1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia lên tiếng việc Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng việc Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông 1,5-2 lần so với Nghị định 168 là cần thiết, việc này góp phần loại bỏ tâm lý "nhờn" luật tồn tại lâu nay của nhiều người dân.

UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Dự kiến có 107 hành vi vi phạm giao thông sẽ được Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.

Loại trừ được tâm lý "nhờn" luật

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho rằng, Luật Thủ đô 2024 giao cho HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.

Đồng thời, mức tiền phạt cũng không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chuyên gia lên tiếng việc Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông - 1

Cảnh sát giao thông ở Hà Nội kiểm tra, xử lý người vi phạm giao thông (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo ông Hiếu, công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện thành phố vẫn áp dụng tương tự như các địa phương khác. Cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô.

Vị chuyên gia nhận định, xử phạt vi phạm giao thông không phải là nguồn thu chính của ngân sách, không phải thuế hay phí, mà là một hình thức để duy trì trật tự, an toàn giao thông.

Phạt là để người dân chấp hành luật, tham gia giao thông phải tuân thủ quy tắc, có văn hóa và đặt an toàn lên hàng đầu, loại trừ được tâm lý "nhờn" luật đã tồn tại lâu nay của nhiều người dân, theo ông Hiếu.

"Việc Hà Nội đề xuất tăng nặng mức phạt là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc này nhằm để người dân lưu tâm hơn đến luật, từ đó dần thay đổi ý thức, xây dựng nề nếp trong giao thông. Mức phạt nặng sẽ góp phần tạo thói quen, nề nếp, văn hóa giao thông cho người dân", ông Hiếu nêu quan điểm.

Theo ông Hiếu, thực tế khi những lỗi như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, dùng điện thoại khi lái xe… bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhiều người vi phạm đã biết "sợ" và tự ý thức được việc không được vi phạm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, ý thức là điều cốt lõi nhất, không chỉ với người dân mà với cả lực lượng chức năng và cơ quan quản lý.

Ông cho hay, trước tiên phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, vận tải công cộng, quản lý tốt nhu cầu giao thông. Có như vậy mới tạo nên một không gian đô thị văn minh, hài hòa, nơi người dân không phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân.

"Làm được điều đó tất yếu ùn tắc, vi phạm giao thông sẽ tự động giảm", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, nếu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, có tình có lý, không ngoại lệ, công khai minh bạch thì người dân sẽ tâm phục khẩu phục và tự giác chấp hành các quy định.

Với mức phạt cao như hiện nay, ông Hiếu nhận định việc người dân lo ngại phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông là có cơ sở. Vì vậy, cần tăng cường giám sát bằng camera, xử phạt nguội qua hình ảnh, hạn chế xử phạt trực tiếp.

Theo ông Hiếu, lực lượng tuần tra kiểm soát phải lấy việc ngăn ngừa là chính, xử lý sau. Ngăn ngừa là phải kịp thời tham mưu xóa bỏ các điểm bất cập như cành cây biển quảng cáo che khuất đèn giao thông, biển báo giao thông hay các điểm phân luồng phân làn không hợp lý...

"Xử lý phải công khai, tạo hình ảnh đẹp, nghiêm minh của cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, phải xóa bỏ những hình ảnh như che ô kín mít, xử phạt trong cabin ô tô, trong bốt gác... tránh gây hiểu lầm, phản cảm", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, số tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông nên trích một phần lớn để tái đầu tư cho hạ tầng, duy tu, duy trì đường sá, sửa chữa đèn tín hiệu, trợ giá cho vận tải công cộng…

Nên cân nhắc kỹ các hành vi

Trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, ông rất ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông mà Hà Nội đề xuất.

Theo ông Thanh, việc Hà Nội đề xuất như trên là cần thiết và có cơ sở pháp lý và thực trạng giao thông phức tạp ở Hà Nội hiện nay.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Hà Nội đề xuất nâng mức phạt 1,5-2 lần với 107 hành vi.

Vị chuyên gia cho rằng nên cân nhắc kỹ, không nên xử phạt tràn lan mà cần chọn những hành vi vi phạm đặc biệt như cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải, chạy quá tốc độ, uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn khi lái xe…

Theo ông Thanh, việc áp dụng nâng mức xử phạt phải được áp dụng cho những hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thể hiện sự cố tình vi phạm pháp luật, thậm chí cần thiết đưa ra xử lý hình sự với một số hành vi.