1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TP.HCM:

Chuyển đường 2 chiều thành 1 chiều: Lợi giao thông, hại kinh tế!

(Dân trí) - Theo các chuyên gia giao thông, khi chuyển đường 2 chiều thành 1 chiều thì có lợi cho giao thông nhưng có hại cho kinh tế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng đây là “chuyện bất đắc dĩ” nên phải nghiên cứu kỹ.

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, Sở GTVT TP đề xuất nghiên cứu, tổ chức chuyển một số tuyến đường lớn thành các cặp đường 1 chiều như Trường Chinh – Cộng Hòa, Lê Quang Định – Phan Văn Trị, Phạm Ngọc Thạch – Hai Bà Trưng…

Đường Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa: dự kiến, làm vòng xoay lớn lưu thông 1 chiều theo hướng Trường Chinh -> Hoàng Văn Thụ -> Cộng Hòa.
Đường Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa: dự kiến, làm vòng xoay lớn lưu thông 1 chiều theo hướng Trường Chinh -> Hoàng Văn Thụ -> Cộng Hòa.

Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, việc chuyển đường 2 chiều thành đường 1 chiều thì Sở GTVT TP đã nghiên cứu 20 năm nay. Và nếu thuận tiện, hiệu quả thì đã thực hiện từ lâu, đặc biệt là cặp đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định.

“Hiện nay có nhiều bất cập, lượng xe quá lớn rồi. Chúng ta giảm xe đường này thì xe chạy qua đường khác. Khi anh chuyển thành đường 1 chiều thì có thể thông thoáng hơn 1 chút nhưng rồi xe lại chạy qua tuyến đường khác, cứ chạy lòng vòng và đẩy kẹt xe qua khu vực khác”, ông Sanh nói.

Ùn tắc giao thông thường xuyên xuất hiện trên đường Cộng Hòa
Ùn tắc giao thông thường xuyên xuất hiện trên đường Cộng Hòa

Theo chuyên gia Phạm Sanh, các nước trên thế giới chỉ chuyển đường 2 chiều thành đường 1 chiều khi mà lượng xe chưa bão hòa, chưa quá tải và tuân theo nguyên tắc. Thông thường, cặp đường 1 chiều thì phải song song và cách nhau chừng vài trăm mét, đồng thời phải có những đường ngang để giải tỏa xe, cho người dân quay đầu. Người dân đi về nhà mình mà phải chạy lòng vòng thì rất bất tiện.

“Đường 1 chiều chỉ phù hợp với khu vực có nhiều cơ quan chứ tuyến đường dày đặc nhà dân buôn bán thì ảnh hưởng đến kinh tế. Thế giới cũng thừa nhận làm đường 1 chiều tốt cho giao thông nhưng hại kinh tế. Những thành phố đang phát triển kinh tế thì người ta chỉnh đường 1 chiều thành 2 chiều chứ không làm ngược lại”, ông Sanh phân tích.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết: “Chuyển thành đường 1 chiều là chuyện bất đắc dĩ, chuyện cực chẳng đã vì điều này không thuận lợi cho người dân. Người ta muốn đi đến mục tiêu đó nhưng phải đi vòng, thế là bất tiện. Ngoài ra, việc đi vòng là tăng lưu lượng giao thông trên đoạn vòng đó. Nếu không tính kỹ thì việc tăng lưu lượng đó cũng làm kẹt xe”.

Song, ông Cương cũng đánh giá mặt lợi của đường 1 chiều đó là khó xảy ra kẹt xe, không xảy ra xung đột khi dòng xe đối đầu nhau như đường 2 chiều, nhất là các tuyến đường không có dải phân cách lớn. Người dân đi đường 1 chiều thì an toàn hơn và tốc độ lưu thông cũng nhanh hơn.

TS Võ Kim Cương lưu ý rằng, đường 1 chiều chỉ phát huy hiệu quả ở các khu phố bàn cờ vì người dân ít phải đi vòng và nếu có thì rất ít. Khu trung tâm thành phố có nhiều tuyến đường 1 chiều phát huy hiệu quả như Lý Chính Thắng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần…

“Nhưng đường lớn quá xa phải đi vòng nhiều thì bất tiện. Cho nên cùng với đường 1 chiều phải có đường phụ để người dân quay đầu, khỏi đi vòng quá xa. Cho nên lợi nhất là ô phố bàn cờ còn đối với đường trục mà không có đường ngang quay đầu thì khá bất tiện cho người dân”, ông Cương phân tích.

Biển người chìm trong khói bụi và nắng nóng qua ải Lăng Cha Cả (đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ
Biển người chìm trong khói bụi và nắng nóng qua "ải" Lăng Cha Cả (đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ

Theo chuyên gia Phạm Sanh, hiện trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn quy định đường 2 chiều, 1 chiều còn ở Việt Nam thì không có. “Người ta không chuyển đường 6 làn xe đang chạy ngon lành thành đường 1 chiều. Và nguyên lượng xe lớn sẽ chuyển đi đâu, các đường song hành, đường nhánh không có. Cuối cùng thì phải luồn lách. Mà luồn lách thì các tuyến đường từ quận Tân Bình xuống TP đều kẹt cứng ở Út Tịch, Lăng Cha Cả…”, ông Sanh nói.

Chuyên gia Phạm Sanh và TS Võ Kim Cương cũng nêu ý kiến, nếu Sở GTVT TP đề xuất thì nên nghiên cứu, tính toán kỹ, khảo sát từng hộ dân, ngỏ hẻm chứ không nên vội vã, đặc biệt là tuyến Trường Chinh – Cộng Hòa. Ở tuyến đường này cần nghiên cứu các tuyến đường ngang, khai thác các con hẻm cho người đi xe máy được thuận tiện hơn.

Về cặp đường Lê Quang Định - Phan Văn Trị, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng Sở GTVT TP đã tính toán nhiều năm nhưng làm không được. “Đường Phan Văn Trị thì cốt lõi là giải tỏa đoạn ở quận Bình Thạnh chứ cốt lõi không phải là 1 chiều, mình đặt vấn đề trật, không đúng khoa học nên cần nghiên cứu kỹ”, ông Sanh nhấn mạnh.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm