra các hoạt động khiêu khích, đánh phá ra miền Bắc.

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vĩnh Linh, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 28/5/1955, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16-NQ/TW thành lập Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Từ đó, khu vực Vĩnh Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị trở thành một đơn vị hành chính riêng, ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương, là tuyến đầu của miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc của miền Nam. 

Nằm trong dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, năm 1964, Mỹ lại dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, và mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Với vị trí tuyến đầu của miền Bắc XHCN, từ khi phát động cuộc chiến tranh phá hoại, quân đội Mỹ đặc biệt chú ý đến vùng đất Vĩnh Linh. Mục đích đánh vào khu vực này nhằm biến nơi đây thành “vành đai trắng” để chặn đứng mọi sự chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị bom đạn tàn phá 
Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị bom đạn tàn phá (Ảnh Tư liệu)

Trong các tài liệu lịch sử cũng đã đề cập rất nhiều về sự tàn phá kinh khủng của bom đạn chiến tranh lên vùng đất nhỏ bé này. Mặc dù, với diện tích chỉ 820 km2, nhưng vùng đất Vĩnh Linh đã phải chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ của quân đội Mỹ từ nhiều hướng dội xuống. Thật khó tưởng tượng, trong gần 10 năm (1965 - 1972), kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân vào thời kỳ đó mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải chịu đựng 7 tấn bom đạn các loại. Không có ngày nào vùng đất này ngớt tiếng bom, đạn.

Tuy nhiên, với truyền thống kiên cường, bất khuất, quân và dân vùng Vĩnh Linh đã không quản ngại khó khăn gian khổ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, đoàn kết, bám đất, giữ làng, kiên cường chiến đấu chống lại kẻ thù, giữ vững niềm tin vào ngày chiến thắng, đưa non sông đến ngày thống nhất. Chính ý chí sắt đá và sự sáng tạo tuyệt vời của những con người “vùng đất lửa” đã tạo nên những công trình phòng tránh hết sức độc đáo và vĩ đại của thế kỷ XX.

Công trình thế kỷ tồn tại với thời gian

Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “mảnh đất thép” anh hùng thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là một biểu hiện sinh động của lòng quả cảm, ý chí gan dạ, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược.

Hầm để vũ khí chiến đấu
Hầm để vũ khí chiến đấu

Năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc đã bị hủy diệt hoàn toàn. Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo. Cuối năm 1965, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên để lập nên làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này.

Một trong những cửa dẫn vào làng hầm 
Một trong những cửa dẫn vào làng hầm địa đạo Vịnh Mốc

Làng địa đạo Vịnh Mốc nằm trong một quả đồi đất đỏ bazan trên bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía bắc, cách đảo Cồn Cỏ 30km về phía Tây, cách thị trấn Hồ Xá 13km về phía Đông-Nam. Với 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn, nhân dân xã Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá, tạo nên địa đạo Vịnh Mốc.

Có tận mắt chứng kiến công trình đồ sộ này, mới hiểu được phần nào ý nghĩa và sự sáng tạo phi thường, lòng quả cảm, đoàn kết của quân và dân ta. Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870 m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701 m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi.

Không gian sinh sống của một gia đình trong làng hầm được tái hiện lại
Không gian sinh sống của một gia đình trong làng hầm được tái hiện lại

Tầng 1 sâu cách mặt đất từ 8 - 10 m; tầng 2 sâu cách mặt đất từ 12 - 15 m; tầng 3 sâu cách mặt đất 22 - 23 m. Đường hầm địa đạo có dạng hình vòm kết hợp với tính đàn hồi, chịu lực của vùng đất đỏ bazan đã tạo nên độ vững chắc cho địa đạo Vịnh Mốc. Chiều cao của đường hầm địa đạo từ 1,2 x 1,8 m; để có thể đi lại trong lòng địa đạo một cách thuận lợi, các cửa của địa đạo được nối với hệ thống giao thông hào và các trục đường chính của địa đạo.

