Chuyên gia kiến trúc lo ngại khi Nha Trang “dồn” hết cao ốc ra ven biển
(Dân trí) - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi Khánh Hòa xin điều chỉnh hay làm lại quy hoạch chung TP Nha Trang thì phải có định hướng mới, chọn những nơi phù hợp để làm cao ốc chứ không nhất thiết phải song song với ven biển Nha Trang.
Liên quan đến đề nghị điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng: đối với Nha Trang, một thành phố du lịch thì tầng cao cho các khách sạn ven biển đến 40 tầng là quá đủ.
“Trong những nhiệm kỳ trước đây thì có những khống chế rất rõ, thứ nhất là những khách sạn, nhà cao tầng ở đường Trần Phú không được dày đặc mà phải có khoảng cách nhất định.
Thứ 2, khối cao tầng không được xây chắn ven biển, theo chiều dài bờ biển mà phải xây dựng theo hướng Đông – Tây, phải vuông góc với bờ biển để tạo luồng không khí từ ngoài biển vào phía sau khu đô thị”, kiến trúc sư Lộc cho biết.
Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, trong đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt thì quy định khu đô thị ven biển chiều cao xây dựng tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng 40%.
Tuy nhiên, không phải tất cả nơi nào trên toàn tuyến đường Trần Phú cũng phải cao đến 40 tầng.
Trên đường ven biển Phạm Văn Đồng, gần như không có khoảng cách giữa các cao ốc, khách sạn
Thực tế hiện nay phía tây đường Trần Phú, đoạn từ phía nam cầu Trần Phú đến sân bay Nha Trang (cũ) gần như được “lấp đầy” nhà cao tầng, với mật độ xây dựng lên tới 50 đến 60%. Còn đoạn từ sân bay Nha Trang đến lầu Bảo Đại, một số dự án cao ốc đang thi công, hoặc đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai thi công.
Trên đường ven biển Phạm Văn Đồng, gần đây nhiều cao ốc, khách sạn cũng thi nhau mọc lên san sát, gần như không có khoảng cách, nhất là đoạn từ đường Đặng Tất đến đường Hòn Chồng. Một số khách sạn thì không có nơi đậu đỗ cho xe du lịch để đón trả khách nên loại xe này cứ ngang nhiên đỗ tràn lan ra đường làm ách tắc giao thông.
“Khoảng cách giữa các khối cao tầng quá sít nhau, không có độ rỗng nên người ta gọi đó là bức tường!”, kiến trúc sư Lộc nói.
Bất chấp cảnh báo từ chuyên gia, Khánh Hòa chưa dừng cấp phép xây dựng cao ốc ở ven biển Nha Trang
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay là Khánh Hòa nên dừng cấp phép cho nhà cao tầng ven biển, đồng thời làm lại quy hoạch, đánh giá lại hiện trạng, nhìn thẳng vào những “sai lầm” để tiến hành sửa đổi, điều chỉnh.
Còn nếu cứ tiếp tục cấp phép cho làm dự án cao ốc dày đặc ven biển Phạm Văn Đồng – Trần Phú thì sẽ đánh mất nhiều tiềm năng phát triển. “Bởi vì một quy hoạch thì phải nhìn vào tổng thể toàn thành phố, chứ một quy hoạch không thể bị một tuyến đường ven biển lũng đoạn thì sẽ không tốt cho thành phố về lâu dài”, ông Sơn nói.
Theo các kiến trúc sư, quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt đến nay là 7 năm (tháng 9/2012). Tuy nhiên, theo quy định là sau 5 năm có thể xem xét để làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch cho cân bằng, hài hòa trở lại.
Theo các kiến trúc sư, giá trị của Nha Trang không phải là nhà cao tầng, mà là dải bờ biển đẹp, môi trường - không khí biển
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi Khánh Hòa điều chỉnh hay làm lại quy hoạch chung TP Nha Trang thì phải có định hướng mới, chọn những khu vực phù hợp để làm nhà cao tầng. Cụ thể, thay vì cấp phép cho dự án cao ốc chạy song song với ven biển như hiện nay thì nên cho nó chạy theo những tuyến thẳng góc với ven biển.
“Điều này có lợi là những nhà cao tầng vẫn có hướng biển nhưng không chắn tầm nhìn, không chắn gió của khu vực ở phía trong và nó khuyến khích phát triển, đi sâu vào đất liền hơn chứ không tập trung quá nhiều ở khu ven biển. Đây cũng là cách mà trên thế giới áp dụng”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu sáng kiến.
Hải Đăng