1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyên gia nói về vụ giếng khoan phun cột nước cao hàng chục mét ở Gia Lai

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Theo chuyên gia, ông Hòa dùng bê tông để lấp giếng khoan cũng không gây ảnh hưởng đến an toàn cho các hộ dân khác. Bởi, khí này sẽ phân tán, phun ra theo mạch nước ở các giếng xung quanh.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước (Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai), cho biết sau khi giếng khoan của gia đình ông Đàm Xuân Hòa, ở xã Ia Kly, huyện Chư Prông có hiện tượng khí và nước phun cao hàng chục mét, đơn vị đã cử cán bộ xuống kiểm tra.

Vì không có máy móc, thiết bị để kiểm tra nên Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh này kiến nghị cơ quan chuyên môn của Trung ương vào phân tích mẫu tìm hiểu nguyên nhân. Đến nay, cơ quan chuyên môn mới chỉ đưa ra nhận định ban đầu và đang tiếp tục nghiên cứu.

Chuyên gia nói về vụ giếng khoan phun cột nước cao hàng chục mét ở Gia Lai - 1

Giếng khoan của gia đình ông Đàm Xuân Hòa phun khí và nước cao hơn chục mét trước khi bị lấp (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông Lê Tuấn Anh, trước đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung nhận định nguyên nhân ban đầu là khí tự phun lên mặt đất, có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí (độ sâu 186m trở xuống).

Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng nhận thấy nước trong, có vị the, hơi ngọt, nhiệt độ bình thường, không có mùi. Nước có chất lượng tốt, với các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia.

"Mới đây, Sở cũng nghe nói chủ nhà đã lấp giếng khoan vì liên tục bị nhiều người đến nhà làm phiền. Đối với việc lấp giếng khoan này, Sở không đủ máy móc, thiết bị, kiến thức chuyên sâu để nhận định mức độ an toàn. Mọi kết luận và hướng dẫn phải chờ cơ quan chuyên môn của Trung ương", ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Chuyên gia nói về vụ giếng khoan phun cột nước cao hàng chục mét ở Gia Lai - 2

Ông Hòa đã dùng nhiều trụ bê tông thả xuống để lấp giếng khoan có hiện tượng phun nước (Ảnh: Phạm Hoàng).

Liên quan đến hiện tượng giếng khoan phun ra dòng khí, nước suốt gần 3 tháng không ngừng, gia đình ông Đàm Xuân Hòa đã dùng nhiều trụ bê tông thả xuống giếng. Sau đó, ông Hòa còn đổ thêm một lớp bê tông dày trên miệng giếng.

PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, chia sẻ: "Đối với những vùng có tầng địa chất trẻ, khi dịch chuyển, va chạm vào nhau sẽ tạo ra khí CO2. Trong một môi trường cùng với áp suất đủ, dòng khí này sẽ phun lên mặt đất. Tùy vào lượng áp suất mà nước ra phun mạnh hay yếu. Giếng phun ra cả khí và nước thì được gọi là hiện tượng bão hòa nước". 

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, một số vùng dầu mỏ, đầm lầy thường sẽ sinh ra khí CH4. Khi khoan trúng, khí CH4 sẽ phun lên và khi dùng lửa đốt sẽ bị cháy. Ở Đồng bằng sông Cửu Long thường có khí này và được người dân dẫn về đun bếp. Còn đối với các vùng trên Tây Nguyên thường chỉ có khí CO2 phun ra. 

Chuyên gia nói về vụ giếng khoan phun cột nước cao hàng chục mét ở Gia Lai - 3

Đoàn kiểm tra lấy mẫu nước tại giếng khoan tự phun đưa đi xét nghiệm (Ảnh: Hồ Nam).

"Qua báo chí, tôi nghe gia đình này có dùng các trụ bê tông thả xuống nhằm ngăn chặn dòng khí phun ra. Việc làm này sẽ không gây ra sức ép dưới lòng đất. Khí này bị chặn, nó cũng sẽ luồn lách qua các khe hở, mạch nước trong lòng đất và phân tán ra ở nhiều giếng xung quanh. Chính vì vậy, các hộ xung quanh khi xuống giếng cần thả một cành cây để thông khí, nếu không rất dễ bị ngạt", ông Kỳ cho biết thêm.

Như Dân trí thông tin, sau đợt rung chấn động đất tại tỉnh Kon Tum, ngày 28/7, giếng khoan của gia đình ông Đàm Xuân Hòa ở Gia Lai xuất hiện những tiếng động lạ. 

Ngày 30/7, gia đình khoan lại giếng xuống độ sâu 180m để tìm nguồn nước, bất ngờ có hiện tượng dòng nước và khí phun mạnh lên khỏi mặt đất, tạo thành cột cao hàng chục mét.

Hiện tượng này kéo dài suốt gần 3 tháng qua. Mới đây, gia đình ông Hòa đã thả hàng chục trụ bê tông, đắp bệ bê tông, lắp một đường ống có kết nối van để sử dụng dòng khí, nước phun lên khi cần. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm