1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyên gia thủy sản nói gì về việc cá Koi chết ở sông Tô Lịch?

(Dân trí) - Mấy ngày nay, tại sông Tô Lịch (Hà Nội) có hiện tượng cá Koi hay còn gọi là cá chép Nhật Bản bị chết sau khi được các chuyên gia Nhật Bản thả xuống để chứng minh mức độ sạch của con sông sau quá trình xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor.

Chuyên gia thủy sản nói gì về việc cá Koi chết ở sông Tô Lịch? - 1

Một con cá Koi Nhật Bản chết ngửa bụng sau 2 ngày thả xuống bể nước sông Tô Lịch sau xử lý bằng công nghệ Nano. Ảnh S.B.

Liên quan đến nội dung trên, sáng 23/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Nguyên nhân 1-2 con cá Koi Nhật Bản chết sau khi được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch cần phải tìm hiểu ở nhiều khía cạnh, chứ chưa hẳn do nguồn nước. Nếu nguồn nước tại đây không được xử lý an toàn, đàn cá sẽ chết hàng loạt, vì cá Koi Nhật Bản là loài cá cảnh giống như "tiểu thư con nhà giàu" phải sống ở môi trường "nhung lụa".

"Tôi cho rằng, đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam được thả xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ở sông Tô Lịch, góc Hồ Tây từ hôm 16/9 mà đến tận hôm nay vẫn sống được thì rõ ràng nguồn nước đã được xử lý khá an toàn. Nếu không an toàn thì đàn cá này khó sống được lâu như vậy" - PGS.TS Kim Văn Vạn đánh giá.

Ông Vạn phân tích thêm, hiện tượng 1-2 con cá Koi Nhật Bản chết ở sông Tô Lịch là bình thường, vì kể cả chúng ta có thả cá Koi Nhật Bản ở bể nước sạch đôi khi vẫn có một "tỷ lệ chết" nhất định. 

"Chúng ta phải kiểm tra xem đàn cá đưa về thả có con nào yếu không, vì thay đổi đột ngột môi trường sống cũng làm cho những con cá yếu chưa thể thích nghi ngay được, dẫn đến hao hụt là bình thường" - ông Vạn nói.

Về vấn đề nghi vấn có kẻ xấu đầu độc đàn cá, ông Vạn bác bỏ nghi vấn này vì nếu có thì cả đàn cá đã chết hàng loạt.

Cũng liên quan đến nội dung trên, nhìn nhận dưới góc độ người chơi cá chuyên nghiệp, ông Đặng Hoài Nam ở phố Cửa Bắc (Ba Đình) cho rằng, việc thả cá đột ngột như thế thì cá sẽ không hợp thổ nhưỡng, chất lượng nước khiến cá bị sốc nhiệt. Con đề kháng mạnh thì không sao, con yếu sẽ yếu dần và chết trong vài ngày sau đó. Thông thường, người chơi cá trước khi đưa về nuôi sẽ thực hiện lắp bộ sục khí trong bể và cho sục nhẹ liên tục trong một thời gian để cá làm quen với môi trường mới, cũng như không để thiếu ô xi trong nước, mới giúp cá hạn chế bị chết.

Trên thực tế, cá Koi Nhật Bản là loại cá cảnh khá khó nuôi ngay cả với những người nuôi chuyên nghiệp. Để có được những hồ cá, bể cá Koi đẹp và khỏe mạnh đòi hỏi phải có sự chăm sóc kĩ lưỡng. Vì vậy, nhiều người cho rằng việc, một vài con cá Koi chết tại sông Tô Lịch không phải là điều quá ngạc nhiên.

Anh Vũ Quang Huy, một chủ cửa hàng chuyên bán cá cảnh ở quận Cầu Giấy chia sẻ, cá Koi là loại cá cảnh đẹp, có hình dáng và màu sắc đa dạng khá bắt mắt. Tuy nhiên, đặc tính của loại này khá khó nuôi ngay cả với những người nuôi chuyên nghiệp, chỉ cần thay đổi thời tiết hoặc quên không sử dụng sục khí cũng khiến cá bị chết.

“Việc thả cá trực tiếp như thế không đảm bảo về nhiệt độ hay sự quen môi trường của con cá, khiến con cá yếu dần và chết là chuyện hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường ở đây cả” - anh Vũ Quang Huy bày tỏ.

Trước đó, sáng ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả 50 con cá Koi Nhật Bản và 50 con cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm làm sạch ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản tại đoạn sông Tô Lịch (Hà Nội). 

Mục đích của việc thả cá lần này là để chứng minh nguồn nước sau một thời gian thí điểm làm sạch bằng công nghệ công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã đem lại kết quả tích cực, nguồn nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn Việt Nam, cá có thể sinh sống được.

Chuyên gia thủy sản nói gì về việc cá Koi chết ở sông Tô Lịch? - 2
Chuyên gia thủy sản nói gì về việc cá Koi chết ở sông Tô Lịch? - 3

Ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành thả 50 con cá Koi Nhật Bản và 50 con cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản tại sông Tô Lịch.

Như đã đưa tin, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vục thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm