1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện đặt tên cho những cơn bão

Việt Nam sẽ đề nghị rút lại tên bão Sơn Tinh ra khỏi danh sách các cơn bão.

Trong khi cơn bão số 8 vẫn đang tiếp tục mạnh lên, bên cạnh các việc triển khai bàn các phương án phòng chống bão, tên của cơn bão này cũng đang là đề tài được dư luận quan tâm. Tên bão số 8, có tên quốc tế là bão Sơn Tinh. Việc đặt tên một vị thần đại diện cho cái thiện gắn với một hiện tượng thiên nhiên mang ảnh hưởng xấu, là thiên tai đã dấy lên “làn sóng” không đồng tình của dư luận.

Nhưng trên thực tế, nhìn vào lịch sử của các cơn bão trên thế giới, có rất nhiều cơn bão được gắn những cái tên rất đẹp đẽ, thậm chí là tên của các vị thánh, vị thần nổi tiếng trong huyền thoại các nước. Cơn bão Sơn Tinh đang hoạt động trên biển tây bắc Thái Bình Dương không phải ngoại lệ. Vậy, có quy định nào cho việc đặt tên các cơn bão, và lấy tiêu chí gì để đặt tên cho bão?

Việt Nam kiến nghị bỏ tên bão Chanchu ra khỏi danh sách tên các cơn bão. Ảnh minh họa.

Việt Nam kiến nghị bỏ tên bão Chanchu ra khỏi danh sách tên các cơn bão. Ảnh minh họa.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW, các cơn bão nhiệt đới được đặt tên từ đầu thế kỷ 20, tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và cảnh báo, tránh nhẫm lẫn giữa các cơn bão. Trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan dự báo khí tượng của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện. Ban đầu, người ta đánh số cho từng cơn bão trong từng mùa mưa bão theo nguyên tắc lấy ngày cơn bão xuất hiện để đặt tên cho nó. Sau đó, Hải quân Hoa Kỳ có sáng kiến lấy tên Thánh của ngày xuất hiện cơn bão để đặt tên. Danh sách tên đề cử này sẽ được gửi cho Tổ chức khí tượng thế giới sử dụng theo thứ tự từ A đến Z.

Trong Thế chiến II, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ. Nguyên tắc bất thành văn này do đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ đề ra, dưa trên việc phân tích trong tiếng Anh, tiếng Pháp và một số nước phương Tây, bão có nghĩa là giống cái nên người ta đã sử dụng tên con gái để đặt tên bão. Tên của bão vì thế thường lấy tên vợ hoặc bạn gái của các nhà dự báo. Những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào nữ quyền thế giới cho rằng bão lũ toàn đem lại những điều tồi tệ nên phản đổi việc lấy tên con gái để đặt tên các cơn bão. Trước yêu cầu này, Tổ chức Khí tượng thế giới đã phải dung hòa bằng dùng một tên nam giới và một tên nữ giới đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên này do các nước thành viên tiến cử cho Tổ chức Khí tượng thế giới lựa chọn.

Riêng ở khu vực tây bắc Thái Bình dương, theo ông Hải, trước đây có quy định, tên bão là do Cơ quan khí tượng của Hải quân Hoa Kỳ đặt, việc đánh số các cơn bão lại do Nhật Bản đảm trách. Đây là quy định chưa thực sự hợp lý nên các nước trong Ủy ban bão của khu vực đã họp lại, bàn thảo và đưa ra quyết định: các nước sẽ đề cử tên các cơn bão để lựa chọn vào danh sách được “chốt”, các tên trong danh sách này sẽ được dùng để đặt tên cho các cơn bão. Trên thực tế, các nước đã lấy tên của các vị thần, các loài hoa, con thú quý hiếm, địa danh nổi tiếng, thậm chí là các món ăn… để đề cử cho Ủy ban bão của khu vực. Đơn cử, chúng ta từng thấy Trung Quốc đã đề cử tên Ngokhong, Lào chọn tên Champa, có nước lấy tên Thần Sấm, thần Gió… để giới thiệu cho Ủy ban bão của khu vực lựa chọn. Theo quy định, khi gửi các tên đề cử, các nước thành viên phải chú thích rõ cách phát âm và giải thích ý nghĩa của những cái tên đó. Và Ủy ban bão sẽ quyết định việc sử dụng tên nào.

Ông Hải cho biết, trước đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã đề xuất 20 tên gọi cho bão. Việc đưa ra danh sách các tên đề cử được thực hiện theo đúng trình tự, đã được Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Nhưng Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.

Tuy nhiên, mỗi năm, Ủy ban bão sẽ họp 1 lần, trong đó có bàn đến nội dung các nước đề cử tên mới, loại tên cũ theo danh sách. Và nhiều nước đã thay đổi tên bão như Hàn Quốc, đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão sau khi cơn bão mang tên này đổ bộ và gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước này. “Tương tự, bão Chanchu, tên bão do Hàn Quốc đề cử đã gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước ta và chúng ta cũng đã kiến nghị bỏ tên này ra khỏi danh sách tên các cơn bão, Ủy ban bão trong khu vực cũng đã chấp nhận đồng ý”, ông Hải giải thích.

Bảng các tên được dùng để đặt cho bão ở tây bắc Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam):

(Nguồn: Atlantic Oceanographic and Meteorological Laboratory).

(Nguồn: Atlantic Oceanographic and Meteorological Laboratory).

(Nguồn: Atlantic Oceanographic and Meteorological Laboratory).

Từ trước đến nay, mới chỉ có 2 tên bão do Việt Nam đề cử ảnh hưởng đến nước ta. Cụ thể vào tháng 9/2007, cơn bão Lekima đã đổ bộ vào Quảng Bình- Hà Tĩnh và sau đó, vào tháng 7/2010, cơn bão Conson đi qua vịnh Bắc bộ rồi đã đổ bộ vào các tỉnh phía bắc.

Liên quan đến tên bão Sơn Tinh, ông Bùi Văn Đức, Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng việc để tên Sơn Tinh đặt cho cơn bão, nếu thấy chưa hợp lý, Việt Nam có thể đề nghị Ủy ban bão rút lại tên bão này, thay thế bằng tên bão khác và Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ kiến nghị trong cuộc họp thường niên năm nay.
 
Theo Chí Linh
Công an Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm