1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội lý giải đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp đôi quy định

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Theo Hà Nội, việc tăng mức phạt các hành vi vi phạm giao thông nhằm nâng cao ý thức của người dân, từng bước hình thành văn hóa giao thông, kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn.

Theo dự thảo, có 107 hành vi vi phạm giao thông đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168/2024.

Về sự cần thiết ban hành nghị định này, Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 giao cho HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cho rằng, công tác thi hành pháp luật đặc biệt là trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thành phố vẫn áp dụng tương tự như các địa phương. "Cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô", theo Hà Nội.

Hà Nội lý giải đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp đôi quy định - 1

Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hà Nội cũng cho biết, ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua còn nhiều hạn chế, tham gia giao thông theo ý thức chủ quan như ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém.

Bên cạnh đó, tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định như không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ sai quy định....

Do sự đa dạng về thành phần tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, theo Hà Nội.

Hà Nội cũng cho biết, tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông ở thành phố năm sau so với năm trước khoảng 2-4%; tổng số phương tiện được đăng ký mới hằng năm có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra vào khung giờ cao điểm (sáng, chiều), đặc biệt là trên các tuyến đường xuyên tâm, trục chính ra vào thành phố; việc mở rộng các tuyến đường và đẩy mạnh hệ thống vận tải hành khách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, chủ yếu vẫn là phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông.

Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, Hà Nội cho rằng, một số vụ ùn ứ giao thông nguyên nhân do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như tránh vượt, không nhường quyền ưu tiên, dừng, đỗ sai quy định...

Hà Nội cũng cho biết, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông và gây tâm lý bất an cho người dân, người tham gia giao thông tại các khu vực xảy ra tình trạng này.

Theo Hà Nội, ngày 26/12/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe...

Mặc dù đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm, tuy nhiên Hà Nội cho biết, đánh giá với thực tiễn địa bàn thành phố và tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.

Việc này nhằm từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố, kiềm chế và làm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, Hà Nội lý giải.

Giám đốc Sở GTVT: Hà Nội đang "thả rông" phương tiện cá nhân

Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy.

Ngày 4/12, phát biểu thảo luận tổ tại hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, vấn đề cốt lõi để xử lý ùn tắc giao thông hiện nay là quản lý phương tiện cá nhân.

Theo ông Thường, trước đây thành phố xử lý vấn đề này còn "mon men", còn theo cách "nhìn dư luận".

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ "thả rông" như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông. Phải có chế tài cao hơn để giải quyết vấn đề này", ông Thường nói.