Khu vực nhà hộ sinh, nơi 17 trẻ được sinh ra 
Khu vực nhà hộ sinh, nơi 17 trẻ được sinh ra 

Dọc hai bên đường hầm người ta cho khoét sâu vào bên trong để tạo ra các ô nhỏ (căn hộ gia đình) đủ chỗ cho từ 2 đến 4 người có thể sinh hoạt trong đó. Mặt bằng của đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được đào nghiêng từ 8 - 120 từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để dễ dàng thoát nước, chống bị đọng nước trong lòng địa đạo. Ngoài ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình khác như ở trung tâm của địa đạo Vịnh Mốc có hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước để sinh hoạt, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm), kho chứa lương thực, nơi đặt máy điện thoại… Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất, 17 cháu bé ra đời một cách an toàn, không một ai bị thương tích đã minh chứng cho sự kỳ diệu của những con người nơi đây.

… và hành trình trở thành Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia

Qua bom, đạn chiến tranh rất ác liệt, hàng trăm căn hầm trên “vùng đất thép” Vĩnh Linh đã bị tàn phá. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến hôm nay và trở thành công trình độc đáo, huyền thoại trên mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng.

Cửa hầm thông ra biển, nơi bắt đầu con đường chi viện vũ khí, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ
Cửa hầm thông ra biển, nơi bắt đầu con đường chi viện vũ khí, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, năm 1976, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Kể từ đó, công trình này được bảo tồn nguyên vẹn và thường xuyên được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục trong khuôn viên di tích nhằm phát huy tác dụng trong việc khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế.

Rất nhiều vị khách quốc tế khi đến thăm làng hầm địa đạo Vịnh Mốc cũng ngỡ ngàng trước công trình đồ sộ này. Thậm chí, có người dù hiểu khái quát về quá trình đấu tranh đầy gian khổ của dân tộc ta, nhưng khi được tận mắt chứng kiến cũng phải thốt lên rằng: “Đây là một công trình kỳ diệu, một sự kiến tạo tuyệt vời…” Tuy nhiên, đó là những lời nhận xét của những vị khách tham quan, còn hơn ai hết, người dân Vĩnh Linh, Quảng Trị sống vào thời kỳ đó chỉ suy nghĩ một điều đơn giản là làm sao để thích nghi với điều kiện sống mà bom, đạn chiến tranh luôn đe dọa, làm sao để bảo toàn tính mạng và tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Từ ý chí căm thù đã tạo nên sức mạnh vĩ đại để người dân nơi đây dũng cảm đương đầu với những khó khăn, thử thách. 

Đến Vịnh Mốc, khách tham quan sẽ được cảm nhận sự sạch sẽ, thoáng đãng của khuôn viên di tích, được đi dưới những hàng tre mát rượi. Quan trọng hơn, mọi người sẽ hiểu thêm về quá khứ chiến đấu chống xâm lược hết sức oai hùng của dân tộc ta. Dù trong điều kiện sống gian khổ, khó khăn nhất, nhưng quân và dân ta đã anh dũng đánh thắng kẻ thù xâm lược, đưa đất nước đến ngày thống nhất.

Khu vực hầm để tránh bom khoan của kẻ thù
Rất nhiều vị khách quốc tế khi đến thăm, tìm hiểu quá khứ ở làng hầm địa đạo Vịnh Mốc cũng ngỡ ngàng trước công trình đồ sộ 

Để công trình làng hầm địa đạo Vịnh Mốc mãi mãi là niềm tự hào của lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng, tỉnh Quảng Trị đang hoàn tất thủ tục đệ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận nơi đây trở thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Và như vậy, cùng với cụm Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, làng hầm địa đạo Vịnh Mốc sẽ trở thành điểm tham quan lý thú, tìm hiểu quá khứ của du khách khắp mọi miền đất nước, khắp bốn biển năm châu.

Đăng Đức